Vĩnh Long: Có một làng nghề trăm tuổi

22/12/2015 14:15

Theo dõi trên

Hình thành khoảng 100 năm trước, trải qua nhiều biến động về kinh tế thị trường, làng bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) có lúc tưởng chừng bị mai một.

Gần đây, được sự quan tâm của địa phương cộng với sự cần cù vượt khó như chính bản chất con người và vùng đất cù lao này, làng nghề đã trở thành điểm dừng chân không thể thiếu của các tour homestay, tour đường sông qua đây. Những ngày cuối năm, không khí làng nghề càng trở nên náo nhiệt, tràn đầy niềm vui.
 


Du khách thích thú học tráng bánh.
 
Theo chân Tiền hiền khai khẩn
 
Trong những ngày này về ấp Tân Thạnh (xã Lục Sĩ Thành), mới thấy được không khí hối hả của người dân tất bật chuẩn bị cho vụ bánh cuối năm, nhằm cung cấp lượng lớn bánh tráng cho thị trường trong dịp Tết Bính Thân.
 
Bánh tráng cù lao Mây nổi tiếng ngày nay, được hình thành cách đây khoảng trăm năm, do “bà Trần Thị Vạn quê tận Quảng Ngãi đến xứ này quần tụ cư dân khai khẩn đất đai sinh cơ lập nghiệp. Khi bà mất, bà con tưởng nhớ lập ngôi miễu nhỏ tại ấp Tân Thạnh để thờ bà coi như là Tiền hiền khai khẩn. Có thể bà là người cải biên món bánh đa từ miền Bắc thành bánh tráng ở miền Trung rồi mang vào miền Nam phổ biến cho người dân”- theo “Nghề truyền thống tỉnh Vĩnh Long”, do Sở VH, TT và DL Vĩnh Long ấn hành năm 2009.
 
Từ đó, người trong làng nối nghiệp duy trì nghề làm bánh tráng cho đến nay. Mặc dù, đôi lúc tưởng như làng nghề mai một. Tuy nhiên, với tâm huyết của chính quyền địa phương và sự yêu nghề của các chủ lò bánh mà năm 2009 nơi này vinh dự được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống bánh tráng Cù lao Mây.
 
Để khẳng định thương hiệu của mình, 2 năm sau, Hợp tác xã bánh tráng Cù lao Mây chính thức ra đời tạo điều kiện cho các hộ làm nghề tráng bánh được ổn định cuộc sống và chất lượng bánh làm ra cũng ngày càng nâng cao.
 
Đặc biệt, không như những làng nghề khác sử dụng máy móc trong khi chế biến, sản xuất, làng nghề báng tráng ở Cù lao Mây vẫn giữ được cách làm thủ công, tỉ mỉ, từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ, nên đã giữ được hương vị truyền thống trọn vẹn.
 
Vì vậy, năm rồi có khoảng 4.000 bánh tráng ngọt của làng nghề được xuất sang Hoa Kỳ và số bánh này được đánh giá cao. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho bà con làng nghề tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng để cung cấp cho thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
 
Ổn định và vươn xa
 
Nghề làm bánh tráng có thể sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm gần tết. Đi một vòng ấp Tân Thạnh, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang hối hả, tất bật sửa chữa lại lò, làm vỉ, dự trữ trấu… để chuẩn bị tráng bánh tết.
 
Ghé vào nhà cô Ngọc Ánh- Chủ cơ sở bánh tráng Ngọc Ánh (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) đúng lúc cô đang “lui cui” đem những vỉ bánh vừa mới tráng xong ra sân phơi. Lau vội mồ hôi trán, cô Ngọc Ánh tươi cười: “Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây có gần 100 hộ làm nghề. Hàng ngày, mỗi gia đình có thể tráng từ 500- 600 bánh. Còn từ tháng 11 âm lịch trở đi, thì số lượng ngày càng tăng lên, có khi tráng từ 800- 1.000 bánh mới đủ giao”.
 



Bà Ngọc Ánh phấn khởi bên những vỉ bánh tráng vừa phơi khô.

 
Chủ các cơ sở bánh tráng ở cù lao Mây cũng nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách và người tiêu dùng mà cho ra đời nhiều mẫu mã, chủng loại bánh như: bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt, bánh tráng béo, bánh tráng mặn… để khách thuận tiện lựa chọn, mua về làm quà biếu tặng người thân, bạn bè khi có dịp đến làng bánh tráng Cù lao Mây.
 
Từ khi được công nhận làng nghề truyền thống, Hợp tác xã bánh tráng Cù lao Mây càng được quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ (máy cắt bánh, cối xay bột). Đồng thời, Viện Năng suất Việt Nam cũng tặng cho hợp tác xã 7 máy ép chân không.
 
Nhờ đó, bánh tráng làng nghề được đóng bao bì cẩn thận và bảo quản lâu hơn, đáp ứng được quá trình vận chuyển với thời gian dài. Chính vì thế mà “nhiều bạn hàng đến đặt mua bánh tráng của làng nghề để tiêu thụ, cung ứng các thị trường tại TP Cần Thơ, các tỉnh ĐCSCL, xa hơn là TP Hồ Chí Minh... mà không sợ hư hao”- cô Ngọc Ánh phấn khởi cho biết thêm.
 
So sánh về tiềm năng kinh tế, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây tuy chưa thể sánh bằng một số làng nghề khác, nhưng đã góp phần nâng cao mức sống cho nhiều gia đình, đặc biệt, trở thành một trong những điểm tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước.
 
Bánh tráng có một vị trí khá quan trọng trong ẩm thực “cuốn” của người Nam Bộ. Nổi bật với món bánh tráng cuốn cá lóc nướng, cuốn thịt luộc, cuốn nem hay được dùng để cuốn chả giò ăn với rau thơm, cải xà lách chấm nước mắm chua cay, hay nước xí muội; hoặc dùng bánh tráng để xúc hến xào ăn với cơm nóng thì ngon vô cùng...
 
Theo Ngọc Tráng - Minh Tâm (Báo Vĩnh Long)

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Long: Có một làng nghề trăm tuổi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.