Về thăm ngôi làng cổ có sắc phong nhiều nhất Việt Nam

09/02/2015 21:17

Theo dõi trên

Làng Mỹ Xuyên (TT Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) từ lâu được biết dến là ngôi làng cổ nhất xứ Quảng gắn liền với công trạng của vị tiền hiền Lê Qúy Công - người có công trong việc khai khuẩn bờ cõi phía Nam. Nhưng ít ai biết ngôi làng lọt nằm ở một thị trân sầm uất đang lưu giữ nhiều sắc đạo nhất Việt Nam do các nhà vua ban tặng.

Sự hình thành làng Mỹ Xuyên

Đã tồn tại và phát triển hơn 500 năm qua nhưng những câu chuyện về xây dựng ngôi làng cổ Mỹ Xuyên qua nhiều thời kỳ đến nay vẫn đang còn có sự khúc mắc bởi chưa có sự thống nhất về niên đại. 

Theo như các bậc cao niên trong làng kể lại: Làng Mỹ Xuyên ngày nay từ xa xưa đã gắn liền với công trạng của vị tiền hiền Lê Qúy Công - người đã có công lập làng và đặt tên cho làng. Dựa trên những ký tự ghi trên phần lăng mộ của vị tiền hiền Lê Qúy Công, các bậc bô lão cho rằng: Vào năm 1441, sau khi lập ra đạo thừa thứ 13 ở Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã để Chánh đề đô đốc Hùng Long Hầu Lê Qúy Công cùng 12 vị tướng khác ở lại vùng đất vừa mới khai lập để giữ bờ cõi, biên cương. Và làng Mỹ Xuyên xuất hiện từ đó. Tuy nhiên xung quanh việc đặt tên làng cũng đang còn là một câu hỏi lớn đối với lịch sử hình thành của làng. Bởi theo những gì người dân trong làng cho biết: Việc ngài Lê Quý Công lấy tên làng xuất phát từ tên nguyên quán của làng mình ở Thanh Hóa. Nhưng theo ông Lê Tịch, cháu đời thứ 6 của Lê Qúy Công, trưởng Ban trị sự của làng lại khẳng định rằng: Sau khi cất công lên đường ra Thanh Hóa để truy tìm gia phả của dòng họ thì ông được biết nguyên quán của vị tiền hiền là làng Thần Phù, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.
 


Đình làng Mỹ Xuyên

Cũng theo các bậc cao niên lưu truyền rằng: Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập làng, Lê Qúy Công đã tạo được ngôi làng trù phú và dân cư đông đúc với hơn 1.700 mẫu điền nằm ở phía nam bờ con sông Thu Bồn. Theo đó, vào năm 1836, vua Minh Mạng đã cho nhân dân đào sông Vĩnh Điện để phân lũ từ con sông Thu Bồn qua con sông Cổ Cò đổ ra sông Hàn để phục vụ cho việc tưới tiêu và địa thế quân sự. 

Trong khi đó những tài liệu của phòng VH - TT huyện Duy Xuyên diễn giải về sự hình thành của làng: Năm 1442, tức năm Nhâm Tuất, vua Lê Nhân Tông lên ngôi khi còn nhỏ nên Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Anh được quân thần trong triều mời ra trông coi chính sự. Trước những lời nịnh thần, dèm pha của các gian thần trong triều nên bà đã cho giết hại những vị tướng đang làm nhiệm vụ mở rộng bờ cõi như Lê Khắc Phục, Trịnh Khả… Trước những việc làm “khó hiểu” của Hoàng Thái Hậu nên các tướng lĩnh trong đó có Lê Quý Công đã bất mãn và không quay về đất Bắc nữa mà ở lại lập làng định cư. Như vậy, với những tài liệu của phòng văn hóa huyện Duy Xuyên và những gì các bậc cao niên trong làng kể lại thì sự hình thành về ngôi làng cổ Mỹ Xuyên vẫn chưa có sự thống nhất nhau về mặt lịch sử.
 


Cây đa Mỹ Xuyên được ông Nguyễn Văn Hạt đem về trồng ngay trên gốc đa thời vua Minh Mạng

Câu chuyện kỳ lạ về cây đa 

Hiếm có ngôi làng nào đến nay nằm giữa thị trấn sầm uất nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam từ ngàn xưa đó là “cây đa, giếng nước, sân đình”.  Về làng cổ Mỹ Xuyên hôm nay, chúng tôi được nghe những câu chuyên xung quang về cây đa cổ khá độc đáo và ly kỳ. Theo như các bậc cao niên kể lại rằng: Vào những năm 1836, vua Minh Mạng đã nhiều lần đi thuyền rồng từ Triều Châu xuống Mỹ Xuyên, sau đó dừng lại ở phía bắc sông Thu Bồn để “thị sát” việc đào sông phục vụ tưới tiêu. Cũng thời gian này, đi qua ngôi làng thấy đây như vùng “địa linh nhân kiệt” nhà vua Minh Mạng đã cho người dân trồng cây đa ngay đầu làng để hình thành một mô hình văn hóa truyền thống ở xứ Đằng Ngoài. Cũng từ đó, dưới gốc cây đa đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa của làng. Mọi tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian trong những dịp tết đến xuân về đều được diễn ra ở dưới tán cây đa khổng lồ. 

Không những thế trong hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm cây đa trở thành chỗ dựa tinh thần cho quân dân Quảng Đà. Từ gốc cây đa cổ thụ này, vào năm 1958 các chiến sỹ du kích của ta đã ẩn nấp trong đó, rồi ném lựu đạn tiêu diệt được hai tiểu đội của quân Bảo An. Và còn nhiều chiến công hiển hách của quân cách mạng ta mà người dân trong vùng không nhớ nổi.

Từ đó, những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn về cây đa trở nên nổi ám ảnh của kẻ địch mỗi khi chúng hành quân qua gốc đa. Chuyện rằng: Ở thân cây đa luôn có một “bùa” để làm chỗ ẩn náu cho những chiến sỹ gan dạ của ta, ở đó luôn khi nào cũng có những chiến sỹ du kích của ta nên mỗi khi bọn địch đi qua đều cũng phải “cống mạng” cho cây đa vì tụi chúng đi xâm lược một dân tộc nhỏ bé.  

Đến mùa thu năm 1964 quân địch thấy được sự nguy hiểm từ những khe trên thân, và gốc nên đã dùng bom xăng đốt hạ cây đa để tránh hiểm họa từ những đội quân du kích của ta. Sau những lần đốn hạ không thành chúng đành dùng “kế sách” tối ưu là dùng tới xăng bột chất quanh gốc đa và châm lửa đốt bảy ngày đêm. Không những thế chúng còn sử dụng DKZ từ đồn Đại Hàn bắn thẳng vào làm đa cháy tận gốc.  

Đầu năm 1974, khi chiến sự đang còn tạm lắng xuống, ông Nguyễn Văn Hạt một lần xuống Đà Nẵng đã xin cây đa con ở một ngôi chùa ở ngoài Đà Nẵng đêm về trồng trên ngay trên gốc cây cũ đã bị cháy sạch. Người dân đã làm lễ xin thần linh rồi dùng quốc xẻng đào bới gốc cây cũ đã bị cháy lên, rồi trồng cây đa con xuống tại chỗ đó. Người dân bất ngờ trước sự lớn nhanh của cây đa con. Và đặc biệt hơn, cây đa lớn lên càng ngày càng giống hệt cây đa cũ. Từ những tán cây cho đến thân gốc như một phiên bản sao của cây đa đã “hy sinh” trước đó. Sau ngày thống nhất đất nước, những làn điệu dân ca như bài chòi, bài ghế, diệu hò khoan… lại được tổ chức dưới gốc cây này. Người dân trong vùng  xem cây đa như một điểm văn hóa tinh thần lý tưởng của cả khu vực. Đó chợ đình, đình làng, bến giá và cây đa mang đến cho làng một truyền thống văn hóa làng Việt Nam.
 




Những sắc phong được lưu trữ nguyên vẹn hàng trăm năm qua

Ngôi làng có nhiều sắc phong nhất cả nước

Làng Mỹ Xuyên đã trải qua một quá trình gắn liền với lịch sử của dân tộc đến nay vẫn giữ được đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngoài những giá trị văn hóa như đình làng, bến Giá, cây đa thì người dân làng Mỹ Xuyên nói riêng và xứ Quảng nói chung luôn tự hào bởi làng đã vinh dự được các vua triều đình Nhà Nguyễn ban tặng cho làng đến 32 sắc phong. Đây được xem là ngôi làng tồn tại nhiều sắc phong nhất cả nước. 

Sự kiện làng được ban tặng nhiều sắc phong và liên tục như như vậy chỉ trong một thời gian đến nay vẫn đang còn là dấu chấm hỏi đối với những nhà nghiên cứu lịch sử.  

Theo như các bô lão trong làng truyền lại, do trong làng có nhiều người làm quan trong triều, và đều có công trọng việc giúp dân an cư lạc nghiệp nên mới được triều đình nhà Nguyễn ưu ái. Còn những cán bộ văn hóa của địa phương thì cho rằng việc ban sắc phong như vậy là do vị thế quân sự của Mỹ Xuyên rất quan trọng đối với án ngữ của xứ Quảng. 

Còn ông Lê Tịch cháu đời thứ 16 của vị tiền hiền Lê Quý Công thì cho rằng việc ban nhiều sắc phong của làng là do “dấu ấn” của Lê Quý Công; vị tiền hiền này được vua ban quốc tính (thật ra là Nguyễn Quốc Công); tất cả đất đai của làng đều được Hùng Long Hầu sung công, điều này tránh được sự tranh chấp giành vị thế người khai khẩn làng, vừa giúp con cháu đời sau được hưởng lộc đời đời của triều đình.

Hiện nay, tất cả 32 sắc phong cổ của làng Mỹ Xuyên đều được bảo quản chu đáo cẩn mật tại đình làng Mỹ Xuyên. Hiếm khi người dân được xem, sờ tới. Chỉ khi có dịp lễ tết trong lễ hội của làng, những người trong ban trị sự của làng phải làm lễ xin phép các vị tiền nhân mới được đưa ra xem. 

Để làm rõ những vấn đề trên, trong năm 2010, Phòng VH - TT huyện Duy Xuyên đã tổ chức một cuộc tìm kiếm trên quy mô lớn nhằm làm sáng tỏ những bí ẩn xung quanh việc tại sao làng lại được phong nhiều sắc phong như vậy. Theo đó phòng đã thống kê và lập bản sao được 32 đạo sắc phong của đình làng Mỹ Xuyên. Những đạo sắc phong từ thời vua Minh Mạng đến Khải Định. Trong đó, số sắc phong các vua ban cho làng lần lượt là Minh Mạng: 5 đạo; Thiệu Trị: 10; Tự Đức: 11; Đồng Khánh: 2; Duy Tân: 2; Khải Định: 2. Các vị thần được phong cho đình bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng Hậu, Bạch Mã Tôn... được người dân trân trọng và gìn giữ suốt 300 qua.

Bà Lưu Thị Hiền Phương - Trưởng phòng VH - TT huyện Duy Xuyên cho biết: Huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo mời những người có hiểu biết về làng Mỹ Xuyên để thu thập những thông tin để có định hướng bảo tồn di sản quý này. Bên cạnh đó, Phòng VH - TT cũng đã mời những người am hiểu Hán văn về dịch những bản sắc phong, nhưng phải mất nhiều thời gian nữa việc dịch mới hoàn thành...

Một ngôi làng đã có hơn 500 năm tuổi, trong đó có 2 kiến trúc, đình làng Mỹ Xuyên và Lăng mộ Chánh đề đô đốc Hùng Long Hầu Lê Qúy Công được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh là một niềm tự hào với mỗi con người nơi đây. Việc được các vua triều Nguyễn ban tặng đến 32 Đạo sắc phong cho làng cũng  một con số kỷ lục hiện nay đối với một làng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống văn hóa cổ Việt. 
 
Ngọc Diệp

Bạn đang đọc bài viết "Về thăm ngôi làng cổ có sắc phong nhiều nhất Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.