Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị bảo vật quốc gia

19/05/2023 08:43

Theo dõi trên

Nhằm thực hiện tốt việc bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị của bảo vật quốc gia, đồng thời tiếp tục nhận diện và lựa chọn được những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học (theo các tiêu chí quy định tại khoản 21 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa), Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:

hopvangngoavan-1675078575604812019287-1684460549.jpg
Hộp vàng Ngọa Vân. Nguồn: chinhphu.vn

Tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, trong đó lưu ý: Có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính.

Cùng với đó, kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị chuyên dụng dành cho kho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia tại di tích, để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.

Việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt; quá trình thực hiện bảo quản phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan, các chuyên gia về bảo quản (căn cứ theo loại hình, chất liệu, tình trạng của từng bảo vật quốc gia).

Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời báo cáo định kỳ về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia (kèm theo hình ảnh liên quan), gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 31/8 hàng năm.

1-1675079016022730561578-1684460586.jpg
Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định. Nguồn: chinhphu.vn

Đối với việc lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023: Căn cứ Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, để xét chọn, lập hồ sơ hiện vật gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận bảo vật quốc gia. Văn bản đề nghị và hồ sơ hiện vật gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31/8/2023.

Có thể nói, bảo vật quốc gia được xem như diện mạo văn hoá của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc lựa chọn, công nhận hiện vật nào trở thành bảo vật là cả quá trình cân nhắc kỹ lưỡng của các cơ quan có trách nhiệm. Tuy nhiên, cùng với đó còn là câu chuyện bảo tồn, khai thác giá trị của các bảo vật sao cho xứng tầm danh hiệu.

Đợt gần đây nhất, ngày 30/01/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định công nhận 27 Bảo vật quốc gia. Trong đó có 20 Bảo vật thuộc sở hữu Nhà nước và 7 bảo vật thuộc sở hữu tư nhân. Trong tổng số bảo vật thuộc sở hữu Nhà nước thì có tới 4 bảo vật đang được lưu giữ tại khi di tích Hoàng Thành Thăng Long. Các bảo vật gồm: Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại (Thế kỷ XVII); Đầu rồng thời Trần, niên đại (Thế kỷ XIII); Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại (Thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI); Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại (Thế kỷ XVII).

Trong mỗi đợt Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia, Chính phủ đều yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có Bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý Bảo vật quốc gia được công nhận ở trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với Bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Và để làm tốt điều này, rất cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, làm sao để những Bảo vật quốc gia thực sự phát huy được giá trị, xứng tầm với danh hiệu được công nhận và luôn là niềm tự hào của đất nước./.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị bảo vật quốc gia" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.