Ngôi chùa độc đáo
Từ trung tâm thành phố Hà Nội, xuôi theo quốc lộ 5, chỉ khoảng 30 phút di chuyển là du khách đã đặt chân đến đất Văn Lâm. Bỏ lại sau lưng những ồn áo tấp nập của phố phường đô thị, vùng đất này đón khách với sự bình yên và trong lành hiếm có.
Chùa Nôm nằm ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm là một trong số ít những ngôi đại tự có tiếng của vùng đồng bằng sông Hồng đến nay vẫn còn lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn nhiều nét cổ kính. Qua nhiều thăng trầm sau hơn 400 năm tồn tại, ngôi chùa vẫn giữ được kỷ lục: Có nhiều pho tượng đất cổ nhất Việt Nam, 122 pho tượng làm bằng đất được đặt tại nhiều vị trí khác nhau trong khuôn viên chùa, mô tả đầy đủ con đường hành Phật. Không pho tượng nào giống nhau, mỗi pho tượng được khắc họa một cách sống động từ trang phục đến những sắc thái biểu cảm như mỉm cười, giận dữ, trầm tư...Có những pho tượng nhỏ chỉ bằng nắm tay nhưng lại có pho tượng rất lớn.
Vì thế, đến chùa Nôm, nhiều du khách không chỉ được bày tỏ lòng thành kính cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, mà còn là cơ hội để chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp phong thủy hữu tình của cha ông để lại. Đặc biệt, những trận lụt lịch sử đã từng nhấn chìm đất đai, nhà cửa và ngôi chùa ở vùng chiêm trũng này trong biển nước, song hệ thống tượng trong chùa, tuy được đúc bằng đất, không bị mục nát, bị nứt hay thất lạc. Trái lại, lớp sơn son thiếp vàng được phù trên các pho tượng vẫn còn nguyên vẹn, sáng đẹp cùng thời gian. Dấu vết của năm tháng dường như khiến du khách phải trầm trồ, ngả mũ thán phục trước kỹ năng điêu luyện cùng sự chau chuốt, tỉ mỉ của các nghệ nhân tạc tượng từ hơn 4 thế kỳ trước.
Vẻ đẹp của ngôi làng cổ
Thành kính thắp nén tâm nhang trong tiếng chuông chùa thoảng giữa không gian tĩnh lặng, các phật tử và du khách vãn cảnh đầu năm mới lấy lại cảm giác cân bằng cho cuộc sống sau quãng thời gian dài trong năm bị cuốn vào guồng quay của công việc. Cảm xúc này sẽ còn theo mãi bước chân du khách khi rong ruổi trên những nẻo đường quê. Làng Nôm cuốn hút du khách không chỉ bởi chùa Nôm mà sức hấp dẫn còn đến từ những nét văn hóa cổ xưa của kiến trúc làng Việt. Cây đa, giếng nước, đường làng lát gạch đỏ son, mái đình rêu phong, nếp nhà cổ... Tất cả hình ảnh bình dị và thân quen của làng quê Việt đều hiên hiện một cách sống động ở làng Nôm. Cuộc sống hiện đại dường như chưa tác động đến nơi này nên chỉ cần bước qua cổng làng, du khách có thể cảm nhận một thế giới khác vừa thân quen, vừa yên bình.
Để lại nhiều ấn tượng nhất với du khách khi đến thăm làng là cây cầu nhỏ bắc qua sông Nguyệt Đức nằm giữa quần thể di tích cổ kính của làng Nôm. Cầu có tên là cầu Nôm đã hơn 200 tuổi. cầu Nôm được làm hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, được tạo nên từ những phiến đá xanh lớn với nhiều nét chạm đục cầu kỳ và công phu. Hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ hoa văn rất tinh xảo, trông như những chiếc đầu rồng của những thuyền rồng mà vua chúa ngày xưa hay đùng để đi du ngoạn. Cầu xây 9 nhịp, dẫm cầu hình chữ nhật. Qua thời gian, rêu và cây leo bám quanh, nhưng bằng mắt thường du khách vẫn có thể dễ dàng quan sát chiêm ngưỡng những nét văn hóa cổ tinh tế. Nét đặc sắc nữa là các phần của cầu như mặt cầu, chân cầu không kết nối với nhau bằng vật liệu liên kết và chỉ gác lên nhau nhưng phải trải qua hai thế kỉ tồn tại, mặt cầu vẫn phẳng, cây cầu vẫn chắc chắn và vững chãi. Vì thế, cầu Nôm được đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.
Cụm danh thắng làng Nôm
Chùa Nôm và cụm danh thắng làng Nôm rất gần Hà Nội nên chuyến đi này du khách chỉ nên đi trong buổi hoặc trong ngày. Ngoài phương tiện di chuyển là xe máy theo quốc lộ 5 hoặc cao tốc Pháp Vân- Yên Lệnh, du khách có thể di chuyển đến đây bằng xe buýt tuyến Hà Nội- Hưng Yên xuất phát tại bến xe Lương Yên.
Dâng hương vào chùa, du khách chỉ nên sắm lễ chay gồm hương, hoa quả... tuyệt đối không được dâng, đặt lễ mặn ở khu vực phật điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa, các loại tiền giấy âm phủ, đồ mã và cả tiền thật không nên đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Cỗ mặn gồm gà, giò, chả, rượu, trầu cau....thường được đặt tại ban thờ hay điện thờ của Đức ông, vị thần cai quản toàn bộ công việc của ngôi chùa. Tuy nhiên, nếu trong hành trình của mình, du khách kết hợp tham quan thêm một số điểm khác thì không nên mua sắm đồ mã, đồ cúng linh đình, cầu kỳ với số lượng lớn, khiến cho chuyến du lịch tâm linh trở nên nặng nề, di chuyển khó khăn. Đến với nhà Phật, chỉ cần thành tâm, thành kính cũng là đủ.
Rời làng Nôm, xã Đại Đồng, trên đường về, du khách có thể ghé thăm một số điểm tham quan khác cũng rất đẹp và cổ kính như: Khu di tích đền Ủng- thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão ở xã Phù Ủng, huyện Ân Thi. Đây cũng là nơi có làng nghề chạm bạc truyền thống nổi tiếng. Một tuyến khác du khách có thể kết hợp tham quan là phố Hiến- Đệ nhất danh thắng miến Bắc để sống lại thời kỳ huy hoàng của một thương cảng sầm uất từ thế kì 13 cùng với một quần thể kiến trúc cổ mà nổi bật nhất là chùa Hiến, với cây nhãn tổ tương tuyền từng được hái dâng cho đức Phật, chùa Chuông, Đễn Mẫu.