Vị vua có tuổi thọ cao trong lịch sử phong kiến Việt Nam

06/08/2018 00:36

Theo dõi trên

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nếu xét về tuổi thọ của các vị vua, thì vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều nhầ Nguyễn, là người có tuổi thọ cao nhất, với 84 tuổi, và người xếp sau vua Bảo Đại về tuổi thọ chính là vua Trần Nghệ Tông với tuổi thọ 74 tuổi, ông là vị vua thứ 8 của vương triều nhà Trần.

Trần Nghệ Tông sinh năm Tân Dậu 1321, mất năm Ất Hợi 1395, tên húy là Trần Phủ, là Hoàng tử thứ 3 của vua Trần Minh Tông (1300 – 1357), thân mẫu là bà thứ phi họ Hồ.
 

Vào đời vua Trần Dụ Tông (1336 -1369), Trần Phủ được phong tước Cung Định Vương. Năm Kỷ Dậu 1369, vua Trần Dụ Tông chết, nhưng không có con để nối dõi, triều đình định lập Cung Định Vương (Trần Phủ) lên nối ngôi, nhưng Hiến Từ Thái Hậu, vợ vua Trần Minh Tông, mẹ đẻ của vua Trần Dụ Tông không đồng ý lập Trần Phủ lên làm vua, mà buộc triều đình phải đưa con nuôi của Cung Túc Vương tên là Dương Nhật Lễ lên nối ngôi.

Vì vậy mà Trần Phủ cùng với hai em là Cung Tuyên Vương và công chúa Thiên Ninh Ngọc Tha cùng các tôn thất nhà Trần khởi binh giết chết Dương Nhật Lễ, sau đó Trần Phủ được lập lên nối ngôi, hiệu là Trần nghệ Tông, đặt niên hiệu là Thiệ Khánh.
 
Nhưng sau khi lên làm vua, Trần Nghệ Tông lại nhu nhược, bất tài không điều khiển được triều chính, mọi việc trong triều phải nhờ vào ngoại thích Hồ Quý Ly, vì vậy mà quyền hành triều chính dần dần rơi vào tay Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly có hai bà cô ruột lấy vua Trần Minh Tông, bà Minh Từ sinh ra vua Trần Nghệ Tông, và bà Đôn Từ sinh ra Trần Kính (sau này là vua trần Duệ Tông).
 
Hồ Quý Ly được vua trần Nghệ Tông phong cho những chức tước quan trọng, từ khởi nghiệp với chức quan võ Chi hậu tứ cục chánh chưởng, phong lên Khu mật đại sứ, đứng đầu khu mật viện, quản lĩnh cấm quân, sau đó vua Trần Nghệ Tông lại gia phong cho Hồ Quý Ly tước Trung Tuyên quốc thượng hầu.
 
Năm Tân Hợi 1371, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem quan vượt biển, qua cửa Đại An ở sông đáy, tiến đánh kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần chống cự không nổi, vua Trần nghệ Tông phải bỏ kinh thành chạy sang Đông Ngàn lánh nạn (ngày nay là Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
 
Sau đó quân Chiêm Thành của Chế Bồng Nga rút khỏi kinh thành Thăng Long, thì vua Trần Nghệ Tông mới trở về kinh thành Thăng Long, nhưng lúc đó kinh thành Thăng Long bị đốt phá tan hoang. Bất lực với tình cảnh trên, vua Trần Nghệ Tông liền nhường ngôi cho em trai cùng cha khác mẹ là Trần kính, rồi lên làm Thái thượng hoàng. Trần Kính lên ngôi hiệu là Trần Duệ Tông, đặt niên hiệu là Long Khánh.
 
Còn Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì lui về ở Thiên Trường (Ngày nay thuộc tỉnh Nam Định), sự việc trên diễn ra vào năm Nhâm Tý 1372. Vua Trần Nghệ Tông làm Thái thượng hoàng được 23 năm, vào năm Ất Hợi 1395, vua Trần Nghệ Tông mất, hưởng thọ 74 tuổi.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Vị vua có tuổi thọ cao trong lịch sử phong kiến Việt Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.