Thịt le le ngon và ngọt hơn vịt nuôi. Cách sơ chế le le cũng giống như làm vịt. Sau khi làm sạch lông, rồi đem hơ le le trên than hồng cho cháy trụi lông măng còn sót lại, mùi da tanh tưởi của le le cũng tan biến hết đi … Mổ, bỏ đi phần đầu rồi rửa sạch phần xương thịt nguyên con, để cho ráo nước. Sau đó chặt thành từng miếng, cánh, giò có thể bằm nhuyễn, … Đem ướp phần thịt đã chặt với tiêu, hành, tỏi, ớt, nước mắm, bột nêm và chút rượu rồi chờ cho thấm thì phi tỏi mỡ, xào chín. Để lửa nhỏ đậy kín nắp đợi khi miếng thịt mềm thì nêm nếm vừa ăn, nước trong và ngọt. Gắp những miếng thịt le le ra, chế thêm nước, lấy gạo lúa mùa thơm ngon, cùng ít đậu xanh cà vo sạch rồi trút vào nấu.
Khi nồi cháo nhừ, nêm nếm lại cho vừa ăn thì múc ra tô, thêm gừng xắt chỉ, thêm tiêu xay, … Bắp cải, chuối ghém xắt bóp sơ rồi trộn gỏi với nước cốt chanh, đường, sắp thịt le le lên rồi rắc chút đậu phộng đâm, ít lát ớt và rau răm xắt nhuyễn, … Nước chấm được pha từ nước cốt chanh, đường, đặc biệt là không thể thiếu gửng tỏi bằm thật nhuyễn.
Cũng có người để nguyên con le le nấu trong nồi cháo, sau đó vớt ra gỡ thành những miếng nhỏ rồi đem khìa với nước dừa xiêm. Thịt vàng giòn lại trộn với gỏi bắp cải hay chuối cây. Đĩa gỏi này được dọn ăn cùng với chén cháo le le.
Trong dân gian cho rằng, món cháo le le vừa ngon vừa bổ, lại dễ ăn, giúp bồi dưỡng cơ thể, nhất là với quí ông. Bởi thế mới truyền tai câu ca: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý nấu chè hạt sen”.
Theo Hồng Khuyên (Dân Việt)