Đường Lâm - thế đất địa long
Làng Đường Lâm xưa có nhiều tên gọi khác nhau, ngoài tên nôm là Kẻ Mía. Tục danh này được bắt đầu từ một cái tên chữ: Cam Giá (Mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ. Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng... (nay thuộc về huyện Ba Vì); còn Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây).
Trong địa phận Đường Lâm có 36 đồi gò là vùng trước núi của non Tản, còn rất nhiều địa điểm, di tích mà ở đó chứng tỏ sự phát triển của Đường Lâm ngày nay gắn liền với sự phát triển của thị xã Sơn Tây.
Cổng làng Đường Lâm nay đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.
Theo Tiến sỹ sử học Đỗ Đức Hùng, Đường Lâm là cái tên Hán hoá vào thời thuộc Đường. Đầu thời Đường, tên Đường Lâm được biết đến là một trong ba huyện của quận Phúc Lộc, gồm Nhu Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc. Đến năm Chí Đức thứ 2 nhà Đường (757), chính quyền đô hộ lại đổi lại thành quận Đường Lâm. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, một tài liệu viết vào thời Trần lại ghi là châu Đường Lâm. Về sau, những cái tên gọi như Cam Giá, Cam Tuyền, Cam Đường, Cam Lâm, Cam Giá Thượng... đều thuộc vùng đất Kẻ Mía mà ra.
Thời Lê, vùng Kẻ Mía được tách ra làm hai, đặt tổng Cam Giá Thượng thuộc huyện Tiên Phong( nay là xã Cam Thượng) và tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Lộc (sau gọi là Phúc Thọ), tức là địa bàn xã Đường Lâm ngày nay. Xã Đường Lâm sau này bao gồm chín làng: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Trong đó, trọng tâm của làng cổ Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ.
Nhìn một cách tổng thể, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi tọa lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đình, râu rồng toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải. Sinh thời, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét: Đất Đường Lâm một địa danh có vị thế đắc địa theo thế “Tọa sơn vọng thủy”, tức là lưng tựa vào núi Tản (núi Ba Vì - Núi Tổ của Việt Nam), mặt ngoảnh ra sông Hồng (sông Cái, sông Mẹ).
Đây cũng là một “tứ giác nước” được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích, sông Đáy và sông Hồng. ở Mông Phụ, mỗi xóm đều có một giếng mang tên của xóm. Giếng đào ở vùng đất đá ong nên mạch nước rất trong và mát. Các giếng xóm Hè, xóm Giang xưa kia nổi tiếng nước ngon đi vào tục ngữ: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm” hay “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Mông Phụ có hai giếng ở hai bên đình, tương truyền đây là hai mắt của con rồng nên vị thế đắc địa cho đất làng Mông Phụ. Mắt rồng thứ nhất xác định là giếng đình Mông Phụ. ở hướng Tây đình Mông Phụ có một giếng đá ong khác, miệng giếng nhỏ hơn nhưng sâu hơn nằm khuất trong một con ngõ. Giếng này được đào ở xóm Miễu nên gọi là giếng Miễu. Giếng Miễu được ví như con mắt rồng còn lại - đối xứng với mắt rồng giếng đình Mông Phụ.
Nước giếng Đình trong vắt, còn nước giếng Miễu đục, trở thành một điểm khuyết là con mắt Rồng mờ. Nước giếng Miễu được sử dụng đối lập với nước giếng Đình, tức là chỉ dùng để tắm giặt, chứ không dùng cho ăn uống.
Đường Lâm - vùng đất hai vua, nơi không thể trấn yểm
Làng Đường Lâm xưa cũng có tên gọi khác là làng Cổ Pháp (khác với làng Cổ Pháp ở Bắc Ninh), trong nhiều sử sách và truyền thuyết dân gian thì đây là nơi ngưng kết huyệt long mạch của dãy núi Tiêu Sơn. Theo dân gian, đến đời của vua Trung Quốc là Đường ý Tông (806 - 873), thế đất Cổ Pháp rất vượng, nhiều quan nhà Đường xem thiên văn đã thấy khu vực làng Cổ Pháp có nhiều vì sao tinh tú tụ về. Lo sợ có nguy biến từ phương Nam, các quan nhà đường đã tâu lên vua Đường ý Tông.
Tượng đồng vua Ngô Quyền ở Hải Phòng.
Vua chúa Trung Quốc tin rằng, sở dĩ người Việt không chịu khuất phục mà liên tiếp nổi dậy là vì ở đó có nhiều huyệt đất kết nên sinh ra nhiều anh hùng. Để triệt tận gốc mầm mống chống đối, các triều đình Trung Quốc đã nghĩ đến chuyện triệt linh khí phương Nam bằng những thầy địa lý giỏi phong thủy. Đó chính là sứ mệnh mà Đường ý Tông giao phó cho Cao Biền khi phái Biền sang nước ta làm An Nam đô hộ sứ.
Nội dung sự việc được tập Phong thủy địa lý Tả Ao – Địa lý vi sư pháp của Vương Thị Nhị Mười nói chi tiết: Thời vua Đường Ý Tông đổi tên nước ta là An Nam đô hộ phủ và phong Cao Biền làm An Nam đô hộ sứ sang cai trị. Năm Giáp Thân (864), nhân việc quan thiên văn báo cho biết thế đất Cổ Pháp và An Nam (Bắc Việt và một phần Trung Việt) có loạn, vua Đường ý Tông liền sai Cao Biền sang Giao Châu. Khi đi vua Đường dặn riêng Cao Biền: “Đất Giao Chỉ vừa rồi có Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đông Hán (năm 25-220). Rồi đến Lý Bôn, Triệu ấu (cách người Trung Hoa gọi Bà Triệu)... làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay, ta thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau này lại có biến. Khanh đến đó, trước bình giặc Nam, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ địa đồ về cho trẫm coi”.
Khi Cao Biền sang An Nam làm tiết độ sứ, Biền đã nghiên cứu kỹ phong thuỷ đất Đường Lâm. Biền quyết tâm diệt long mạch phát vương của đất ấy. Biền cho đào 19 cái lỗ chôn bùa ngải để yểm đất. Tuy nhiên, ngài La Quý An (người trong làng) cũng là một thầy phong thuỷ rất giỏi, biết được quỷ kế của Biền nên đã ngầm theo dõi. Biết được các vị trí mà Biền đào hố trấn yểm, ngài Quý An đã cho người lẻn đào 19 cái lỗ đó lên và trồng 19 cây cam vào đó khiến thuật trấn yểm của họ Cao trở nên vô dụng.
Cũng có truyền thuyết kể rằng, Thổ thần Tản Viên hồi đó chính là Thánh Tản Sơn (truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh) là một trong tứ vị thần bất tử của Việt Nam. Tản Viên Sơn thánh được thờ làm Thành hoàng các làng bởi công lao bảo vệ vùng đất này chống lại cuộc chiến của Thủy Tinh và là linh thần mạnh, khiến Cao Biền không thể trấn yểm núi Ba Vì và các vùng đất phụ cận.
Truyền thuyết cho rằng, Cao Biền đã dùng pháp thuật đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì, trong đó có Đường Lâm để triệt long mạch nước ta nhưng y cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên đành phải bỏ cuộc. Để diệt thần bản địa, Biền lại giở mưu kế nhan hiểm là lập đàn cúng tế, lừa thần lên rồi định dùng kiếm báu chém đầu. Sau đó, Cao Biền sẽ đào hào, chôn kim khí, triệt long mạch từ chân núi Tản đổ xuống. Tuy nhiên, chiêu bài này đã bị Tản Viên Sơn thánh biết được. Đức Thánh Tản hiện lên mắng Cao Biền một trận, thần còn dùng phép cuồng phong gạt đồ cúng của Cao Biền khiến chúng biến thành tro bụi. Biền thấy uy thần của Đức Thánh Tản mà sợ hãi, tay cầm kiếm báu rơi lúc nào không biết, mặt mũi tái nhợt, tay chân run lẩy bẩy.
Ngày nay, mỗi khi thấy người nào sức yếu, tay chân cử động run rẩy, dân ta thường ví von với câu nói gần như đã trở thành câu thành ngữ: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Cao Biền bị giết năm 887. Đường Lâm trở thành vùng đất không thể trấn yểm. Về sau, đất này là nơi sản sinh ra rất nhiều người tài giỏi. Nhiều vị anh hùng hào kiệt đã được nuôi dưỡng bởi linh khí nơi này, trong đó có hai vị vua: Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Những việc Biền làm đối với nước Việt đều được ghi lại trong một tập sách mang tên “Cao Biền địa lý tấu thư kiểu tự”. Tập sách này, theo như tài liệu của Vương Thị Nhị Mười đã nói trong sách Tả Ao, thì năm 1427, Lê Lợi công phá thành Đông Quan, bắt được Hoàng Phúc – Thượng thư bộ Công của nhà Minh nên thu được.
Đánh bại thuỷ quân xâm lược hùng mạnh
“Đại Việt sử ký toàn thư” mô tả: “Ngô Quyền có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, rằng có thể làm chủ được một phương, nhân đó mới đặt cho vua tên là Quyền. Khi vua lớn lên, tướng mạo khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc”. Ngô Quyền có võ nghệ tinh thông và có chí lớn. ông từng tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc ở Đại La, từng theo Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La năm 931.
Với tài mưu lược của mình, Ngô Quyền đã đánh tan đội thuỷ quân thiện chiến của nhà Nam Hán, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938, đập tan mưu đồ xâm lược của Nam Hán, tạo cơ sở để Ngô Quyền phát triển chính quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương thành chính quyền độc lập, kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc mở ra thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ cho Việt Nam.
Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 - trở thành vị vua có “công tái tạo, vua của các vua” theo nhận định của Đại Việt Sử ký toàn thư. ông xứng đáng với danh hiệu là “vị tổ trung hưng” của dân tộc như nhà yêu nước Phan Bội Châu khẳng định trong cuốn “Việt Nam quốc sử khảo”.
Chiến thắng Bạch Đằng cho thấy không chỉ Cao Biền bó tay mà cả đế chế Nam Hán hùng mạnh cũng thất bại thảm hại trước tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Hơn thế nữa, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, kẻ thù của dân tộc Việt là một đế quốc lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang lúc phát triển cao độ, nhất là dưới thời Hán, Đường. Tiếp tục công cuộc bành trướng của Tần Thủy Hoàng, nhà Hán đã chinh phục miền Bắc xứ Triều Tiên chiếm đất đai các bộ lạc dụ mục phía Bắc, mở rộng lãnh thổ về phía Trung á, xâm lược các nước Hạ Lang, Điền ở Tây Nam.
Trung Quốc thời nào cũng mang tư tưởng bành trướng mở rộng đất đai. Nhà Tùy bành trướng mạnh về phía Đông, chinh phục Triều Tiên, Lưu Cầu (Đài Loan), Giao Châu, Lâm ấp, Tây Đồ Quốc..., nhà Đường mở rộng bành trướng về mọi phía, lập thành một đế chế bao la, như Đường Thái Tông đã từng tuyên bố: "Ta đã chinh phục được hơn 200 vương quốc, dẹp yên bốn bề, bọn Di Man ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục" (theo Đường thư).
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê. Có thể nói, từ cổ chí kim, chưa một thời nào Bắc phương không muốn nhòm ngó đất nước ta nhưng chúng đều thất bại. Thịnh hay suy là từng thời cuộc của dân tộc, tuy nhiên lúc mạnh hay yếu, nếu nhân dân ta đoàn kết một lòng