Về làng khoa bảng và miền đất học Tùng Ảnh

28/07/2018 14:25

Theo dõi trên

Tiếp nối truyền thống, mạch nguồn văn hoá, khoa bảng của cha ông xưa, các thế hệ con cháu hôm nay đang ra sức thi đua rèn đức, luyện tài. Hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học là con em quê hương Tùng Ảnh đang đóng góp công sức, trí tuệ trên khắp mọi miền đất nước.

 
Văn bia đề danh tiến sĩ qua các niên hiệu 

Núi Tùng Lĩnh soi bóng nước sông La mà hình thành nên đất quê Tùng Ảnh. Tên làng cổ Tùng Ảnh có vào khoảng cuối thời Trần, đầu thời Lê cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc xã Việt Yên hạ, tổng Việt Yên phủ Đức Thọ.

Vùng đất bên bến Tam Soa dạt dào sóng biếc đã nuôi dưỡng nên nhiều danh nhân văn hoá khoa bảng nổi tiếng xa gần. Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Trần Phú và nhiều gia đình, dòng họ ở Tùng Ảnh đã góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, quê hương. 


Đất nghèo nuôi chí lớn

Ân trạch và công đức người xưa được ví như núi Quần Hội ngàn thông reo vi vút, như dòng nước mát La Giang nối mạch nguồn thiêng truyền đời cho muôn hậu thế. Trên quê hương cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người người đều tự hào khắc ghi lời căn dặn thiết tha cháy bỏng "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" cách đây gần 9 thập kỷ. Dẫu thế sự bao phen biến đổi, nhưng các thế hệ sinh ra, lớn lên nơi đất quê Tùng Ảnh luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, sống nhân nghĩa thuỷ chung, nguyện đem hết sức lực, trí tuệ khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước.  

Trong dòng chảy của công cuộc đổi mới hôm nay mảnh đất Tùng Ảnh vẫn lưu giữ những nét quê thuần hậu. Đền thờ Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp mái ngói phủ rêu phong, các hạng mục kiến trúc vừa cổ kính linh thiêng vừa tôn nghiêm, bề thế. 
 


Nhà thờ các dòng họ nổi tiếng thành đạt ở làng khoa bản, miền đất học Tùng Ảnh

Phan Đình Phùng hiệu Châu Phong, quê làng Đông Thái, thi đỗ cử nhân năm 1876, đỗ Đình nguyên Tiến sĩ năm 1877. Với tấm lòng yêu nước, thương dân vô hạn, khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, ông đã ứng ra ứng nghĩa chiêu mộ các bậc hiền tài, tướng lĩnh gần xa, xây dựng lực lượng nghĩa binh chống Pháp.

Thời gian có thể làm phai mờ đi tất cả, vậy nhưng thanh thế nghĩa quân Cần Vương và đặc biệt là những công lao đóng góp của chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng mãi vang danh cùng non sông, đất nước. 


Những năm qua đền thờ Phan Đình Phùng ở làng khoa bảng Đông Thái trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, nơi các thế hệ con cháu dòng họ Phan Đình và nhân dân đến dâng hương tưởng niệm, báo công với người đã khuất. Nối gót tiền nhân, các thế hệ con cháu dòng họ Phan Đình trên quê hương Tùng Ảnh không ngừng ra sức thi đua học tập, rèn luyện, nhiều người hiện là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đã và đang công tác tại các cơ quan nhà nước, trong lực lượng quân đội, công an... Dù đi bất cư nơi đâu, làm bất cứ việc gì, người họ Phan Đình vẫn một lòng hướng về tổ tiên, nguyện đem tài trí và sức mạnh phục vụ đất nước, quê hương, góp phần làm rạng danh cho dòng tộc.

Xã nghèo có 1000 tiến sĩ, giáo sư

Nói về truyền thống hiếu học của Tùng Ảnh, Chủ tịch xã Phan Tiến Dũng tự hào cho biết tính từ thời Cần Vương (cuối thế kỷ 19) tới nay, xã đã sản sinh hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ có đóng góp cho đất nước. Tiêu biểu là Trần Phú (người làng Tùng Sinh), Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Dũng cho biết thêm, hàng năm xã Tùng Ảnh luôn có khoảng 50 học sinh đậu đại học nguyện vọng một, tỷ lệ cao nhất huyện, đứng trong tốp đầu của tỉnh. Trong xã nhiều làng có truyền thống hiếu học từ hàng trăm năm nay, tiêu biểu như Đông Thái, Yên Hội, Châu Tùng, Trinh Nguyên.

“Đất thiêng sinh lắm nhân tài. Quê hương Tùng Ảnh là vậy. Truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học đã và đang được các thế hệ gìn giữ, phát huy, nâng lên một tầm cao mới. Xưa nay giữa một vùng xứ Nghệ lừng lẫy cao khoa tiến sĩ,Tùng Ảnh vẫn luôn được biết đến là vùng đất học, vùng đất văn chương nổi tiếng nhất nhì”. 

Duyên cách địa lý và những nét son văn hoá ngàn xưa đã bồi trúc nên tâm hồn nhân cách của người dân Tùng Ảnh qua nhiều thế hệ. Một trong số những dòng họ hình thành từ rất sớm và có nhiều người hiển đạt vinh quy là dòng họ Phan Tùng Mai, vị thuỷ tổ là Trần triều vương phó sư Phan Hách sống vào đời Trần. Các thế hệ sau đó nhiều người học hành đỗ đạt cao, tiêu biểu có Thám hoa Phan Kính, quê ở xã Lai Thạch huyện La Sơn, nay là xã Song Lộc huyện Can Lộc, nhưng tổ tiên của ông được sử sách ghi chép là người họ Phan Tùng Mai. 

Công trạng của các bậc tiền nhân dòng họ Phan Tùng Mai được vinh danh, khắc tạc vào văn bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử  Giám- Hà Nội. Hôm nay hình mẫu văn bia của các danh nhân văn hoá khoa bảng trong dòng họ được con cháu sưu tầm, phục dựng tại nhà thờ để giáo dục truyền thống hiếu học và học giỏi cho muôn thế hệ. 
 


Đình làng Đông Thái di tích lịch sử cấp tỉnh thuộc xã Tùng Ảnh

Ông Phan Như Quý -  Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Phan Tùng Mai xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ chia sẻ:  “Trong lịch sử hình thành và phát triển, việc học hành, thi cử ở xã Tùng Ảnh không chỉ nổi tiếng xứ Nghệ mà còn vang ra tận đế đô Thăng Long vào kinh thành xứ Huế. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII có các tiến sĩ Phan Khắc Kỷ, Phan Phúc Cẩn, Phan Như Khánh, Phan Bá Đạt và rất nhiều tú tài, cử nhân nổi tiếng thông minh và thanh liêm, cương trực, luôn một lòng vì dân, vì nước. Tên làng khoa bảng Đông Thái như một nét son nối quá khứ với hiện tại và mãi là niềm tự hào của bao thế hệ sinh ra, lớn lên trên quê hương Tùng Ảnh”.
 
Sông đến non Tùng hòn đá trải/ Giang sơn muôn thưở với đàn thơ. Những câu thơ tuyệt bút của danh sĩ Bùi Dương Lịch đã phần nào khắc hoạ bức tranh quê, sông nước hữu tình làm nao lòng, vấn vương bao văn nhân tài tử. Để rồi dòng sông La vẫn chở nặng phù sa, núi Tùng Lĩnh và bến nước Tam Soa mãi là biểu tượng, nét riêng nơi đất quê Tùng Ảnh. 

Tiếp nối truyền thống, mạch nguồn văn hoá, khoa bảng của cha ông xưa, các thế hệ  con cháu hôm nay đang ra sức thi đua rèn đức, luyện tài. Hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học là con em quê hương Tùng Ảnh đang đóng góp công sức, trí tuệ trên khắp mọi miền đất nước. Đó thực sự là niềm tự hào, tạo động lực tinh thần to lớn cho thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu vươn lên trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước sau này. 
 
Nền tảng văn hoá đã và đang tạo đà, chắp cánh để xã Tùng Ảnh vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay. Con em Tùng Ảnh xa quê thành đạt luôn một lòng hướng về quê hương bằng tình cảm và những việc làm ý nghĩa nhất. Còn những người ở lại thì luôn đoàn kết, hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, giàu đẹp. Các gia đình, dòng họ khuyến học khuyến tài được hình thành và phát triển đã góp phần tích cực động viên khích lệ tinh thần hiếu học của quê hương. 
 
Xuân Bắc

Bạn đang đọc bài viết "Về làng khoa bảng và miền đất học Tùng Ảnh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.