Viết tiếp loạt bài “số phận” của các biệt thự Pháp trên đất Huế

26/07/2018 14:27

Theo dõi trên

Vấn đề tại số nhà 26 Lê Lợi (TP. Huế) đã làm “nóng” trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh TT. Huế. Tuy nhiên điều cử tri trông chờ lại không thấy đâu vì câu trả lời của UBND tỉnh TT. Huế là “phải báo cáo bằng văn bản”?


Việc UBND tỉnh TT. Huế ban hành danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp trên đất Huế đã tạo ra một sự hoài nghi lớn trong dư luận thời gian qua.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tỉnh TT. Huế đưa ra danh sách nói trên nhằm hợp thức hóa để phá bỏ các công trình kiến trúc Pháp khác trên đất Huế. Một trong số đó là ngôi biệt thự Pháp tại số 26 đường Lê Lợi.

Việc công trình này không có trong danh sách trên là điều rất lạ, càng lạ hơn nữa khi có công trình “chẳng có gì giống Pháp” lại “bỗng dưng” xuất hiện như Dòng Chúa cứu thế và nhà thờ Phủ Cam?

Ngôi biệt thự 26 Lê Lợi là nơi sinh hoạt của Hội Văn học - Nghệ thuật Huế qua các thời kỳ. Công trình này là nơi giao thoa giữa hai phong cách kiến trúc Pháp - Việt thời thuộc địa. Cùng với các công trình Pháp khác trên đường Lê Lợi thì công trình này đã ghi dấu mình gần cả trăm năm trên con đường này. Và có thể trong thời gian tới căn biệt thự này sẽ không còn tồn tại khi UBND tỉnh TT. Huế sẽ cho đập bỏ để làm khách sạn.

Trao đổi với báo chí, GS-TS Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho biết, 27 công trình Pháp không thể đại diện hết cho toàn bộ kiến trúc Pháp tại Huế. Vì vậy, ông Kinh nghi ngờ về lý do tỉnh TT. Huế ban hành danh sách nói trên nhằm “khai tử” các công trình khác, trong đó có số 26 Lê Lợi.

Ông Lê Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh TT. Huế cho biết, căn biệt thự 26 Lê Lợi sẽ bị đập để phát triển đô thị trong quy hoạch lại hai bờ sông Hương. Giao lại cho doanh nghiệp để làm khách sạn.

Kỳ họp HĐND vừa rồi, HĐND tỉnh TT. Huế đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Đăng Thanh Ngọc.

Đại biểu này chất vấn, xuất hiện nhiều dư luận liên quan đến trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ở địa chỉ 26 Lê Lợi - Huế về việc giải tỏa ngôi nhà chung của giới văn nghệ sỹ để làm du lịch.

Trong lúc đó, Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ một văn bản nào của UBND tỉnh liên quan đến việc giải tỏa ngôi nhà này.

Câu hỏi này của ông Ngọc không được trả lời công khai trước đồng bào, rộng đường cho dư luận.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao lãnh đạo tỉnh TT. Huế lại không trả lời công khai vấn đề mà dư luận đang quan tâm mà phải yêu cầu báo cáo bằng văn bản? Việc báo cáo “số phận” của số nhà 26 Lê Lợi bằng văn bản có khách quan hay không, có đảm bảo được rằng cử tri sẽ biết được hay không?

Còn nữa...
 
Đình Duy

Bạn đang đọc bài viết "Viết tiếp loạt bài “số phận” của các biệt thự Pháp trên đất Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.