Nguồn gốc 12 con giáp
Người xưa cho rằng: Mười hai con giáp là 12 loài cầm thú, chim muông, con vật, thần linh… Con Giáp trong từ Hán - Việt là Sinh Tiếu. Sinh tức chỉ năm sinh của con người; Tiếu chỉ sự giống nhau, đồng dạng, tương tự giữa con người và động vật.
Theo truyền thống văn hóa của người Trung Quốc thì 12 con giáp được dùng để biểu thị năm sinh của con người. Đó là 12 con vật: Tí, Sửu, Dần, Mão; Thìn; Tỵ; Ngọ; Mùi; Thân; Dậu; Tuất; Hợi.
Người xưa còn cho rằng: Con người sinh vào năm nào thì số mệnh giống như số mệnh của con giáp năm đó. Ví dụ người sinh năm con Chuột thì cầm tinh con Chuột (tuổi Tý); người sinh năm con Lợn thì cầm tinh con Lợn (tuổi Hợi)… Do đó, trong dân gian người ta còn gọi 12 con giáp là 12 con vật cầm tinh.
Mười hai con giáp, hay văn hóa 12 (một cách gọi khác của văn hóa 12 con giáp) có nguồn gốc như thế nào cho đến ngày nay vẫn là một vấn đề rất khó giải đáp một cách chính xác.
Từ xưa, người Trung Quốc cho rằng mười hai con giáp là kết quả của sự hòa hợp về văn hóa của các dân tộc Trung Hoa. Cách nói này dựa trên phương thức sản xuất của dân tộc Hoa Hạ lấy nông nghiệp là chính, từ rất sớm dưới triều đại Ngu do vua Thuấn lập nên đã có Thiên Can - Địa Chi.
Truyền thuyết về con Trâu
Theo truyền thuyết thì từ ngày xửa ngày xưa, Trâu và Ruồi là hai trợ thủ đắc lực của Phật Tổ Như Lai, chúng quây quần bên Đức Phật và được Đức Phật yêu mến vô cùng. Một hôm, trong một lần Đức Phật cùng Trâu và Ruồi đi dạo chơi thì bỗng nhiên Đức Phật phát hiện ra rằng cõi nhân gian là một nơi hỗn độn, mù mịt, cây cỏ và lúa má lẫn lộn bên nhau, chen nhau mà sống, cuộc sống vô cùng gian nan. Thấy cảnh đó, Đức Phật cầm lòng chẳng đặng liền thở dài.
Động lòng từ bi, Đức Phật bèn sai Trâu xuống cõi trần gian giúp cho con người sắp xếp lại cuộc sống. Người dặn: Này Trâu, con xuống dưới trần gian, nói với mọi người rằng: “Cỏ cây thì Người phải trồng, lúa má thì tự mọc, hai ngày ăn một bữa”. Trâu tuân lệnh Đức Phật xuống dưới trần gian, song trâu có tính hay quên, nên truyền sai lệnh của Đức Phật, Trâu nói với mọi người rằng: “Loài người nghe đây, Đức Phật thương xót các người, từ nay về sau, các người phải trồng cấy lúa má, còn cỏ cây thì tự mọc khắp mọi nơi, mỗi ngày ăn hai bữa”.
Mọi người làm theo lời trâu, bèn trồng lúa má, ngũ cốc. Trong khi đó thì cỏ cây tự mọc ở khắp mọi nơi, người nhổ chỗ này thì lại mọc chỗ khác. Để có lúa ăn, con người phải trồng trọt vất vả, đã vậy lại phải ăn một ngày hai bữa mới no. Vì vậy mà cuộc sống của con người lại càng thêm khổ sở.
Sau khi truyền xong lời của Đức Phật, Trâu liền trở về trời, Đức Phật hỏi: Này Trâu, con nói với loài người ra sao? Trâu vội vàng quỳ xuống tâu rằng: Thưa Đức Phật, con nói với họ rằng: “Lúa má, ngũ cốc thì Người phải tự trồng, cỏ cây mọc khắp nơi, mỗi ngày ăn hai bữa”. Đức Phật nghe xong tức giận mắng rằng: Tại sao mi lại nói ngược lời căn dặn của ta. Mi đã đi một ngày, mà một ngày trên trời bằng mười năm dưới cõi trần, không thể nào đổi lại được nữa”.
Lúc đó, Đức Phật nhìn xuống cõi trần, thấy con người quanh năm suốt tháng, từ sáng đến tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cặm cụi làm ăn mà cơm cũng chẳng đủ no. Thế là Đức Phật liền nói với Trâu rằng: “Từ nay trở đi, mi hãy xuống cõi trần gian giúp Người làm việc giảm nhẹ gắng nặng cho người”. Trâu trả lời: Con xin tuân mệnh, nhưng con sợ Người biết chuyện con truyền sai mệnh lệnh mà giết con chăng?
Đức Phật liền an ủi: Mi đừng sợ, nếu mi giúp ích cho Người, Người đâu dễ dàng sát hại mi, vả chăng nếu Người định giết mi thì mi mau mau phụt hơi ra bằng lôc mũi gọi ta. Kể từ đó, Trâu xuống trần gian chăm chỉ giúp Người cày bừa, ngày nối ngày, năm nối năm. Mọi người đều biết Trâu vốn là trợ thủ đắc lực của Đức Phật nên rất quý Trâu.
Vị trí và ý nghĩa của con Trâu trong 12 con giáp
Trong 12 con giáp, theo quy ước thì con Trâu được gọi là Sửu, nó đứng ở vị trí thứ hai trong 12 con giáp, vị trí của Trâu là đứng sau con Chuột (Tí). Không phải vì Trâu bé hơn con Chuột, mà vì nó bị chậm chân khi đến xếp hàng, để Ngọc Hoàng Đại Đế xếp ngôi vị. Đối với người Việt Nam thì con Trâu là một tài sản vô cùng quý giá. Con Trâu là đầu cơ nghiệp. Con trâu chịu khó kéo cày cho người, vì trâu biết người có trí khôn. Ở Trung Quốc, ngày xưa trâu còn là con vật cưỡi của các nhà hiền triết xưa, sử sách từng kể lại rằng, Lão Tử ( -? – 499 Tr.cn) đã cưỡi con trâu xanh để đi du hành sang phía Tây.
Ở Việt Nam, thì tại các vùng dân tộc ít người, nhất là ở vùng Tây Nguyên hằng năm thường có lễ hội đâm Trâu để cúng Giàng, để tế thần linh. Giết Trâu không phải là ghét trâu mà là người dân ở đây quan niệm làm như thế là để chuyển hóa Trâu thành người giúp việc cho thần linh thay cho con người. Con Trâu là vị thuốc quý, từ thịt của con trâu có thể làm ra vị thuốc Ngưu giao ẩm, vị Ngưu xỉ, hay Ngưu khẩu tần. Thịt trâu còn là là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, Trâu trở thành một trong các linh thủ trong tâm thức người Việt thể hiện qua bộ tranh “Nhất dương phúc lộc điền” (cánh diều no phúc lộc).