Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Trồng nho kết hợp với du lịch trải nghiệm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

17/07/2024 22:58

Theo dõi trên

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã xuất hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Hướng đi mới này góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương. Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến với mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp.

nho-cam-gia-an-tuong-vinh-tuong-vinh-phuc-1721143194-1721231800.jpg
Dù mới năm đầu trồng vươn nho của anh Huyên đã mang lại thu nhập

Trên địa bàn Vĩnh Tường ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân. Một ví dụ điển hình là chủ vườn nho Xuân Huyên ở thôn Cam Giá, xã An Tường, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Anh đã tìm hiểu về mô hình trồng nho thông qua các kênh thông tin đại chúng và theo dõi các mô hình trồng nho ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Anh nhận thấy nhiều huyện đã trồng nho thành công, ví dụ như xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo), xã Nhân Đạo (huyện Sông Lô) và một số tỉnh khác.

Đầu năm 2023, anh quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo đất, dựng giàn, mái che và hệ thống tưới tiêu. Anh mua gần 1000 gốc cây giống nho sữa của Hàn Quốc và nho hạ đen để trồng trên diện tích gần 3000m². Đến tháng 3/2023, anh bắt đầu xuống giống. Là hộ trồng đầu tiên giống nho ở địa phương, gia đình anh đã được Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện hỗ trợ một phần giống, phân bón và kỹ thuật, giúp việc chăm sóc đạt hiệu quả cao. Sau 1 năm trồng, hai giống nho anh trồng đã cho lứa quả đầu tiên với giá bán ngoài thị trường dao động từ 200 – 300 nghìn đồng/kg, thu nhập ước tính khoảng 50-60 triệu đồng/1 sào. Nếu thời tiết ủng hộ và kỹ thuật được bảo đảm, lứa thứ 2 có thể đạt sản lượng cao hơn, trừ mọi chi phí khoảng 500-600 triệu đồng trên tổng diện tích đã gieo trồng.

Anh Huyên cho biết thêm: Hiện tại, khi khách đến tham quan vườn nho Xuân Huyên, họ được miễn phí và có thể mua nho tại vườn với giá từ 150.000-300.000 đồng/kg. Nhà vườn để khách tự do đến tham quan mà không thu phí, do đó, khách đến tham quan càng nhiều, đặc biệt là vào thời điểm Lễ và Tết. Có thể nói rằng, cây trồng này có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất và chất lượng tốt. Từ khi xuống giống, tôi sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ và phân vi sinh để chăm sóc cho cây. Thuốc bảo vệ thực vật cũng được lựa chọn từ các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để bảo đảm chất lượng cho quả.

nho-cam-gia-an-tuong-vinh-tuong-vinh-phuc2-1721143194-1721231840.jpg
Du khách hào hứng khi được tận tay hái nho và chụp ảnh kỷ niệm

Về xã Yên Bình, thăm vườn nho khoảng 10.000 m² của hộ ông Vũ Văn Yên đã mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ông Yên chia sẻ rằng ý tưởng trồng nho mẫu đơn xuất phát từ việc ông thử nghiệm ăn giống nho xứ ôn đới và cảm thấy rất ngon. Ngay lập tức, ông nảy ra ý định thử trồng loại nho này, tin rằng nó sẽ phù hợp với mảnh đất quê hương.

Sau đó, ông Yên tiếp tục trồng thêm giống nho hạ đen và đã đạt thành công bước đầu. Ông thuê thêm đất và mở rộng diện tích cây trồng. Vốn đầu tư ban đầu bao gồm việc xây dựng giàn, mái che, và hệ thống tưới tiêu, với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng cho mỗi 1.000 m². Mỗi năm, giống nho hạ đen cho thu hoạch 2 vụ, còn nho mẫu đơn cho thu hoạch 1 vụ. “Mỗi hecta trồng nho trong gia đình tôi lãi tiền tỷ là điều bình thường,” ông Yên nói.

nho-cam-gia-an-tuong-vinh-tuong-vinh-phuc1-1721143194-1721231874.jpg
Giống nho sữa Hàn Quốc phù hợp với thổ nhưỡng với vùng quê Vĩnh Tường

Giống nho mẫu đơn được bà con trong xã ưu tiên trồng, và ông đã nhập giống này từ nước ngoài. Kỹ thuật trồng nho đã được bà con đúc rút và chia sẻ trên các trang mạng xã hội để tham khảo lẫn nhau. Loại nho mẫu đơn được xem là một trong những loại nho ngon nhất thế giới, có giá trị dinh dưỡng cao và giá thành bán tại Việt Nam dao động từ 600.000-800.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thanh Bằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Tường, đã chia sẻ về mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tại địa phương. Hiện nay, mô hình này chủ yếu tự phát với quy mô nhỏ, do hộ gia đình thực hiện. Để duy trì mô hình lâu dài, cần đầu tư nguồn vốn và xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách. Để phát triển bền vững, cần quy hoạch và nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch sẽ góp phần tăng thu nhập cho người làm nông nghiệp.

nho-cam-gia-an-tuong-vinh-tuong-vinh-phuc3-1721143194-1721231906.jpg
Trẻ em rất thích thú khi được trải nghiệm ở vườn nho

Để tạo sức hút đối với du khách, du lịch nông nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Cần đẩy mạnh mô hình sản xuất hiệu quả và cung cấp những hoạt động trải nghiệm độc đáo. Du khách có thể trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, thu hoạch hoa quả, rau màu… Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Đây là hướng đi mới hứa hẹn cho nông dân.

Phúc Vĩnh
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Trồng nho kết hợp với du lịch trải nghiệm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.