Trở về ký ức tuổi thơ

28/09/2015 10:09

Theo dõi trên

Đó là cảm giác của những ai tham gia tour du lịch đến Vàm Nao mùa nước nổi. Đối với những người từng có tuổi thơ gắn bó với miền sông nước, những ký ức đẹp năm nào cứ miên man tràn về khi được tự tay cùng nông dân đổ dớn, dở lọp tép, lọp cá lóc, dở chà, soi ếch… rồi thưởng thức “chiến lợi phẩm” của chính mình. Cái cảm giác phiêu diêu, thanh bình cứ lâng lâng, khác xa sự ồn ào nơi phố thị…


Lạc giữa dòng sông

Sông Vàm Nao là đoạn nối lớn nhất giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp huyện Chợ Mới và Phú Tân. Nơi đây nổi tiếng với các loài cá đặc sản như: Bông lau, cá cóc, cá sửu, cá tra dầu, cá hô… Tuy nhiên, vào mùa nước nổi, Vàm Nao cũng chỉ đơn giản như những nơi ngập nước khác khi người dân chủ yếu khai thác cá linh, cua đồng, tép bạc, ốc bươu, chuột, ếch cùng bông súng, bông điên điển… Và chính sự bình dị ấy lại làm nên nét đáng yêu của du lịch Vàm Nao mùa nước nổi.

“Nhà báo có muốn đi Vàm Nao không? Lần này chúng tôi đưa những anh chị là lãnh đạo các công ty du lịch, đơn vị lữ hành đến trải nghiệm thực tế Vàm Nao vào mùa nước nổi để giới thiệu với du khách” – anh Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng bộ phận Marketing – Trung tâm Du lịch nông nghiệp An Giang, đề nghị. Tôi từng tham gia tour du lịch đến Vàm Nao ban đêm để săn cá bông lau, rồi lênh đênh cùng ngư dân đánh bắt các loại cá đặc sản khác vào mùa khô nhưng chưa đến Vàm Nao mùa nước nổi. Do vậy, lời đề nghị của anh Tùng khiến tôi không thể chối từ.

Chỉ mất khoảng 30 phút đi ô tô từ Long Xuyên lên phà Năng Gù (nối bờ Châu Phú – Phú Tân). Qua phà, di chuyển thêm vài cây số, vừa qua UBND xã Tân Hòa (Phú Tân) là đến đường rẽ vào bến tàu du lịch nông dân Vàm Nao. Mọi phương tiện cơ giới đều bị bỏ lại. Chiếc tàu đưa du khách lênh đênh trên sông nước với hình ảnh những hàng bông điên điển vàng rực hai bên bờ, những giàn bầu “nằm” trên mặt nước, những ruộng ấu bồng bềnh, xanh mướt… Điểm du lịch là một cù lao nằm thoi loi giữa sông Vàm Nao rộng lớn. Vào mùa khô, cù lao này rộng đến 30 héc-ta nhưng khi nước nổi tràn bờ, chỉ còn vài điểm nhô lên khỏi mặt nước. Người ta tận dụng trồng mía cùng một số loại nương rẫy khác, vừa là kế mưu sinh cũng vừa phục vụ cho du khách.

Tự tay khám phá

“Vô đây mà uống yếu cũng đừng hòng chạy nhé. Muốn về phải về một lượt” – anh Tùng “hù dọa” những người đã từng quen biết. Mà quả vậy, giữa cù lao mênh mông này, chỉ có một chuyến tàu duy nhất đưa rước cùng một đoàn khách. Thôi thì tạm gác mọi công việc lại, cứ thoải mái thả hồn vào thiên nhiên một ngày xem sao.

Tham gia dự án du lịch nông dân nhiều năm, gia đình ông Phan Văn Hổ (tám Hổ) tỏ ra khá thành thục trong khâu phục vụ khách. Trên cù lao mới, ông được hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng khu nhà sàn, vừa là nơi phục vụ ăn uống, tổ chức tham quan du lịch, vừa là nơi nghỉ dưỡng khi khách có nhu cầu. Phía trước nhà sàn, Trung tâm Du lịch nông nghiệp đã đầu tư mua chiếc bè phao của một doanh nghiệp ở Châu Đốc. “Chiếc bè phao này được đổ bê tông chắc chắc, có thể nổi lên xuống theo con nước và chịu được tải trọng rất lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ cải tạo lại bè phao, có thể phục vụ cùng lúc hơn 100 khách, có phòng nghỉ cho khách ở qua đêm” – anh Tùng chia sẻ.

Trong khi chưa cải tạo, chiếc bè này giống như cầu phao giúp tàu cập bến, dẫn vào nhà tám Hổ. Từ đây, khách được đưa lên xuồng để cùng đi khai thác thủy sản. Lần đầu tiên tự tay đổ dớn trên sông, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh, không giấu được cảm xúc: “Lâu nay thấy cá linh bán ngoài chợ, mình mua rồi kêu người ta lặt sẵn mang về nhà chế biến chứ không biết cá được khai thác như thế nào. Khi mình kéo đú dớn lên, cảm giác cứ nằng nặng, rồi đổ cá ra thau, nhìn cá nhảy xôi xối thích lắm. Đây sẽ là trải nghiệm mà những du khách thành thị sẽ rất muốn tham gia”. Còn với anh Nguyễn Phú Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Du lịch - Công ty Cổ phần Du lịch An Giang, loại hình du lịch nông dân này cứ gợi nhớ tuổi thơ. “Hồi còn nhỏ, mình cũng đi đặt dớn, giăng lưới, giăng câu, đặt lọp bắt cá. Lâu lắm rồi mới có lại được cảm giác tham gia hoạt động này. Đây chắc chắn là điều ai cũng muốn tìm lại khi đã từng có tuổi thơ gắn bó miền sông nước” – anh Phúc chia sẻ.

Sau khi đi khai thác về, cá linh được cho vào lẩu mắm cùng với bông điên điển, rau muống, bông súng, chuột đồng được khìa vàng ươm, cá rô phi chiên xù, ốc hấp tiêu, cua luộc… Thưởng thức các món đồng quê giữa cù lao lộng gió, nhâm nhi xị đế ấm nồng thì không còn cảm giác thi vị nào bằng…
“Đối với khách ở lại ban đêm còn có thể ngồi xuồng đi soi ếch rồi nướng mọi nhậu luôn. Đây là loại hình du lịch dành cho những người thích khám phá miền sông nước, hòa mình với thiên nhiên. Chúng tôi sẽ tăng cường liên kết với các công ty du lịch, đơn vị lữ hành để đưa khách tham gia du lịch mùa nước nổi, vừa phục vụ khách, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân” – anh Tùng thông tin.

Theo  NGÔ CHUẨN (Tin Tức Miền Tây)

Bạn đang đọc bài viết "Trở về ký ức tuổi thơ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.