Tọa đàm có sự tham gia của các bảo tàng công lập và ngoài công lập trong cả nước; lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TPHCM; Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Văn hóa TPHCM cùng đông đảo họa sĩ, kiến trúc sư, các chuyên gia và những người làm nghề trong giới mỹ thuật.
Tọa đàm là hoạt động thuộc chương trình ký kết liên tịch giữa các bảo tàng Mỹ thuật công lập trong cả nước về việc luân phiên hằng năm tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM Trần Thế Thuận bày tỏ vui mừng cho biết rất hoan nghênh các đơn vị: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã duy trì công tác phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động tại các bảo tàng.
Theo Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, việc sưu tầm tài liệu, hiện vật hết sức quan trọng đối với các bảo tàng nói chung và bảo tàng Mỹ thuật nói riêng. Toạ đàm về nội dung công tác sưu tầm hiện vật của các bảo tàng mỹ thuật nói riêng và hệ thống các bảo tàng nói chung là một hoạt động chuyên môn quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Là một đô thị lớn, luôn năng động trong nhiều lĩnh vực ở phía Nam, TPHCM là nơi tiếp xúc và tiếp biến văn hóa với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới qua suốt chiều dài lịch sử. Cùng với đó, ngành văn hóa và thể thao Thành phố đã đạt được những thành quả đáng kể, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa.
Hệ thống bảo tàng công lập và ngoài công lập hoạt động có hiệu quả, thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Ngành văn hóa thực hiện tốt công tác ngoại giao văn hóa theo chủ trương của lãnh đạo Thành phố về đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu biểu diễn, sưu tầm hiện vật của người Việt Nam sinh sống tại các nước trên thế giới…
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM Trần Thanh Bình cho biết, là những Bảo tàng chuyên ngành về mỹ thuật, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, phản ảnh sự hình thành phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Do đó, công tác sưu tầm hiện vật, nhất là các tác phẩm mỹ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại đã và đang được thực hiện một cách có trọng tâm.
Tuy nhiên, việc sưu tầm hiện vật gặp không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh xã hội đang trong tiến trình chuyển đổi số, trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng cũng ngày một được nâng cao. Công chúng không còn thụ động hưởng thụ văn hóa theo kiểu giản đơn, họ lựa chọn bảo tàng để đến, lựa chọn chuyên đề triển lãm, trưng bày hấp dẫn để xem.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề mang tính lý luận chung về công tác sưu tầm hiện vật trong giai đoạn hiện nay; công tác sưu tầm hiện vật - những khó khăn, thành quả, thách thức hiện tại và định hướng mới cho những chặng đường tiếp theo.
Vấn đề về “tính cạnh tranh” trong việc sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật hiện đại của Việt Nam giữa các Bảo tàng Mỹ thuật công lập với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, hay sự góp mặt của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân… cũng được quan tâm trao đổi.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ tích kinh nghiệm xã hội hóa hoạt động sưu tầm hiện vật của các Bảo tàng Mỹ thuật ở Việt Nam; quan điểm của các Bảo tàng Mỹ thuật về việc sưu tầm các sáng tác mỹ thuật như nghệ thuật sắp đặt, video Art và các hình thức nghệ thuật hiện đại khác…
Tọa đàm về công tác sưu tầm hiện vật của các Bảo tàng Mỹ thuật tại Việt Nam, là một hoạt động nghiên cứu khoa học cần thiết, nhằm chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm, bài học mới về công tác sưu tầm hiện vật có giá trị văn hóa - nghệ thuật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng và hỗ trợ các bảo tàng, xây dựng chiến lược và kế hoạch nâng cao chất lượng công tác sưu tầm hiện vật, để cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng bảo tàng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan.