Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Thành Nhân với tác phẩm "Mùa xa nhà"

04/03/2022 23:19

Theo dõi trên

Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Thành Nhân: "Mùa xa nhà" và những tác phẩm khác”.

01-03-2022-tuong-nho-nha-van-nguyen-thanh-nhan-voi-tac-pham-mua-xa-nha-va-nhung-tac-pham-khac-774983f-details-1646410729.jpg
Đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Thành Nhân nhận quà, hoa từ Ban Tổ chức tại buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có: Thẩm phán Nguyễn Thanh Vân, Luật sư Ngô Thái Tùng Thư, Cô Lê Thị Hạnh (nguyên cán bộ Đại học Hoa Sen), Đại tá Bác sĩ Ngô Minh Phụng (từng điều trị cho nhà văn Nguyễn Thành Nhân tại Trạm quân y tiền phương 479), anh Trọng Nghĩa (đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Thành Nhân), đồng nghiệp và độc giả của nhà văn Nguyễn Thành Nhân.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ, nhà văn Nguyễn Thành Nhân, một cựu chiến binh, người đã hóa thân thành những nhân vật người lính trong tiểu thuyết “Mùa xa nhà” (đã in lần thứ năm), dù có thoát khỏi chiến trường K, vẫn không thể thoát khỏi những dư chấn tâm lý từ sự giết chóc man rợ của một cuộc chiến diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Nguyễn Thành Nhân, một cựu chiến binh, một chứng nhân trước nhiều hình thức giết người tàn bạo của Khmer Đỏ, một nạn nhân với một tâm hồn không thể lành lặn cùng những gào thét được nén lại, để được vượt thoát bằng tất cả nghị lực và yêu thương…

Cô Lê Thị Hạnh (nguyên cán bộ Đại học Hoa Sen) chia sẻ cảm xúc của mình về tác phẩm “Mùa xa nhà”, về những lời tự thuật của một anh lính trẻ vừa rời nơi phố thị đến một làng quê xa lạ, khi anh đón mùa xuân đầu tiên nơi đất khách quê người. Anh lính trẻ nhìn “những thân cây cổ thụ nâu sẫm, xanh mốc rêu, xam xám… kiên nhẫn khoác lớp áo úa vàng không sinh khí” và nhớ da diết “những khu chợ hoa tết tràn ngập người qua kẻ lại (…) lộc biếc lao xao (…) hương vị ngọt ngào của trái cây, bánh mứt”. Tôi trân quý những chi tiết trong “Mùa xa nhà” vì đó là cái nhìn của người trong cuộc.

Theo tác giả Nguyễn Văn Hòa, khác với những tác phẩm khác cùng viết về đề tài chiến tranh, các tác giả thường có giọng điệu ngợi ca chiến tích, nói về những điều tốt đẹp, những mặt tích cực của cuộc chiến, nhận diện chiến tranh với giọng hào sảng trong niềm vui chiến thắng. Trong “Mùa xa nhà”, Nguyễn Thành Nhân không theo lối mòn ấy, những trang văn chậm rãi, từ tốn, hiền lành cứ lần lượt làm sống dậy không khí của một thời anh đã đi qua. Ở đó, cơ bản là đau thương, với tai ương chết chóc đến từ hai phía.

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại TPHCM, mất năm 2020. Vào tháng 3/1984 anh thi hành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1987, anh xuất ngũ về làm bảo vệ tại sân vận động Thống Nhất. Tiếp đó, anh đi học ĐH Luật và tốt nghiệp năm 1994. Tuy nhiên, vào năm 2005, khi đang làm ở Văn phòng Liên đoàn Bóng đá TPHCM, anh nghỉ việc, bắt đầu tập trung vào sáng tác và dịch thuật. Những tác phẩm của Nguyễn Thành Nhân có thể nhắc đến như: Bán trâu, Lục bình, Xa vắng (truyện ngắn)..., hai tập thơ mang tên Lá cỏ, Vũ điệu buồn của chữ (tiểu luận), tiểu thuyết Mùa xa nhà. Sự nghiệp của cố nhà văn không thể không nhắc đến khoảng 40 quyển sách anh từng dịch như: Đến ngọn hải đăng, Căn phòng riêng, Bà Dalloway... Tiểu thuyết Mùa xa nhà cũng từng được Nguyễn Thành Nhân dịch sang tiếng Anh.

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Thành Nhân với tác phẩm "Mùa xa nhà"" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.