Tìm hiểu
Việt Nam, đất nước giàu bản sắc văn hoá, luôn tự hào về những giá trị truyền thống độc đáo. Trong số đó, cổ phục là một phần không thể thiếu, gắn liền với hình ảnh của dân tộc qua từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, một thời gian dài, cổ phục dường như bị lãng quên trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, chỉ còn xuất hiện qua những bức tranh, ảnh lưu niệm hay trong một số lễ hội truyền thống.
Thời gian trước chúng tôi đã có xem một vài công trình nghiên cứu của GS.TS Ðoàn Thị Tình (nghiên cứu về phục trang người Việt), nhà nghiên cứu Trịnh Bách (phục dựng trang phục cung đình), nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ (nghiên cứu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam),… và cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của tác giả Trần Quang Đức đã gây chú ý khi tạo dựng được bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng 1.000 năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945)… những nghiên cứu này mới chỉ có giới học thuật, chuyên gia quan tâm.
Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động của một số tổ chức bảo tồn và phát huy cổ phục được thành lập đã thu hút rất đông thành viên và phần lớn là người trẻ. Điển hình như Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên của Nguyễn Đức Lộc, thành lập năm 2018, đã kết nối thành công với các làng nghề truyền thống như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu để phục dựng nhiều bộ cổ phục thời Trần, Nguyễn. Tổ chức này còn tiên phong trong việc đưa cổ phục vào các sản phẩm nghệ thuật đương đại như MV ca nhạc "Không thể cùng nhau suốt kiếp" của Hòa Minzy.
Vietnam Centre cũng gây ấn tượng với dự án "Dệt nên Triều đại", tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình thời Lê sơ. Trong khi đó, nhóm Đông Phong lại tập trung vào nghiên cứu, thử nghiệm kỹ thuật dệt và nhuộm vải cổ truyền tại xưởng riêng, hướng đến việc tái hiện chân thực nhất các chất liệu xưa. Đặc biệt, Câu lạc bộ Đình làng Việt với gần 19.000 thành viên từ nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Đức đã cho thấy sức hút ngày càng lớn của cổ phục trong cộng đồng người Việt trẻ toàn cầu.
Các tổ chức này không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, phục dựng mà còn tích cực tổ chức nhiều sự kiện trải nghiệm, triển lãm như "Ơ kìa! Cổ phục Việt", cuộc thi ảnh "Cùng Việt phục đến trường", hay các buổi trình diễn tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, góp phần đưa trang phục truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Lan toả
Những năm gần đây nhiều nghiên cứu, quảng bá, tìm hiểu về cổ phục Việt đã bắt đầu được quan tâm trở lại. Bằng chứng là đã xuất hiện một số tổ chức với những dự án bảo tồn, quảng bá và phát huy cổ phục Việt. Đặc biệt, trong một hội thảo gần đây về thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cổ phục Việt cũng được khuyến khích phát huy giá trị qua các hoạt động kinh tế, thương mại với quan niệm sản phẩm phải đến tay người dùng thì mới gọi là “sống”, và đó cũng là cách bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa.
Một Việt Nam đầy màu sắc qua cổ phục được biết đến với các dự án nghiên cứu, vẽ trang phục thời Nguyễn, họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Quốc Trí chia sẻ: "Cổ phục Việt là sự phát triển lâu dài, không phải trào lưu. Ở Trung Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì các hoạt động giữ gìn trang phục truyền thống, từ phim ảnh đến du lịch... Qua cổ phục mọi người sẽ thấy một Việt Nam khác, giàu có và đầy màu sắc".
PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chia sẻ: "Trung tâm nghệ thuật sáng tạo này có các ngành đào tạo hướng nghiên cứu - mà tôi cũng rất vui mừng báo cáo với các chuyên gia, là có cả hướng nghiên cứu và sẽ thành 1 chương trình đào tạo liên quan đến trang phục, trong đó có 1 định hướng nghiên cứu sâu về y phục truyền thống".
Bạn Lưu Thị Yến Vy - sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chia sẻ: "Dù vậy, việc phục dựng cổ phục không chỉ cần đến sự yêu thích mà còn phải có sự nghiên cứu cẩn trọng, để tránh việc phục dựng thiếu chính xác, làm mất đi giá trị nguyên bản của trang phục truyền thống. Mình cũng thấy rằng cổ phục không chỉ là trang phục mà còn là biểu tượng tinh thần, chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa văn hóa, xã hội mà cần được tôn trọng và bảo tồn"
Kết thúc hành trình khám phá “những câu chuyện trong làng cổ phục Việt” chúng ta nhận thấy rằng cổ phục không chỉ là trang phục mà còn là niềm tự hào và sự gắn kết với truyền thống dân tộc. Đây không phải vấn đề của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và xã hội. Nếu muốn giữ gìn và tôn vinh nét văn hoá độc đáo này, tất cả chúng ta cần chung tay bảo tồn và truyền lại cho thế hệ mai sau, để cổ phục luôn sống mãi trong lòng người Việt.