Vị chúa cuối cùng trong các đời chúa Nguyễn

21/09/2017 15:37

Theo dõi trên

Sau khi lên làm ngôi, Gia Long đã truy tôn cho một loạt các chúa Nguyễn, trong đó chúa Nguyễn Phúc Thuần được truy là Duệ Tông, hiệu thụy là Hiếu Định Hoàng đế. Tính từ ngày chúa Nguyễn Phúc Thuần mất năm 1777 đến nay năm 2017 là vừa tròn đúng 240 năm.


Cửu đỉnh triều Nguyễn

Nguyễn Phúc Thuần (1754 – 1777) tự là Hân, là con thứ 16 của chúa Nguyễn Phúc khoát (1714 – 1765), thân mẫu là bà Ngọc Cầu. Ngày 7 tháng 7 năm Ất Dậu 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, lúc đó Nguyễn Phúc Thuần mới được 11 tuổi. Quyền thần lúc đó là Ngoại tả đạt Quận công Trương Phúc Loan, cùng với thái giám tên là Chữ Đức và Chưởng Dinh là Nguyễn Hữu Thống mật bàn việc giành ngôi chúa cho công tử thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Thuần.
 
Sở dĩ Trương Phúc Loan chọn Nguyễn Phúc Thuần, bởi vì Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi, nếu lên ngôi chúa thì Trương Phúc Loan mới thực hiện được ý đồ nắm giữ quyền hành. Từ tham vọng quyền uy của  Trương Phúc Loan, một kế hoạch  đã được tiến hành, Nguyễn Phúc Thuần đã được lập lên ngôi chúa. Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa, được gọi là Định Vương, hiệu là Khánh Phủ Đạo Nhân.
 
 Sau khi Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa, mọi quyền hành trong phủ chúa đều do quyền thần Trương Phúc Loan sắp đặt. Trương Phúc Loan tự nhận là Quốc phó, giữ bộ Hộ quản cơ Trung tương. Trên Thực tế thì Trương Phúc Loan đã thâu tóm hết mọi quyền hành từ chính trị đến kinh tế. Các quyền lợi chủ yếu của vương quốc Đàng Trong đều rơi vào tay của Trương Phúc Loan, Trương Phúc Loan còn bán quan, buôn ngục không kiêng nể bất kỳ người nào.
 
Trương Phúc Loan tham lam, tàn nhẫn, người đương thời gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là một tên Hán gian đầu thời nhà Nam Tống ở Trung Quốc, hắn đã hãm hại một viên tướng có tài trong việc chống quân nhà Kim, viên tướng bị hắn hãm hại vào năm 1142 là Nhạc Phi, ngoài ra tên Hán gian Tần Cối còn tham lam và tàn bạo…). Chính Trương Phúc Loan cũng tham lam, tàn bạo, hãm hại nhiều người không cùng phe cánh với y, cho nên Trương Phúc Loan mới được người đương thời ví như tên Hán gian Tần Cối, và lấy tên của Tần Cối đặt cho y là Trương Tần Cối.
 
Nhờ ra sức vơ vét của cải trong thiên hạ, nên Trương Phúc Loan đã trở nên giàu có, vàng bạc châu báu chất đầy như núi, tài sản của Trương Phúc Loan còn giàu hơn ngân khố của quốc gia Đàng Trong. Mọi việc trong phủ chúa đều do Trương Phúc Loan nắm giữ hết, vì vậy mà Nguyễn Phúc Thuần tuy mang danh là chúa Nguyễn nhưng chỉ là bù nhìn. Mặt khác lúc bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Thuần cũng đang còn nhỏ tuổi, suốt ngày chỉ vui chơi là chính.
 
Vào năm Tân Mão 1771, vua nước Xiêm ( ngày nay là Thái Lan), đem quân sang đánh Hà Tiên, Mạc Thiên Tích đem quân ra chống cự, nhưng thua trận phải chạy về Trấn Giang (ngày nay thuộc tỉnh Cần Thơ), sau đó lại chạy về Sài Côn (ngày nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).
 
 Cũng trong năm Tân Mão 1771, ở Tây Sơn Bình Định, ba anh em nhà họ Nguyễn đứng đầu là Nguyễn Nhạc, đứng lên khởi nghĩa ở Quy Nhơn (ngày nay thuộc tỉnh Bình Định), sau đó đánh chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam. Mục đích hợp lòng người, nên cuộc khởi nghĩa được dân chúng ủng hộ, vì vậy mà thanh thế của nghĩa quân ngày càng trở nên mạnh mẽ.
 
Thêm vào đó, tháng 5 năm Giáp Ngọ 1774, chú Trịnh Sâm (1737 – 1882) lại sai tướng quân Hoàng Ngũ Phúc đem đại quân vào đánh Phú Xuân, quân của chúa Nguyễn Phúc Thuần thua to. Chúa Nguyễn Phúc Thuần lúc đó cũng đã tròn 20 tuổi, có thể cầm quân ra trận, nhưng bị thua to, nên chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ Phú Xuân, chạy vào Quảng Nam, sau đó chạy thẳng vào Gia Định.
 
Trong khi đó, quyền thần Trương Phúc Loan đã bị các tôn thất của chúa Nguyễn bắt được và đem giao cho quân của chúa Trịnh, và y đã bị quân của chúa Trịnh giết chết. Quân của chúa Trịnh chiếm đóng Phú Xuân và dặt quan cai trị vùng đất Thuận Hóa.
 
Trong số quan lại của các chúa Trịnh được cử vào Thuận Hóa có Lê Quý Đôn (1726 -1784) nổi tiếng là một người tài giỏi. Trong thời gian 6 tháng ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn đã viết một loạt các tác phẩm có giá trị tiêu biểu như Phủ biên tạp lục. Đây là một cuốn bách khoa thư địa phương, ghi chép về lịch sử, địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, địa lý kinh tế, phong tục tập quán, thơ văn của xã hội xứ Đàng trong từ thế kỷ XIII trở về trước.
 
Còn về bản thân chúa Nguyễn Phúc Thuần kể từ khi chạy vào Gia Định, sống trong cảnh khổ sở, luôn luôn phải chạy trốn vì bị nghĩa quân Tây Sơn truy kích. Trong cuộc chiến đấu chống lại nghĩa quân Tây Sơn, trong một trận chiến quyết liệt sống còn vào cuối tháng 9 năm Đinh Dậu 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng với một số cận thần bị bắt sống khi chạy đến Long Xuyên (ngày nay thuộc tỉnh Cà Mau), và ngay sau đó chúa Nguyễn Phúc Thuần bị nghĩa quân Tây Sơn giết chết.
 
Chúa Nguyễn Phúc Thuần chết, hưởng dương được 23 tuổi, do không có con trai nối dõi, hơn nữa đất đai xứ Đàng Trong lúc bấy giờ đã bị nghĩa quân Tây Sơn chiếm gần hết, đến đây các đời chúa Nguyễn đã hoàn toàn chấm dứt. Tính từ thời chúa Tiên là Nguyên Hoàng, đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, các chúa Nguyễn truyền nối tổng cộng được 9 đời chúa.
 
Trong số các tôn thất của chúa Nguyễn may mắn thoát nạn có Nguyễn Phúc Ánh (1762 – 1820), ông là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát, sau khi chúa Nguyễn Phúc Thuần chết, Nguyễn phúc Ánh được các tướng sỹ  tôn lên làm Đại nguyên soái, quyền nhiếp chính để chống lại nghĩa quân Tây Sơn.
 
 Nguyễn phúc Ánh lúc bấy giờ mới 17 tuổi, nhưng là người có chí khí, quyết tâm khôi phục lại  địa vị cho dòng họ Nguyễn, nên đã ra sức xây dựng lực lượng, chống lại nhà Tây Sơn. Về sau này vào năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Phúc Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Gia Long, lập ra vương triều nhà Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
 
Sau khi lên làm ngôi, Gia Long đã truy tôn cho một loạt các chúa Nguyễn, trong đó chúa Nguyễn Phúc Thuần được truy là Duệ Tông, hiệu thụy là Hiếu Định Hoàng đế. Tính từ ngày chúa Nguyễn Phúc Thuần mất năm 1777 đến nay năm 2017 là vừa tròn đúng 240 năm.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "Vị chúa cuối cùng trong các đời chúa Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.