Mấy anh bạn thân của tôi, những người rất mê điện ảnh và cũng rất tinh nghề bảo: “Anh phải xem ngay Người trở về đi. Bây giờ Việt Nam mới có phim truyện. Tôi đã xem đến ba lần rồi. Dù rất khó tính, tôi vẫn phải cho phim 9,5 điểm. Chưa đạt điểm tuyệt đối vì phim vẫn còn thiếu những đại cảnh. Nhưng tài lắm. Đúng là phim chiến tranh. Rất thật. Một người lính trở về đúng vào ngày cưới của người yêu...”.
Người lính trở về đúng vào lúc người yêu lên xe hoa thì có gì mới đâu. Đó là chuyện rất cũ. Cũ đến hóa nhàm. Có bao nhiêu tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu phẩm như thế. Tôi nghe mà đã thấy chán. Nhưng thôi cứ xem.
Vậy mà rồi vẫn chẳng xem được. Hai lần bị lỡ vì việc đột xuất bất khả kháng. Tôi đành bảo ông bạn yêu thích bộ phim nhờ người chuyển sang Video rồi xem tại gia. Phim truyện nhựa màn ảnh rộng mà xem trên vi tính thì đâu còn là phim. Phải trừ đi 80% tính hiệu quả. Vậy mà sau khi khấu trừ khủng như thế, tôi vẫn bị bộ phim “bỏ bùa”. Hay. Chặt chẽ. Chân thực. Sâu sắc. Và đặc biệt là rất xúc động. Rất hấp dẫn. Hấp dẫn ngay từ những giây khắc đầu tiên. Những tình tiết tưởng cũ mà lại không cũ. Đó là nhờ tài xử lý của đạo diễn. Ông bạn tôi nói đúng. Việt Nam đã chính thức có phim truyện rồi.
Lại nhớ hồi xuất hiện hàng loạt những bộ phim truyện gây được tiếng vang như Mùa ổi, Vào Nam ra Bắc, Ngã ba Đồng Lộc, Thương nhớ đồng quê, Đời cát..., tôi đã tìm đến Lê Lựu, một nhà văn trực tính, rất sắc sảo, cũng là tác giả kịch bản của hàng loạt bộ phim truyện: Người về đồng cói, Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng...
Lê Lựu tỏ ra rất vui. Nhưng anh vẫn chưa mỹ mãn: “Đúng là văn chương của chúng ta thất bát, nhưng điện ảnh lại được mùa. Đặc biệt là những phim về chiến tranh và người lính. Ngoài mấy bộ phim mà cậu vừa nhắc, còn phải kể mấy phim trước đó nữa: Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Ngã ba Đồng Lộc...
Có thể nói, điện ảnh nước ta đã bò lên được miệng vực...”. “Mới bò lên được tới miệng vực thôi à? – Tôi ngạc nhiên - Sao bác có vẻ bi quan thế?”. “Không, tôi là người thuộc phái lạc quan. Có khi còn lạc quan tếu", Lê Lựu phân bua. "Tôi cũng chỉ có thể nói rằng, điện ảnh của ta mới chỉ leo lên được miệng vực. Và như thế cũng đã là một cố gắng rất lớn của ngành điện ảnh mà chúng ta cần phải ghi nhận. Những thành công liên tiếp vừa rồi, cho thấy đạo diễn của ta không tồi. Chúng ta có thể tin vào tương lai của điện ảnh...”.
“Trong những phim anh biểu dương vừa rồi, có khá nhiều phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học...”. “Đúng thế - Lê Lựu khẳng định - Những phim được chuyển thể từ tiểu thuyết, hoặc truyện ngắn, dù không bằng được nguyên bản văn học, nhưng vẫn khá hơn rất nhiều so với những bộ phim khác, nghĩa là nó sâu sắc hơn, thâm thuý hơn, nó tránh được cái căn bệnh, mà tôi gọi là “bệnh kịch kịch”, nghĩa là cái bệnh giả, rất khó chịu. Có thể vì người được mời đóng phim là diễn viên sân khấu. Sân khấu có cái mạnh là tính ước lệ. Nhưng mang cái ước lệ ấy sang điện ảnh lại hỏng, vì nó giả. Điện ảnh cần phải thật. Thật như chính cuộc sống. Và điều đặc biệt, những tác phẩm được chuyển thể thường là đặc sắc, vì nó có tính văn học...”.
“Bác khen mà cứ như chửi bố người ta – Tôi cãi - Tác phẩm điện ảnh thì phải có tính điện ảnh, chứ sao lại mang tính... văn học?”. “Chú chỉ được cái giả vờ ú ớ. Tôi nói tính văn học là nói theo nghĩa rộng. Bởi suy cho cùng, điện ảnh, văn chương, hội hoạ, kịch, hay các loại hình nghệ thuật khác khi đạt tới đỉnh cao cũng chẳng khác nhau lắm đâu. Nghĩa là nó cứ phải độc đáo, cứ phải hay – Lê Lựu khẳng định - Tính văn học phải hiểu theo nghĩa nhân bản, là một thứ nghệ thuật đích thực, có tính thẩm mỹ cao. Nhà văn dùng chữ. Hoạ sĩ dùng màu sắc. Điêu khắc dùng các mảng, khối. Mỗi thể loại đều có ngôn ngữ riêng, đặc thù riêng, nhưng không nên lấy cái đặc thù của ngành mình mà lấp liếm cho tính nghệ thuật, tính nhân văn, rồi loè nhau và hù doạ dân chúng".
"Một thời làm phim chiến tranh, chúng ta cứ lấy súng đạn, gươm giáo, đám đông ào lên mà lấn lướt và nói lấy được, mà cứ tưởng như thế là có tính sử thi, có tính hoành tráng, rốt cuộc chẳng thấy con người đâu, cũng chẳng thấy tâm trạng, tính cách và số phận của từng con người cụ thể. Đấy đâu phải nghệ thuật. Bởi thế mà nó không thoát khỏi nền sân khấu “ôi a”. Tôi nói thế không phải là phỉ báng các bác sân khấu đâu. Sân khấu là tuyệt vời. Nhưng sân khấu không phải điện ảnh. Mà tôi thì đang bàn về điện ảnh. Hai cái này kỵ nhau lắm. Tôi đã nói rồi. Một đằng mang tính ước lệ, một đằng lại phải thật, thật đúng như đời. Sở dĩ công chúng quay lưng với điện ảnh, cũng chính vì chúng ta đánh mất cái thật này".
"Tôi rất bái phục một số đạo diễn điện ảnh của ta. Tôi thấy họ có đến mấy cái tài:
Cái tài thứ nhất là nhà nước cho bao nhiêu tiền, họ cũng chia được cho nhau hết, mà chia rất tài, rất hợp lý và rất khó bắt bẻ, phần đầu thừa đuôi thẹo mới mang đi làm phim. Đạo diễn các nước thì họ dồn hết tiền của cho phim. Ngoài số được đầu tư, họ còn bán nhà bán cửa đi để làm phim. Phim hay, có nhiều người xem thì lại kiếm bộn tiền, ở mình, nhà nước rất ưu ái, và không phải là không có tiền, có phim nhà nước đầu tư đến hàng chục tỷ đồng, nhưng làm xong rồi thì đắp chiếu, không ai thèm xem cả. Bởi chúng ta làm cái gì ấy, chứ không phải nghệ thuật.
Cái tài thứ hai của một số đạo diễn là khả năng tự bôi bác mình. Nếu mang một kịch bản hay nhất của thế giới về thì họ cũng sẽ biến thành một cái phim dở nhất của Việt Nam. Lỗi không phải do ít tiền, cũng không phải do diễn viên. Chúng ta có rất nhiều diễn viên giỏi. Tiền nhà nước đầu tư cũng không ít. Nhưng phim vẫn không hay, vì chúng ta quen dối trá, tuỳ tiện, mà điện ảnh lại là một loại hình nghệ thuật không chấp nhận sự tuỳ tiện, dối trá.