Vùng đất thiêng một thủa là kinh đô của vương quốc Chămpa

16/03/2021 21:32

Theo dõi trên

Từ xa xưa Indrapura (làng Đồng Dương - PV) không chỉ biết đến là một kinh đô tráng lệ một thủa của vương quốc Chăm pa cổ với quy mô bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Mà nơi đây còn biêt đến là vùng đất quần cư của hàng nghìn người Chăm tộc Trà nhưng nay có nguy cơ bị mai một.



Trung tâm Phật giáo Đồng Dương qua mô hình phục chế của Henry Parmentier.

Kinh đô tráng lệ một thời

Làng Đồng Dương, nơi có phật viện Đồng Dương từ lâu đã được xem là kinh đô tráng lệ một thời của người Chăm. Đến với vùng đất “linh thiêng” này, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi dấu tịch còn lại của Phật viện là ngọn Tháp Sáng đang được chèo chống bằng những thanh sắt thô sơ. Khi được hỏi nguyên nhân ông Trà Tấn Túc Chủ tịch UBND xã chép miệng “trải qua thời gian cùng với sự tàn phá của chiến tranh cộng với sự can thiệp của người dân nên nó đang xuống cấp”. 

Theo sử sách ghi lại, Phật viện Đồng Dương là một trong những trung tâm phật giáo nổi tiếng nhất không chỉ ở Vương quốc Chăm pa cổ mà cả khu vực Đông Nam Á. Phật viện được tọa lạc trên một cánh đồng mà người dân khu vực thường gọi là “cánh đồng thiêng” bởi nơi đây đang ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Từ những dấu tích còn lại, đặc biệt là những tự trên tấm bia đá, các nhà nghiên cứu cho rằng phật viện Đông Dương được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, đây là thời kỳ vàng son nhất của triều đại vua Indravaman II. Theo đó, năm 875 vua Indravanman II đã cho xây dựng một tu viện phật giáo và các đền thờ vị Bồ tát bảo hộ  cho vương triều Laskmindra Lokescara Svabhyada.

Năm 1901, L.Finot, một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 cổ vật ở làng Đông Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108 cm (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh), một tượng Phật đứng trên tòa sen, Phật mặc áo ca sa để hở bên vai phải, các nếp áp uốn cong xếp theo hình luống cày, 2 mặt tay đưa lên phía trước. Và một năm sau đó nhà nghiên cứu H.Parmentier cũng đã tiến hành khai quật với quy mô lớn. Những gì đã khai quật được đã mở tung những màn bí mật về một Phật học diện (Vihara) mà từ lâu đã được cổ sử Trung Hoa, Đại Việt và Chămpa nhắc đến một cách trân trọng... Theo mô tả của H. parmentier tòa bộ khu đền chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên trục từ Tây sang Đông, dài khoảng một 1.300m.

Tiếc rằng, kinh đô tráng lệ một thời hiện nay đang dần trở thành phế tích. Những gì còn lại là những dấu tích vụn vỡ do sự tàn phá của thiên tai địch họa xảy ra liên miên ở vùng đất này. Theo như các bậc cao niên trong làng kể lại: Trước những năm 1970, những ngọn tháp khi đó vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhưng đến khi bọn Mỹ ngụy phát hiện đươc khu này là nơi làm căn cứ của cách mạng ta nên chúng đã dùng đến xe tăng, bọc thép, bom đánh phá cả ngày đêm hòng xóa sạch làng này. 
 
Đến nay, phật viện Đồng Dương vẫn còn giữ nhiều bí ẩn về những kiến trúc độc đáo của người Chăm pa. Bên cạnh đó, Đồng Dương nơi hiện nay đang tồn tại một tộc đã gắn liền với phật viện Đồng Dương từ khi ra đời đến nay. Nó càng làm cho kinh đô tráng lệ một thời thêm phần huyền bí.
 


Ông Trà Tấn Huệ là một nhân chứng sống của tộc Trà.
 
Tộc Trà ở Việt Nam chỉ còn duy nhất một nhánh ở Đồng Dương
 
Dù trong lịch sử ra đời và phát triển của dân tộc mình thì có bốn dòng họ chính Ung, Ma, Trà Chế được phân bố khắp đồng bằng duyên hải miền Trung đến tận cùng Nam bộ ngày nay. Theo gia phả tộc Trà, thuỷ tổ của tộc Trà là Trà Hoà Bố Để (có tài liệu viết là Trà Hoa Bồ Đề, là hậu duệ vua Chế Mân, con rể vua Chế A Nan - PV), đức vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya, đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định), được xem là vị tiền hiền đã khai sáng ra tộc Trà. Qua thời gian, do chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch hoạn, không gian địa lý và hoàn cảnh lịch sử nên các thành viên trong dòng tộc Trà ngày càng sống xa nhau, không có điều kiện, cơ hội tìm về với cội nguồn. 
 
Nhiều phái, chi, nhánh của tộc Trà được thành lập ở mọi miền của Tổ quốc, và vươn xa ra ngoài biên giới. Tộc Trà ở Đồng Dương được hình thành cùng với sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo ở khu đền tháp Đồng Dương (thế kỷ IX - XV). Nhưng kể từ sự kiện vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc bình Chiêm thắng lợi (năm 1470) trở về sau, số lượng tộc Trà có phần tụt giảm, phần thì chạy trốn, phần thì “tha phương cầu thực”. Cầm trên tay tấm gia phả của tộc Trà, ông Trà Tấn Tôn (86 tuổi, trưởng tộc họ Trà Đồng Dương - PV) cho biết: “Thời trước, không chỉ riêng làng Đồng Dương mà còn cả vùng lân cận đều mang họ Trà. Số lượng rất đông, không đếm hết. 
 
Khi ấy, con cháu họ Trà còn lưu giữ được những phong tục tập quán của người Chăm như múa apsara, thờ Phật, thờ thần thánh, cúng bái nơi tháp Thiêng (Phật viện), làm lúa khô, viết chữ Phạn, nói tiếng Chăm,… Truyền thống ấy đến đầu thế kỷ XX vẫn còn bảo lưu”. Hiện nay, tộc Trà Đồng Dương hiện có khoảng 110 hộ. Trước đây, tộc có 4 nhánh, nay chỉ còn 3 (vì nhánh I không có người nối dõi nên đã nhập vào nhánh II). Nhánh I có 3 hộ do ông Trà Cung làm trưởng tộc (đã mất). Nhánh II có 45 hộ do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng tộc. Nhánh III có 50 hộ do ông Trà Tấn Sắn (51 tuổi) làm trưởng tộc. Nhánh IV có 10 hộ do ông Trà Tấn Tư (61 tuổi) làm trưởng tộc. Và số còn lại sống rải rác các xã trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh chưa thống kê đầy đủ.
 


Tượng Phật Bồ Tát Tara (Laksmindra - Lokesvara) bằng đồng đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á.
 
Hiện nay, chỉ còn duy nhất 1 nhánh tộc Trà ở lại làng Đồng Dương - vùng đất gốc của dòng tộc. Tộc Trà còn ở lại Đồng Dương có lẽ để bảo vệ các công trình điêu khắc kiến trúc còn lại của tổ tiên như Tháp Sáng, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp, tượng thần Siva, tượng Phật Thích Ca. Trong đó Tượng Bồ Tát Ta Ra được khai quật năm 1978 là bức tượng đẹp nhất, là đỉnh cao của nền nghệ thuật người Chăm pa. Cũng một phần lý do từ khi được “khai quật” tượng Bồ tát tara bởi một người địa phương dò tìm phế liệu mà vị Chủ tịch UBND xã Bịnh Định Bắc khi đó đã “nhanh tay” vội bẻ hai báu vật trên tay tượng để làm báu vật riêng cho làng Đông Dương. Đến nay báu vật đó được truyền tay qua 7 đời chủ tịch.

Còn theo ông Trà Tấn Huệ thì phật viện được giữ gìn đến ngày nay một phần nhờ thế hệ con cháu được dạy dỗ tốt. Khi những người già trong làng thường dặn dò con cháu mình mỗi khi ghé phật viện chơi cũng không được, bẻ cây, hái quả. Tuyệt đối không được trèo lên tượng hay tháp cổ. Nếu làm trái thì sẽ bị thần linh quở máng. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc thừa nhận: “Hiện nay, dù phật viện chỉ còn là một đống hoang phế, nhưng người dân vẫn tin vào sự linh thiêng của phật viện”. Bởi nếu không phải con cháu tộc Trà vào phật viện cắt cỏ cho trâu bò thì chúng cũng không ăn được. Bởi những người dân tộc Trà ở Đông Dương còn giữ được hiện nay đó là ý thức tự giác dòng tộc, là những bức tượng Chăm kiêu sa lộng lẫy, là Tháp sáng huy hoàng tráng lễ một thủa. 
 
Chia tay bà con tộc Trà ở Đồng Dương chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước số phận của cả một dân tộc cũng như mảnh đất từng một thời là kinh đô tráng lệ, trung tâm phật giáo của Đông Nam Á. Tạm biệt chúng tôi, ông Trà Tấn Tôn bùi ngùi: “May nhờ tộc Trà vẫn còn tổ tiên, Tháp Sáng, nhà thờ Tộc nên hằng năm vào dịp đầu xuân, con cháu ở khắp mọi miền Tổ quốc còn hướng về cội nguồn thông qua các cuộc hành hương về thăm tháp Sáng và nhà thờ Tiền hiền tộc Trà”. Từ những lời tâm huyết của ông trưởng tộc họ Trà chúng tôi tin một “mùa xuân” nữa đang đến với tộc Trà, với bà con người Chăm trên mảnh đất cố đô của vương quốc Chăm pa huyền bí.

Lý giải về việc chỉ có duy nhất tộc Trà sinh sống ở Đồng Dương mà không có những tộc Ung, Ma, Chế như các làng Chăm khác, Nhà nghiên cứu văn hóa - TS.Nguyễn Xuân Hương cho biết: “Hiện nay, làng Đồng Dương là nơi có người Chăm cư ngụ nhiều nhất ở Quảng Nam. Tộc Trà ở đây được hình thành từ rất lâu, cùng với sự hưng thịnh của Phật giáo ở khu đền tháp Đồng Dương (IX - XV), nên trong “vùng đất thiêng” này, có một sự tách biệt về sinh hoạt đời sống với các làng xã khác, cộng với tính tự trị làng xã của nền nông nghiệp lúa nước dẫn đến việc người Chăm ở tộc khác “không được phép” sinh sống ở đây”. 
 
Nhật Tân

Bạn đang đọc bài viết "Vùng đất thiêng một thủa là kinh đô của vương quốc Chămpa " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.