“Là đảng viên thì làm gì, ở đâu cũng hết lòng, dốc sức”
Được anh em trong ngành giới thiệu về thầy giáo Phạm Quốc Việt. Thế là anh em hăm hở hành quân lên với vùng cao. Đã hẹn trước, thầy Việt ra tận cổng trường đón chúng tôi. Tác phong nhanh nhẹn, xởi lởi, thân thiện với khách gặp lần đầu đã xua đi mệt mỏi cả chặng đường dài. Thoạt nhìn, thầy giáo sinh năm 1982 khá cao ráo, da ngăm đen, tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, ánh mắt toát lên sự cương nghị, quyết đoán.
Thầy Việt trầm ngâm, bấm đốt ngón tay đếm khoảng thời gian mình có mặt nơi vùng cao: “Thấm thoắt mà đã gần 20 năm rồi, anh ạ!”. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, gắng gỏi, tuổi trẻ dấn thân mang “cái chữ” đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, thầy Việt không giấu được bùi ngùi bởi chất chứa nhiều kỷ niệm, ký ức vất vả, gian nan… Nhưng theo thầy: “Gian khó thì càng níu chân, vất vả không bỏ cuộc”.
Sinh ra tại xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhưng thầy Việt lại có duyên gắn bó với núi rừng Tây Nguyên để rồi chọn Kon Tum lập nghiệp. Bằng sự tận tụy, tâm huyết với nghề, thầy đã đóng góp nhiều thành tựu vào sự nghiệp “trồng người” trên huyện vùng sâu Tu Mơ Rông.
Là giáo viên ngữ Văn, khi là giáo viên đứng lớp, với kiến thức chuyên môn vững vàng, phương pháp dạy học lôi cuốn, sáng tạo nên học sinh khá háo hức, đón đợi mỗi giờ thầy Việt lên lớp. Thầy không ngừng trui rèn, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ các nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức, kỹ năng và chất lượng giảng dạy. Với trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề nghiệp, từ khi còn là giáo viên đến lúc đảm nhiệm công tác quản lý ở các trường thuộc xã Măng Ri, Ngọc Yêu và bây giờ là Trường PTDTBT TH-THCS Đăk Sao, thầy giáo Việt có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả, tiêu biểu như: “Cách chữa lỗi chính tả tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn 6 cho học sinh lớp 6, Trường PTDTBT TH-THCS Măng Ri”; Đề tài: “Một số giải pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường PTDTBT TH-THCS Đăk Sao”.
Là người “truyền lửa”, mỗi giờ lên lớp, thầy Việt đều dành trọn tâm huyết, những điều cao đẹp nhất tới cho học sinh để khơi đam mê, truyền cảm hứng đến học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) là công việc mà thầy Việt luôn đau đáu, đeo đuổi. Khi giảng dạy tại xã Ngọc Yêu, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với gần 100% học sinh là người DTTS, thầy đã cùng đội ngũ thầy, cô giáo duy trì sĩ số học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Có nhiều học sinh nghèo người dân tộc Xơ Đăng như các em Y Thoan, A Thái, Y Nguyệt ở xã Ngọc Yêu; Y Khiêm, xã Măng Ri; Y Lang, xã Đăk Sao… được thầy Việt chăm bẵm từ những bước đi đầu tiên, giờ đã trở thành những công chức, giáo viên, công an xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông… Em Y Lang bộc bạch: “Thầy Việt đã gieo niềm tin, truyền cảm hứng cho em, để em vững bước vào đời”.
Có thể thấy, bất cứ ở cương vị nào, bằng những hành động gương mẫu, tiên phong trong công việc, cộng với tác phong sinh hoạt, lối sống giản dị, khiêm nhường, thầy đã tạo được tình cảm yêu thương, gắn bó của đồng chí, đồng nghiệp, các em học sinh. Thầy Việt bày tỏ: “Mình là đảng viên thì làm gì, ở đâu cũng phải hết lòng, dốc sức”.
Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục
Từ năm học 2017 - 2018 đến nay, thầy giáo Phạm Quốc Việt được điều động làm Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH-THCS Đăk Sao. Đây là ngôi trường có đến 97% học sinh là người dân tộc Xơ Đăng. Với quyết tâm dựng xây nhà trường phát triển, hơn 7 năm qua, thầy Việt dồn tâm sức tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ giáo dục, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, thực chất, toàn diện. Tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn trưởng, bí thư chi bộ các thôn để cùng nhau phối hợp thực hiện việc vận động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần trong học tập. Năm học 2023-2024 không có học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ chuyên cần duy trì 90% trở lên.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Lê, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thầy Việt tập trung xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận từ chi bộ đến cán bộ, đảng viên, giáo viên, hết mực chăm lo nhiệm vụ của trường; sắp xếp công việc chi tiết, khoa học và hiệu quả. Mỗi công việc đều được thầy giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý, trôi chảy… Thầy có phong cách của người lãnh đạo biết quan sát, biết lắng nghe và không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm; quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp, theo dõi nề nếp giảng dạy của giáo viên; khuyến khích thầy, cô giáo phát huy tư duy, tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Nhàn tâm sự: “Anh Việt luôn là người đi đầu, làm trước; nghiên cứu kỹ tài liệu trước các cuộc họp và lắng nghe ý kiến từ các tổ chuyên môn với thái độ cầu thị, cùng trao đổi, tìm ra giải pháp thấu tình, đạt lý. Phong cách làm việc của anh dứt khoát, ngắn gọn, hiệu quả; khi họp hành, yêu cầu phản ánh chắc nội dung, phát biểu đúng trọng tâm, kết luận rõ ràng, cụ thể”.
Thầy Việt chia sẻ: “Muốn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, người đứng đầu phải dân chủ, công tâm, công khai, công bằng trong mọi hoạt động và đánh giá. Trong phong trào thi đua phải biết động viên, phát huy tính tự giác của mỗi thành viên, không gây áp lực quá tải trong công việc. Tinh thần xuyên suốt, nhất quán của nhà trường là “Chỉ bàn làm, không bàn lùi, luôn hướng về phía trước”.
Có thể khẳng định, hơn 7 năm qua, Hiệu trưởng Phạm Quốc Việt cùng cấp ủy và hệ thống chính trị Trường PTDTBT TH-THCS Đăk Sao chung sức xây dựng, kiến thiết ngôi trường với trên 40 giáo viên và gần 550 học sinh. Tập trung đổi mới, phát triển nhà trường; xác định nhiệm vụ trọng tâm và hoạch định phương hướng, ổn định đội ngũ, gắn kết nội bộ... Xây dựng cảnh quan, môi trường giáo dục từ ngoài vào trong mỗi lớp học, bám sát phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của phụ huynh. Từ đó, phát huy được tiềm lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Đó cũng là yếu tố, nguồn lực để nhà trường ngày càng khẳng định hơn nữa về chất lượng giáo dục.
Giữa heo hút núi rừng, cuộc trò chuyện của chúng tôi lui mãi về chiều muộn. Tôi cảm nhận được từ thầy một nguồn năng lượng tích cực, tinh thần nhiệt huyết dồi dào. Câu chuyện nào về giáo dục cũng trở nên thú vị, không hồi kết. Hiệu trưởng Phạm Quốc Việt có nhiều trăn trở, suy nghĩ về những mô hình mới, cách làm hay với mục tiêu để nhà trường phát triển toàn diện, đồng bộ. Tôi cảm nhận sâu kín trong chất mộc mạc, chân thành của người hiệu trưởng ngoài tuổi bốn mươi này là một trái tim nhiệt huyết, mang nặng trách nhiệm của một đảng viên trên vùng đất Đăk Sao xa xôi...
Thầy Việt chân thành: Tôi xác định rõ động cơ là nhận nhiệm vụ được tổ chức tin tưởng, luôn tâm niệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả tâm khảm, trách nhiệm của mình. Tôi không né tránh bất cứ khó khăn nào trong quá trình phấn đấu và cho đến nay, vẫn vẹn nguyên khát vọng, tâm huyết như ngày mới bước chân vào nghề.
Thầm lặng góp sức vì sự nghiệp trồng người ở vùng cao, thầy Việt được các cấp, ngành ghi nhận và biểu dương bằng nhiều bằng khen, giấy khen. “Phần thưởng quý nhất đối với tôi là hằng ngày được thấy học sinh đến trường học hành chăm ngoan, sĩ số lớp học luôn duy trì đều đặn và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em người dân tộc thiểu số vùng sâu Tu Mơ Rông”, thầy Việt chia sẻ.
Tạm biệt ngôi trường bên triền núi, theo mãi chúng tôi là hình ảnh những thầy, cô giáo vẫn ngày đêm miệt mài cắm bản... Hiệu trưởng Phạm Quốc Việt nắm tay tôi rất chặt như một lời cam kết, chất chứa niềm tin và khát vọng đi tới trên vùng đất Đăk Sao anh hùng.