Càng gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trong sân nhà của già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo (xã Bình Minh huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) luôn rộn ràng tiếng cười, nói của đám con trai, con gái. Sau giờ lên nương rẫy, họ tụ tập tại đây để cùng già làng chỉnh sửa lại cồng chiêng và tập luyện cho những đôi tay gõ chiêng thêm dẻo, đánh cồng thêm chắc để chuẩn bị tham gia ngày hội của sóc trong những ngày tết sắp tới.
Già làng Điểu Lên cho biết, đối với người S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là nét văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Cồng chiêng chính là tiếng nói, nguyện vọng của con người vùng cao gửi đến thần linh cầu mong những điều tốt đẹp, cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Tuy nhiên, có một khoảng thời gian dài, nhiều người S’tiêng đã quay lưng với cồng chiêng. Điều đó khiến âm thanh rộn rã của cồng chiêng, niềm tự hào một thời của đồng bào S’tiêng cũng vắng lặng theo. Thế nhưng, sau những bươn chải với cuộc sống, những đổi thay của xã hội, đồng bào S’tiêng lại nhớ về âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng trong cuộc sống hàng ngày và nhất là trong các dịp lễ hội. Giờ đây, sau ngày lao động vất vả, những người S’tiêng yêu tiếng cồng chiêng, yêu âm nhạc và điệu nhảy mềm mại lại quây quần bên nhau múa hát, xua tan mệt nhọc.
Đang say sưa múa theo điệu nhạc, sơn nữ Thị Hồng - cô gái S’tiêng ở sóc Bom Bo đang ở độ tuổi cập kê, chia sẻ: “Em tham gia đội múa và đội cồng chiêng của sóc gần 2 năm rồi. Trước đây, khi sóc có lễ hội thỉnh thoảng em cũng có tham gia, nhưng cái tay múa không dẻo, tiếng cồng đánh không hay. Vì thế, cứ trước những ngày hội, bọn em tập trung về nhà già làng Điểu Lên để tập. Âm thanh của cồng chiêng cứ như “chất men” vậy đó, mỗi khi vang lên là lôi cuốn gái trai hòa vào điệu múa của cả sóc mừng mùa lúa mới, lễ, tết và cả trong đám cưới nữa”.
Cách đó không xa, đồng bào S’tiêng tại thôn 1, xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) đang quây quần bên nhau trong không khí rộn ràng, trong men say của ché rượu cần để chào đón năm mới đang đến gần. Hút một hơi rượu cần thật sâu, ông Điểu Grớt, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), buông lời: “Năm nay, mùa màng tuy không khấm khá bằng năm trước nhưng mình vẫn bảo ban bà con ở các làng tổ chức lễ hội để cầu thần linh phù hộ cho sức khỏe, mùa màng tươi tốt, thể hiện tình đoàn kết giữa các buôn làng”.
Đêm cuối năm ở miền ngược, những cô gái, chàng trai S’tiêng “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” nhảy say sưa trong tiếng cồng chiêng dồn dập. Các cụ già ca hát, nhảy múa cùng ôn lại truyền thống hào hùng, kể cho con cháu nghe những chuyện đã qua. Già làng bắt đầu dâng lễ vật cúng thần linh, cảm ơn các vị thần đã ban cho dân làng cuộc sống ấm no trong suốt năm qua.
Cồng chiêng, rượu cần là những thứ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người S’tiêng
Đất trời vào xuân
Men theo những con đường đất đỏ nép mình dưới những tán cao su xanh mướt, gặp chúng tôi, Điểu Thớp - chàng thanh niên dân tộc S’tiêng ở sóc 28, xã Nghĩa Bình (huyện Bù Đăng), không giấu nỗi niềm vui: “Năm nay được mùa điều, lại trúng mùa tiêu nên gia đình tôi chuẩn bị đón tết rất sớm và tươm tất. Ngay từ khi thu hoạch vụ mùa xong, cả nhà đã cùng nhau xuống chợ mua sắm đồ mới và chuẩn bị heo, gà ăn tết. Cuộc sống kinh tế khá hơn nên bây giờ bà con mình đón xuân khác xưa nhiều lắm. Những đứa trẻ được mua nhiều quần áo mới, mâm cỗ cũng có nhiều rượu, thịt hơn; ngày hội của sóc cũng rộn ràng hơn hẳn”.
Theo chân anh Điểu Thớp, chúng tôi đến những ngôi nhà của đồng bào S’tiêng để chứng kiến những đổi thay và không khí đón tết của người dân nơi đây. Vừa thấy chúng tôi từ đầu ngõ, chị Thị Hoan đã hồ hởi chạy ra mời khách vào nhà uống nước. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Hoan chia sẻ, mặc dù gia đình chưa khá giả lắm nhưng với người S’tiêng nói chung và gia đình chị nói riêng, tết luôn là thời khắc rất quan trọng nên gia đình chị đã chuẩn bị chu đáo để cầu chúc một năm mới may mắn, phát tài.
Hồi tưởng lại những nghi thức đón xuân của đồng bào mình từ thời xa xưa, già Điểu Duông (69 tuổi) ở xã Nghĩa Bình cho biết, ngày trước, đồng bào S’tiêng không có tục lệ ăn tết như người Kinh. Cứ thu hoạch lúa xong thì làm lễ mừng lúa mới và gọi là ăn tết luôn. Năm mới đối với đồng bào có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là thời điểm kết thúc một mùa thu hoạch, chuẩn bị sang mùa vụ mới. Vì vậy, tết đến với đồng bào S’tiêng thường sớm hơn miền xuôi. Ngay từ tháng 12 dương lịch, sau khi kết thúc mùa lúa, người dân trong sóc đã hối hả mang lúa về để chuẩn bị gạo mới đón tết. Cả nhà cùng nhau xuống chợ mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Trai tráng chia nhau vào rừng lấy cây dó đất về ngâm rượu, người bắt gà, bắt heo, mang trâu về nhốt trong chuồng. Phụ nữ chuẩn bị sẵn ống tre để làm cơm lam, gạo nếp để giã bánh dầy... không khí luôn nhộn nhịp, hối hả.
“Bây giờ cuộc sống kinh tế đã khá hơn, phong tục tập quán tuy vẫn còn, nhưng đã thay đổi theo người Kinh, cúng bái cũng giảm bớt. Ngày mùng 1 Tết, cũng giống phong tục dưới xuôi, con cháu họ hàng tập trung về nhà người cao tuổi để chúc tết và mừng tuổi, sau đó mới tỏa đi thăm họ hàng, anh em, làng xóm. Ba ngày tiếp theo, không khí tết vẫn nhộn nhịp bởi những bữa cỗ linh đình, bên ché rượu cần và những lời chúc tụng, cùng các điệu múa của nam thanh nữ tú bên ánh lửa bập bùng và không thiếu những ánh mắt đưa tình…”, già Điểu Duông chia sẻ.
Một năm mới lại đến, trên các sườn đồi ở các huyện vùng biên giới của tỉnh Bình Phước thắm đỏ sắc hoa, xen lẫn màu xanh của những vườn tiêu, vườn điều trĩu quả. Những nếp nhà san sát nhau, tạo nên khung cảnh trù phú, yên ấm. Ở đó, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đang đổi thay từng ngày và đón chào một mùa xuân đầy khát vọng, yêu thương và ấm áp.
Theo SGGP Online