Vĩnh Phúc: Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

27/09/2022 11:11

Theo dõi trên

Sáng 27/9 huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia "Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng".

le-hoi-truyen-thong-dai-dong3-1664251680.jpg
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nông Quốc Thành (thứ 4 từ bên phải) - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trao bằng công nhận Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Dự buổi lễ có các đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ngô Chí Tuệ - Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Xuân Quang - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường; Nguyễn Thị Minh Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc; Đại diện các sở, ngành liên quan và đông đảo du khách thập phương.

le-hoi-truyen-thong-dai-dong4-1664251680.jpg
Đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu

Đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định đưa lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của nhân dân xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung cũng như của huyện Vĩnh Tường trong những năm tới đây.

Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa lễ hội truyền thống xã Đại Đồng không chỉ đối với các bậc tiền nhân, với tổ tiên người Việt, mà còn với nền văn hóa của nhân dân. Phát huy vai trò và trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà của cả cộng đồng, nhất là nhân dân xã Đại Đồng - những chủ thể di sản văn hóa và là người thực hành, trao truyền loại hình di sản đặc sắc này, để lễ hội truyền thống Đại Đồng luôn toả sáng xứng đáng với một vùng quê anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và ngàn năm văn hiến.

le-hoi-truyen-thong-dai-dong1-1664251680.jpg
Đồng chí Lê Chí Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường phát biểu

Báo cáo về giá trị văn hoá, lịch sử Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường - Lê Chí Thái cho biết: Lễ hội là một chuỗi các thực hành văn hóa của cộng đồng cư dân làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (nay là Đại Đồng nay) trong chu kỳ một năm, với hạt nhân tín ngưỡng là việc phụng thờ chung Thành Hoàng. Lễ hội được tổ chức trên quy mô cấp xã, trung tâm là không gian các di tích như: đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ và đình Đồng Vệ - nơi diễn ra hoạt động chính, chủ yếu của lễ hội. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được thực hành từ xa xưa, duy trì qua các thế hệ, nhằm củng cố tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và tưởng nhớ công đức cao dày của vị Thành hoàng là Bán thiên Đại Vương.

Theo truyền thuyết, ngài là vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược, dạy dân bách nghệ/ trăm nghề (nguồn gốc của hội trình nghề). Trải qua những thăng trầm và biến thiên lịch sử, lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vẫn duy trì 3 hội lệ truyền thống được tổ chức định kỳ, với sự tham gia đầy hào hứng và nhiệt tình của đông đảo cộng đồng, đó là: Lễ hội “trâu rơm bò rạ” (Lễ hội Trình nghề) ngày 04 tháng Giêng.

Hằng năm, cứ vào mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên Đán là hàng chục con trâu, bò làm bằng rơm, rạ đến từ 4 tổ của 2 làng Đồng Vệ và Bích Đại (xã Đại Đồng) lại tập trung tại miếu để khởi động năm mới với Lễ hội “Trâu rơm bò rạ”.

Múa trình diễn trâu rơm bò rạ là trò trình trong lễ hội đã có từ lâu đời ở vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng có lịch sử ngàn năm văn hiến này. Mỗi khi vào ngày lễ, hàng trăm người trong các làng nơi đây lại kéo đến xem hội với các màn trình diễn độc đáo. Lễ hội tái hiện lại hình ảnh người nông dân từ xa xưa, thể hiện mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, gia súc không ngừng sinh sôi nảy nở.

Đặc biệt, trong lễ hội này cũng xuất hiện nhiều anh nông dân do phụ nữ cải trang. Ngược lại cũng có nhiều chị nông dân do cánh đàn ông đóng vai với đầy đủ son phấn, má hồng. Những người phụ nữ tham gia lễ hội với trang phục của những người nông dân xưa. Trò diễn “trâu rơm, bò rạ” là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc ở Bích Đại, Đồng Vệ; các chi tiết trong trò diễn đều hết sức tinh tế và sáng tạo, đã lột tả rõ nét bức tranh sinh động về làng quê vùng châu thổ sông Hồng. Thông qua trò diễn, nhân dân Bích Đại, Đồng Vệ thể hiện sự tri ân vị thánh Đinh Thiên Tích đã có công dạy dân làm “sỹ - nông - công - cổ.

le-hoi-truyen-thong-dai-dong2-1664251680.jpg
Các tiết mục văn nghệ do các nghệ sỹ Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tại buổi lễ được khán giả rất thích thú

Lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh - 20 tháng Giêng

Từ cuối năm trước, các bô lão trong làng đã chọn ra đoàn rước với đầy đủ các thành phần: Đội cầm cờ thần, chấp kích; đội rước kiệu văn gồm: 08 người, 02 người cầm tàn lọng, tiêu chí là nam giới trong xã Đại Đồng, tuổi từ 30 trở lên, gia đình văn hóa, đạo đức tốt,... được các hội đoàn trong làng thống nhất giới thiệu. Lễ vật dâng thánh gồm: xôi, thủ lợn chín, hương hoa, phẩm oản. Giữa giờ Thìn ngày 19 tháng Giêng, ban tổ chức và những người được phân công hành lễ phong y, mở cửa miếu - đình, phong cờ và chồng kiệu. Đến giờ Thân, làm lễ cáo. Giờ Tí, làm lễ “phù giá nồi nhang”, đi đầu là người cầm tiêu, tiếp đến là chủ tế, đi hai bên chủ tế là người cầm tàn lọng, đi sau chủ tế là vị quan viên với hai tay rước giá trúc. Sau khi rước tới đình, chiêng trống nổi lên 3 hồi, những người được phân công chỉnh tề xếp thành hai hàng nghênh Thánh an vị tại thượng cung. 

Giờ Ngọ ngày 20 tháng Giêng, tại miếu Đồng Vệ, khi chiêng trống nổi lên báo hiệu, các vị trí đã được phân công phụng nghinh Thánh cùng nhân dân tề tựu tập trung tại sân miếu. Hết ba hồi chiêng trống, đoàn rước tiến về đình để rước Thánh. Đội hình đoàn rước đi theo thứ tự, hàng lối, đội hình đi như sau: Chiêng trống, đội cờ, đội múa hầu; đội chấp kích; đội chân kiệu lễ; kiệu thánh; tàn, lọng, thủ hiệu; chủ tế, sau cùng là nhân dân và khách thập phương.

Đến khoảng giờ Mùi, tổ chức khai mạc lễ hội, sau đó hành lễ rước Thánh hồi cung. Đến khoảng giữa giờ Thân, đoàn rước về tới miếu Đồng Vệ, kiệu được hạ tại sân miếu. Các chân kiệu giữ nguyên vị trí, đội cầm cờ đứng vòng ngoài bao xung quanh, đội chấp kích và ban tế lễ cũng xếp thành hai hàng dọc, chủ tế rước nồi nhang, hòm sắc, bản chúc văn vào thượng cung. Sau khi ổn định vị trí, Ban tế hàng xã thực hiện tế an vị, tế tạ và kết thúc lễ tiệc sinh Thánh.

Lễ hội Tiệc mừng công - Lễ rước kiệu tháng Chín

Để chuẩn bị cho lễ hội tháng Chín, từ tháng Chạp năm trước các bô lão của hai làng đã thực hiện việc lựa chọn chủ tế, quan viên tế, người sắm lễ vật dâng thánh, chân kiệu theo hương ước, tục lệ của làng. Sáng ngày mùng 10 tháng Chín, kiệu được lấy ra từ hòm, các quan viên chi lễ làm lễ cúng thần rồi lấy nước tinh khiết (được lấy từ giếng của làng) lau kiệu sạch bóng. Tiếp đến là nghi thức chồng kiệu, phong cờ. 

Sáng ngày 11 tháng Chín các thành phần đoàn rước tập trung tại đình Bích Đại rước thánh hoàn cung, đội hình đám rước không thay đổi. Trên hành trình về miếu Đồng Vệ, đoàn rước dừng chân tại quán Là Sỏi gần Vực Và, đám rước vào quán hát ca trù, nội dung lời hát kể về tích “đãi bà hàng nước” (đức thánh Đinh Thiên Tích được chủ quán mời nước), xong khúc hát, tiếp tục rước kiệu về miếu, tế yên vị. Buổi tối có hát thờ trong miếu, ngoài sân miếu có hát chèo cổ.

Từ ngày 12 đến hết ngày 13 tháng Chín, tại đình Bích Đại và miếu Đồng Vệ có tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu, bịt mắt bắt vịt… thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương tham gia. Sáng ngày 14 tháng Chín, tế tạ, đóng cửa đình, miếu, kết thúc lễ hội.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.