Triệu Đà trong sử học Việt Nam thế kỷ XX

06/08/2018 01:25

Theo dõi trên

Triệu Đà lưu dấu ấn ở cả hai thái cực, sự bành trướng của đế chế phong kiến và sự thu hẹp biên giới. Người Hoa nhớ đến ông như một viên quan cứng đầu, người Việt tưởng nhớ ông như một anh hùng vĩ đại chống lại nhà Hán..

Trong bài Triệu Đà và 76 năm sống trên đất Việt đăng trên trang mạng Di sản văn hóa hoàng thành Thăng Long ngày 21-8-2013 có tác giả đã viết: “Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam khẳng định Triệu Đà là một nhân vật có thực và đã dành riêng một chương để chép về kỷ nhà Triệu, trong đó Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) được xem là người khởi lập một triều đại mới trên đất nước ta.

Đương nhiên, chúng ta không thể chấp nhận quan niệm sai lạc của các nhà sử học phong kiến trước đây khi coi nhà Triệu là triều đại mở đầu nghiệp đế vương của đất nước, nhưng với 76 năm sống trên đất Việt (từ 213 đến 137 trCN), có thể khẳng định rằng nhân vật Triệu Đà sẽ vẫn còn để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa của dân tộc ta”. Trong khi đó hàng loạt chứng cớ khoa học xã hội và nhân văn vẫn coi Triệu Đà là vị vua khởi thủy của cộng đồng Bách Việt.

 

Như vậy, nhận thức về nhân vật Triệu Đà trong nghiên cứu lịch sử hiện đại vẫn tiềm ẩn những ý kiến chưa thống nhất trong nhìn nhận đánh giá. Đây cũng là hệ quả một cái nhìn lệch lạc trong giáo trình lịch sử ở các cấp giáo dục và đào tạo. Song chính danh Triệu Đà với cương vị là vua xưng vương, lập quốc hiệu ở cuối thời Hùng vương, đồng thời với các tiểu vương quốc cổ đại Đông Nam Á đã và đang hình thành lớn mạnh với những kết luận chuẩn xác, có cơ sở khoa học khó bề chối cãi.

Sách Đại Nam quốc lược sử của Alf red Schreiner viết bằng tiếng Pháp - bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Nhàn - in năm 1905 tại 37 đường Bangkok, Saigon đã viết: “Vua An Dương thắng trận đoạn, bèn gồm Văn - Lang với Ba - Thục làm ra một nước riêng, cùng cải quốc hiệu là Âu - Lạc.

Theo lời ông Legrand de Liraye nói rằng, hiệu Âu Lạc này rút trong hai tên chi phái Âu - Việt với Lạc - Việt mà làm ra. Chuyện An Dương khởi công trước hết nơi tân quốc mình là lập ra một kinh đô, đặt tên Loa Thành (thành xây có hình khu ốc) hay là Tư - Long thành, còn người Tầu lại kêu Côn - Lôn thành, bởi vì vách luỹ nó cao lắm.


Khi An Dương tu bỗ và gồm xứ Giao Chỉ về một mối, thời lúc ấy bên Tàu đức hoàng đế Tần - Thỉ  cũng làm cho Trung Quốc ra nhứt thống. Đức hoàng đế oai vang nầy hủy tuyệt nơi chư hầu, diệt Đông Châu, xây Vạn Lý trường thành, cùng lưu danh phiền trách về chuyện phần thư thanh nho (năm thứ 213 trước Giáng Sanh).

Cũng là vua Tần Thỉ ấy, khi người trị đặng tám nước bên Tàu, người lại tính chiếm các nước phú hậu ở hướng Nam nữa. Sử Tàu nói người sai một đạo 300.000 binh (?) qua xâm lấn xứ Âu Lạc lại binh đó mộ ròng quân quang côn cùng bất tài trong nước. Đạo này thắng số và xem ra cường đảm lắm, song như một đám cả thể con người chào rào, nghinh ngang khôn nghiêm tề, nên dể mà thất trận. Nhưng vậy, đức hoàng đế Tần Thỉ một ít lâu lại muốn đánh nữa. Chuyến này một đạo khác đông hơn 500.000 (?) qua chỉnh phạt vua An Dương. Hai tướng Nhâm - Ngao với Triệu - Đà thống quản binh Tàu. Tranh chiến với nhau mấy năm, hao binh nhiều mà chưa dứt. Đến sau Tần - Thỉ - Hoàng yến giá, Nhâm - Ngao cũng tiên du. Còn một mình Triệu - Đà ở lại đánh mà thôi, sau hết, tướng ấy chiếm đặng mấy tĩnh ở phía Bắc, song về lập binh cơ đồ trận, về liệu lý khéo léo cùng giặc, nên giao hòa với An - Dương - Vương, lại thượng công vua ấy cho con mình là Trọng - Thủy.

Dẫu vậy, Triệu - Đà vẫn chưa dứt lòng tham. Nhân lúc ấy bên Tàu nhà Tần suy, trong nước loạn lạc, nguyên nhung Triệu - Đà dung dịp ấy mà xung tự quân, đoạn dấy binh đánh nhạc phụ con mình, không tỏ cớ chi, cũng chẳng vì lời thề hòa ước và tình ngãi sui gia với nhau. Vua Âu - Lạc khi ấy đã niên cao kỉ tưởng, bị thất vài trận, cùng thế, ngã lòng rủn chí, bèn giết công nương mình là vợ Trọng Thủy, rồi nhảy xuống biển mà tự vận (năm 206 trước Giáng Sanh). Còn chàng phò mã chiếch bạn, rầu rĩ khôn nguôi, hồi tị việc nước, đoạn chẳng bao lâu củng hại mình mà chết.

Nhà Triệu

Rầy thần khí đã mản rồi, cũng như sự chư hầu lớp trước vậy, là đều bó buộc các chúa với nhau, để cho mấy vị ấy tự trị, song có khi cho đại vương một quyền hẹp hòi lắm.

Ta muốn kể ra một sự tích nhà vương cần mẩn thế nào cho dân chúng trong việc chấp chánh, cùng trong sự giáo huấn; song rủi cổ sử Tàu, cũng như truyện tây xưa vậy, nói tinh chuyện đâm chém, giết sát, hủy hại, một hai khi thuật việc tôn thất, ít thấy nói cách vua chúa giáo dân, không gặp đều chế độ gia quốc, lại càng chẳng thấy bao giờ thuật cách ăn ở, bề tấn thối các nhơn hội làm sao. Đó là chuyện một gia quyến kia, chẳng phải là chuyện lê ngươn mà sử lưu lại đâu.

Triệu Võ Đế 
(207 - 136). Triệu - Đà khắc thiệp bèn nhập Âu - Lạc lại với mấy tỉnh đã lấy trước, mà làm ra nước Việt Nam, người xưng là Triệu Võ Đế, trị nước từ năm 207 cho tới 136 trước Giáng Sanh. Tân quốc chẳng phải xứ Giao Chỉ mà thôi, lại gồm doi đất Liên - Chân cùng cù lao Hải - Nam nữa.” Trên đây là những dòng chữ - chúng tôi trích nguyên kiểu viết, cách dùng từ - của tác giả trong Khoản thứ nhất: Bắc Kỳ. Tiếp đến Khoản thứ hai: Trung Kỳ là Nhà Triệu (tiếp theo): “Đây ta đả tới lúc Trung - Kỳ gần kể vào sử. Nên ta trần tỏ một đôi lời.

Phần đất chạy dài phía Đông theo biển, phía Tây theo rặng núi là một dây bề hoành không đặng rộng, có nhiều dãy núi nhánh cùng núi dọc từ chánh dái sơn mà xuống biển. Địa cuộc riêng ấy làm cho xứ nầy phân ra nhiều sơn nhàn tử cùng đoản giang hà, chỗ có cây cối diềm dà, chỗ lại cang địa theo triền núi, tùy đất tốt xấu. Một ít chốn đất khó trồng lắm, còn khắp nơi phải dầy công mới đặng, lại mấy đường nước dể thông thương, thời là khúc lối gần bải biển mà thôi. Thuở truyện nói đến đây, trong sử An - Nam kêu miền ấy là Lâm - Ấp, và Chiêm - Ba nữa. Xứ đó có dân kia ở, mà đã biệt tích rồi, lại xem ra khác xa thứ dân trong truyện đã kể cách một ít đời sau, và chúng ta gọi là Chàm, bởi tên đặt lúc hậu nhựt là Chiêm - Ba.

Nói về Triệu Vỏ Đế, khi chưa làm chúa tể đặng xứ ấy một mình, người đã tính chiếm nước Lâm - Ấp mà mở nước ra cho rộng hơn. Người khiển binh qua đánh thắng nước nầy và lấy cho tới cửa Hàn (năm thứ 206 trước Giáng - Sanh). Trong truyện không nói chính vì đứng thắng trận có thân chánh phần đất mới thuộc quốc này chăng, hay là người dạy du nạp theo lệ thường mà thôi. Song có một điều nên ý chỉ, là sau khi chiếm cứ xong, thì hơn mấy đời sử không còn nhắc đến truyện đất Lâm - Ấp nữa; sự như vậy làm cho ta tưởng miền ấy ít người ở, hoặc có dòng dõi nào cư trú ở đó, song ít địch khái, lại hay biết xa lánh chuyện tranh giành luôn.

Khi vua Triệu - Vỏ - Đế chinh chiến xong về, người bèn lập kinh đô tại Phiên - Ngu trong tỉnh Quảng Đông. Tại chổ chánh phần trị đó người tiếp sứ Tàu của đức Cao đế (nhà Hán - TSH) đem sắc hiệu An Nam quốc vương qua phong cho người.

Đây là lần thứ nhứt, truyện dùng hiệu An - Nam (nghĩa là cỏi Nam thái bình) của nước Tàu đặt ra thuở ấy mà kêu xứ Giao - Chỉ, lại từ đó về sau nó làm tên nước.

Cách phong vương cho một chúa nào tự trị, như ta mới nói đây, xem ra sái lẽ hằng. Song như nhớ đến những lúc phân phiền năng sanh trong Trung Quốc đời ấy, và trí quen ưa mộ chư hầu chẳng hay dứt, thời để cho ai nấy hiểu, khi có một vì thái thú nào thấy mình được thế quyền mạnh mẽ một chút, bèn tự chuyên cùng xưng vương đặng. Người ta cũng biết, hễ ở ngôi vua hữu ích mà nhìn biết mình là chư hầu lịnh thiên tử, sự ấy không bó buộc chút chi trong vụ cầu phong, là sự ủng hộ một ít khi có mấy vị quan khác tranh giành.

Vua Triệu - Vỏ - Đế vừa trị đặng hai mươi năm, kể năm 183 trước Giáng - Sanh, bà Lử - Hậu bên Trung Quốc, khi ấy cũng đã lên ngôi được hai năm rồi, ra lệnh cấm các chợ nơi giáp giái, không cho bán đồ bằng sắt, cùng một ít vật khác cho người xứ Nam - Việt. Vua Triệu tưởng hoặc giả đò nghi ngờ, rằng sự nghịch như vậy bởi một hai vì quan đại thần nào tại triều đức hoàng hậu mà ra, lại nhứt là nghi cho vua đất Trường Sa, Là chư hầu Trung Quốc. Đặng báo thù sự sỉ nhục như vậy, Triệu Vỏ Đế đam binh đánh vua ấy và lấy mấy xứ thuộc về người. Đức nử vương Lử - Hậu có sai một đạo binh qua giao phong với vua Triệu (năm 180 trước Giáng - Sanh), song binh đó chịu không nổi khí trời nóng nực mùa hè, nên phải binh An - Nam phá vỡ tan vở tan dể lắm.               

Vua Văn - Đế lên kế ngôi cho đức nữ hoàng Lử - Hậu, người làm hòa với Triệu Vỏ Đế, là một đằng vương tướng tài trí cùng khải huồn luôn; đến sau vua nầy trị nước lâu lắm, nhơn dân an cư lạc nghiệp, cho tới năm 136 trước Giáng - Sanh, sử nói người hưởng thọ 121 tuổi mới thăng hà. Người trị quốc đặng 71 năm.

Văn Vương
 (136 - 124) - Hồ là con Trọng - Thủy, cháu đích tôn vua Triệu Vỏ Đế, lên nối ngôi, xưng là Văn Vương. Vua nầy chẳng đặng tư chất, tài lành như vương tổ phụ mình. Vả chăng đó là thứ luật ngoại trừ, ghe phen làm cho kẻ hậu duệ các đứng anh danh phải vương vấn, luật ấy chẳng thửa lệ chung chỉ sự tuyển dưởng giống tốt, của các đấng thông thái luận về nhơn dân sanh tấn, song nó không làm cho giảm lực lệ ấy đặng.” Và “Tuy vua Triệu - Vỏ - Đế gốc Tầu mặc lòng, song người đã làm cho nước Nam ra một cỏi riêng và tự trị; còn vua Văn Vương với ba vua kế vị là Minh Vương (124 - 112), Ai Vương (112 - 111), Thuật Vương (111) bởi chẳng giữ gìn cùng tu bổ nước nhà cho ra bền vững hơn, lại ăn ở ơ hờ, sơ lược, không lo hiểu biết việc sau, nên hóa như sắm sữa cho nước An - Nam nhập về Trung Quốc.”(1)

Thể hiện sự thận trọng khi biên soạn tài liệu khoa học lịch sử, khi viết bài Tựa tác giả Alf red Schreiner nêu chính kiến: “Sách ta đã chép ra chẳng phải về một bực người mà thôi, nó để cho thảy thảy. Những đứng yên hào các nước, các dòng các đời đồng như nhau, mấy thiện công đều lưu hậu thế, lại như có lâm vấp chuyện hư hèn – vì nhân loài khôn tuyên hảo – thì cũng phải tỏ cáo nó nữa, ngỏ cho khỏi tái phạm ngày sau.”(2)Cách dùng từ và câu văn còn in đậm dấu ấn ngôn từ của những năm đầu thế kỷ, nhưng đọc lại trang sử xưa viết về Triệu Đà, người nay còn có thể nhận thức sâu xa. Song, tác giả đứng ở thời điểm ấy mà nhìn nhận hình thể địa lý hành chính Việt Nam khá đầy đủ là “Xứ người An Nam ở ngày nay, nhiều kẻ văn chương có họa ra một hình tạc người, như cái gánh kia vậy, một đầu thuộc miền sông Nhỉ Hà (Bắc Kỳ), đầu kia miền sông Khong (Nam Kỳ), còn đòn gánh là nước An Nam chánh hiệu, hay là Trung Kỳ.”(3) Và “Phía bắc có một dãy núi cách nước Tàu ra, nghĩa là tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông cùng nhiều gò sủng không có tên chung.”(4) Phải đi “hơi vòng” như vậy là vì Alf red Schreiner đã quan sát, khảo cứu và miêu tả đúng thực tế, nhưng trong cái đúng cổ thời lại qui chiếu nhân vật, sự kiện cổ thời theo địa danh hiện đại là sai. Khi nghiên cứu lịch sử nhà Triệu dứt khoát phải đặt đối tượng trong bối cảnh xã hội khu vực cuối thế kỷ III đến những năm đầu thế kỷ II trCN phải ghi chú rõ ràng hơn nữa về địa danh lịch sử tương ứng với đời sống con người. 

Năm 1920, Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược. Trong quyển I, cuối phần Thượng cổ thời đại ông cũng dành hẳn chương IV NHÀ TRIỆU (趙氏 207 – 111 Tr. Tây lịch) và nêu rõ bảy chủ điểm nhà Triệu. Khác với Alf red Schreiner tác giả Đại Nam quốc lược sử 15 năm trước, văn quốc ngữ dưới ngòi bút sử gia Lệ Thần trau chuốt hơn, câu văn gọn, trong sáng.Vì thế, tính cách vua Triệu Đà nổi bật: “Vũ vương vốn là người kiêu căng, có ý không muốn phục nhà Hán, khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết kiến Vũ Vương, Vũ Vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp. Lục giả thấy vậy mới nói rằng: “- Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích đều ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không làm lễ thụ phong, Hán đế tất là tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua, rồi đem quân sang đánh thì nhà vua làm thế nảo? Vũ Vương nghe lời ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: “Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán đế!”

Như thế chân dung của vị vua Nam Việt được khắc họa rõ nét hơn nhiều. Đặc biệt, Trần Trọng Kim là sử gia hiện đại đầu tiên nêu nội dung hai bức thư trao đổi giữa Hán Văn Đế và Triệu Vũ Đế. Thư của Hán Văn Đế gửi Triệu Đà tỏ rõ thái độ nhún nhường nhằm thu phục vị vua Nam Việt “Trẫm là con trắc thất (= vợ thứ) vua Cao Đế, phụng mệnh ra trị nước, vì non sông cách trở, thẹn mình phác lậu, cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua.” Sau khi kể công xây dựng lăng mộ tổ tiên, hậu đãi anh em họ của Triệu Đà ở Chân Định, vua Hán nêu chính kiến: “Thế mà vừa rồi trẫm nghe nhà vua còn đem binh quấy nhiễu ngoài biên, quận Trường Sa thực khổ, mà Nam Quận lại còn khổ hơn. Làm như thế nước nhà vua có chắc lợi được một mình không? Tất là tướng tá quân sĩ chết nhiều, làm cho vợ người góa chồng, con người mồ côi bố, cha mẹ mất con, được một mất mười, trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy. Vả lại, được đất nhà vua cũng không lấy làm to, được của nhà vua cũng không đủ làm giầu. Vậy từ phía nam núi Ngũ Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng là đế quốc mà không sai sứ giao thông, thế chẳng hóa ra là ganh nhau ư? Ganh nhau mà không nhường, thì  người nhân không thèm làm. Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ điều cũ, từ nay trở đi, thông sứ như xưa.”

Đọc bức thư quan trọng ấy Triệu Đà viết thư trả lời: “Lão phu nguyên là một  quan chức đất Việt, Cao hoàng đế đã ban ấn ngọc tỷ cho làm vua nước Nam Việt, làm phiên thuộc ở cõi ngoài, giữ lệ triều cống. Hiếu Huệ hoàng đế lên ngôi tình nghĩa không dứt, vẫn hậu đãi lão phu. Đến khi Cao Hậu trông coi việc nước, thân gần bọn nhỏ nhen, tin dùng đám sàm bang, phân biệt đối xử với “mường rợ” ra vẻ nội Hoa, ngoại di, hạ lệnh cấm không được bán cho Nam Việt những đồ vàng sắt và điền khí; còn ngựa, trâu, dê thì chỉ bán cho giống đực, chứ không bán cho giống cái.” Lão phu sống đã lâu ở đất Việt, nay tuổi cao; tự nghĩ nếu không sắm lễ vật cúng tế tổ tiên, thì tội thực đáng chết, mới sai các quan Nội sử (內使) là Phan (潘), quan Trung úy (中尉) là Cao (高), quan Ngự sử (御史) là Bình (平), dâng thư tạ lỗi, nhưng đều không thấy trở về. Lại nghe tin đồn phần mộ của cha mẹ lão phu bị đập phá, anh em họ hàng đều bị giết. Vì vậy, quan thuộc của lão phu bàn nhau rằng: "Hiện bên trong không nổi danh phận với nhà Hán, bên ngoài không lấy gì để đề cao danh chính với các nước khác. Vậy phải đổi xưng đế hiệu, tự lập Hoàng Đế nước mình, không dám làm điều gì xúc phạm đến thiên hạ. Cao Hoàng Hậu nghe tin cả giận, tước bỏ sổ sách của Nam Việt, khiến cho việc sai người đi sứ không thông. Lão phu trộm ngờ là vì Trường Sa Vương gièm pha, cho nên mới đem quân đến đánh biên giới. Vả “Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, giờ đã có cháu rồi, nhưng sớm khuya vẫn trằn trọc, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui là vì không được vinh danh nhà Hán. Nay bệ hạ nghĩ đến, tôn phục lại hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão phu ghi ơn, hết đời vẫn nhớ. Vậy xin đổi tước hiệu, không dám xưng Đế nữa. Kính cẩn sai sứ giả dâng một đôi ngọc bích trắng, 1.000 bộ lông chim trả, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, 1 giỏ cà cuống, 40 đôi chim trả sống, 2 đôi chim công.”(1)

Tổ tiên xa xưa của Triệu Đà là người Bách Việt; khi trưởng thành thì di duệ tộc Triệu của ông đã bị nhà Tần thôn tính; đến mức gần như một thành phần dân tộc trong đại gia đình Hán hóa. Triệu Đà nhập thế, làm quan võ của nhà Tần, rồi được Tần Thủy Hoàng bổ nhiệm làm huyện lệnh Long Xuyên, quận Nam Hải do Nhâm Ngao làm Quận uý. Triệu Đà lập nên nước Nam Việt, độc lập với nhà Tần. Nam Việt đương thời có khoảng 1.300.000 người, trong đó có gần 100.000 người Hoa di cư từ phía Bắc xuống. Song, người Hoa nắm giữ hầu hết những địa vị chủ chốt trong triều đình Nam Việt. Đương nhiên một vài người bản xứ có trình độ văn hóa như Lữ Gia cũng được dự phần vào diễn trình lịch sử (Xem lại ý này). Như thế bước đầu quá trình Hán hóa đã biến nhà Triệu thành một bộ phận của người Hoa, không coi người Việt là ngang hàng với người Hoa. Vì vậy, nhà Triệu là một triều đại, một giai đoạn lịch sử gây nhiều tranh luận cho giới nghiên cứu sử học Việt Nam.  Có điều các sử gia đầu thế kỷ XX không thể vượt qua được là chỉ thuần túy nói theo sách cổ khi người Việt đã bị người Hán chiếm đoạt cả danh thực, địa thực;và khẳng định điều đó trên diễn đàn chính trị hàng ngàn năm. Cứ mỗi khi có dịp viết về Triệu Đà các tác giả đời sau lại lấy vị trí địa lý theo lát cắt đồng đại mà qui chiếu, không ai chỉ ra rằng, Phiên Ngung, Chân Định thời Triệu Đà khi xưa cũng là đất của người Bách Việt, và chính Triệu Đà cũng là người Bách Việt, vẫn mang bầu máu nóng của tiên tổ. Biên giới lãnh thổ quốc gia ngày nay đã trải qua rất nhiều biến động lịch sử, mỗi quốc gia đều vui vẻ chấp nhận một địa phận cư dân có nhiều sắc tộc cùng chung sống, cùng có một quốc tịch, nhưng không ai có quyền xóa bỏ thực tế lịch sử. Thành tựu khoa học của địa lý, địa chất, thư tịch học và sinh học di truyền ngày càng làm sáng tỏ những bằng chứng không thể bác bỏ nguồn gốc tổ tiên của mỗi tộc người. Trải những bước thăng trầm lịch sử, những bộ phận người Bách Việt bị Tần hóa, Hán hóa cứ xa nhau dần, tản mác dần theo các thủ lĩnh mới của các tiểu vương quốc, đã và đang hình thành ở châu Á khoảng thế kỷ X đến thế kỷ VI trCN Ngay ở những trang viết của Trần Trọng Kim về vương triều nhà Triệu cũng nói lên điều này: “Triệu Văn Vương vốn là người tầm thường, tính khí nhu nhược, không được như Triệu Vũ Vương. Khi mới lên làm vua được hai năm, thì vua nước Mân Việt (tỉnh Phúc Kiến bây giờ) đem quân sang đánh phá biên thùy ở nước Nam Việt. Triệu Văn Vương không dám cử binh mã ra chống cự, sai sứ sang cầu cứu nhà Hán.”(1)Từ sự chú giải không rành mạch như thế, người đời sau tiếp nhận tư liệu thư tịch ứng với địa danh mới mà quy kết nhận thức “địch – ta.” Sự thật khi Triệu Đà chống lại, thoát ra khỏi sự đô hộ của nhà Hán để xưng vương thì lúc đó chưa có địa danh Trung Quốc, Việt Nam cũng như nhiều địa danh khác mới hình thành theo dấu chân di chuyển, định cư của các dòng họ, nhóm người. Địa danh Chân Định nay còn lưu cả ở Trung Quốc và Việt Nam là cách ghi nhớ công lao khai mở đất đai của người Bách Việt. Ngay từ khi còn tại vị ở dương thế, Triệu Đà đã khẳng định chủ quyền địa vực cư trú của một bộ phận di duệ người Bách Việt trên bước đường mở rộng địa bàn sinh tụ. Người đã kinh lý đến miền đất mới theo đường ven biển vào các cửa biển, các triền sông lớn - rất có thể là sông Hồng nay còn vết tích đậm - đến các miền: Xuân Quan (Hưng Yên) Cựu Tự (Bắc Ninh), Quang Minh, Phú Lương (Hà Nội) v.v… Trên thực địa tại đường thủy này, lúc bấy giờ vua quan, tướng sĩ Triệu Đà đều có thể xuôi hay ngược đều thuận lợi. Ở Đồng Xâm (Thái Bình) thần tích và truyền thuyết khẳng định nhà vua đã lấy một người vợ thứ họ Trình là người làng.

Khi Tần Thủy Hoàng chết, đế chế Tần bị mọt ruỗng từng mảng. Bốn quận mới thành lập ở phía Nam, dần bị chia rẽ, thoát khỏi sự quản lý và kiểm soát của nhà Tần. Đông Việt và Mân Việt ở quận Mân Trung nổi dậy chống lại, nhằm phục hồi hoặc lập thành các tiểu vương quốc. Năm 206 TrCN, nhà Tần bị tiêu diệt. Nhâm Ngao và Triệu Đà âm mưu cát cứ Nam Hải. Trước khi chết, Nhâm Ngao cho mời Triệu Đà đến Phiên Ngung trị sở của quận Nam Hải (nay thuộc Quảng Châu, Trung Quốc) giao cho Triệu Đà thay mình thống trị quận Nam Hải. định quận Nam Hải, Triệu Đà giữ các cửa ải và chặn các đường giao thông từ bắc xuống, diệt trừ những quan lại nhà Tần còn tỏ ý chống đối và thay bằng những người thân cận trong dòng tộc, cùng phe cánh. Biên cương bờ cõi tiếp tục được mở rộng. Trên đà tốc thắng, Triệu Đà đánh chiếm luôn cả hai quận Quế Lâm và quận Tượng, thành lập nước Nam Việt và tự xưng là Nam Việt Vũ Vương, lấy Phiên Ngung làm kinh đô. Tiểu vương quốc Nam Việt của nhà Triệu chính thức ra đời. Năm 183 trCN, Triệu Đà tự xưng quốc hiệu độc lập Nam Việt Vũ Đế, không chịu thần phục nhà Hán và đẩy mạnh các hoạt động mở rộng  lãnh thổ. Đây là giai đoạn phát triển cao nhất trong ý tưởng khôi phục những miền đất của cư dân Bách Việt đã bị các thế lực liên minh bộ tộc tiên khởi Tần, Hán lấn chiếm trước đây.

Truyền thuyết dân gian ở Cổ Loa còn kể, khi đánhAn Dương Vương,Triệu Đà đi thuyền ngược sông Hồng, chiếm đóng các bến sông, tràn sâu vào địa bàn có dân cư trú. Ở cuối làng Dâu - còn có tên khác là làng Lực Canh – dân làng chỉ chuyên việc cắt cỏ chăn nuôi ngựa chiến, khuân vác, phục vụ hậu cần cho quân đội. Triệu Đà đóng đại bản doanh tại đầu làng Văn Tinh (nay thuộc xã Xuân Canh), Thạc Quả (nay thuộc xã Dục Tú) - nay đều thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội; giáp ranh với ngã ba Dâu - nơi hợp lưu của sông Đuống và sông Hồng…Tất thảy các vùng đất ấy nay vẫn thờ Triệu Đà. Đình Văn Tinh được coi là điểm thờ chính còn các điểm vệ tinh khác chỉ là nơi thờ vọng. Lễ hội làng Văn Tinh được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 hàng năm để tưởng nhớ vua Triệu Đà. Ngày 7 tháng 3, nhân dân làng Lực Canh rước tượng Trọng Thủy đến làng Văn Tinh người ta vẫn giải thích đây là “hành động hội” biểu trưng ý nghĩa con về thăm cha.

Từ đầu thế kỷ XX trở đi, các bậc tri thức, Nho sĩ yêu nước có tư tưởng cách mạng đã nêu lên chính kiến của mình về nhân vật lịch sử Triệu Đà. Trên tạp chí Nam phong, số 160 – tháng 3 năm 1931 Đặng Xuân Viện viết: “trCN 2.000 năm Triệu-Úy- Đà đã xuất hiện (…) Khen thay Triệu- Úy - Đà lớn mật, chức huyện lệnh xuất quân mà trí đủ thừa cơ nhà Tần loạn mà tự lập, lại đủ khuất được uy nhà Hán mà tự cường, sức mạnh đủ khuất được uy nhà Âu - Mân mà khống chế được muôn dặm. Vả đánh nước Thục không phí một mũi tên một hòn đạn mà cũng tranh chiến được giang sơn, đó chẳng phải là bậc anh hùng tạo thời thế đấy dư! Tạo thời thế tất phải có tài năng mưu lược, có tri thức thấm được thời thế rồi sau mới tạo được thời thế; như Triệu- Úy- Đà thật là thiên cổ vĩ nhân. Vả trước xưa nước ta họ Kinh Dương vương, họ An Dương vương đều xưng vương, nhưng đến Triệu- Úy- Đà mới nghiễm nhiên tự xưng hoàng đế, thế thời cái huy hiệu hoàng đế đã xuất hiện ở nước ta mà không đáng kính chúc không đáng sùng bái hay sao?”Lấy tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, miêu tả hình dáng vua Triệu Đà “tóc búi tó”, “ngồi xổm” khi tiếp sứ nhà Hán tại cung nhà, Đặng Xuân Việnkhẳng định: “Tự đấy vua Triệu uy thanh chấn động cõi Nam, phía bắc có Mân Việt (nay tỉnh Phúc Kiến) nước Đông Âu (nay tỉnh Chiết Giang) đều là con cháu Việt vương Câu Tiễn (勾践) vẫn là phiên thần nhà Hán, nay phải hàng phục vua Triệu thống kế nước Nam Việt, quản lĩnh địa hạt từ tây sang đông gần một vạn dặm, nghiễm nhiên thành một nước đế quốc ở Á Đông.” (1) 

Như vậy, có thể Triệu Đà đã rút bài học kinh nghiệm từ Việt Vương Câu Tiễn (越王句踐 - 496 - 465 TrCN) vua nước Việt của cư dân Bách
 
Việt hơn 300 năm trước (bao gồm các miền đất nay thuộc Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô). Sau khi Doãn Thường qua đời, Câu Tiễn nối ngôi, Ngô Hạp Lư cất quân đến đánh. Câu Tiễn dàn quân thành ba hàng ngang, cử người quyết tử ra khiêu chiến, áp sát trận tuyến quân Ngô, kêu thét ầm ĩ, rồi dung lao kiếm tự đâm vào cổ, thu hút sự chú ý của quân Ngô. Lợi dụng cơ hội ấy, Câu Tiễn thúc quân tiến đánh. Quân Việt đại thắng ở thành Huề Lý. Quân Ngô bỏ chạy về nước. Ngô Hạp Lư bị thương nặng, trước khi chết dặn con là Ngô Phù Sai phải nhớ báo thù. Ngô Phù Sai ngày đêm luyện quân sĩ, sau ba năm lại đưa quân đánh Việt để trả thù. Câu Tiễn đón đánh, Phạm Lãi can ngăn nhưng Câu Tiễn không nghe, xem thường lực lượng quân Ngô, bị thua to ở Phù Tiêu, phải đưa 5.000 quân còn lại trốn vào núi Cối Kê. Khi bị bao vây ở đây, Câu Tiễn bí kế mới hỏi Phạm Lãi. Phạm Lãi khuyên ông dùng lời lẽ khiêm nhượng, lấy lễ hậu để lấy lòng vua Ngô; nếu vua Ngô không chịu thì phải thân hành đến hầu hạ.

Câu Tiễn nghe, sai Văn Chủng cầu hòa. Ngô Phù Sai tỏ ý thuận thì Ngũ Tử Tư chặn lại.Quân Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục nước Việt như trước.Mười năm sau, nước Việt trở nên hùng mạnh. Việt vương Câu Tiễn đưa quân lên trung nguyên giao tranh với hai nước Tề, nước Tấn.

Đầu năm 483 Tr.CN, Ngô Phù Sai tập hợp các nước chư hầu ở Hoằng Trì, tranh quyền bá chủ với nước Tấn. Giữa lúc ấy, vào khoảng tháng 6, quân Việt vương Câu Tiễn đánh chiếm được nước Ngô. Thế tử Ngô Hữu bị bắt sống và đã tự sát. Ngô Phù Sai phải mang của cải sai sứ sang giảng hòa với Việt vương Câu Tiễn rồi tự vẫn không đầu hàng, Câu Tiễn sai chôn Ngô vương tử tế và giết thái tể Bá Hi phản chủ. Sau khi đã bình định được nước Ngô, Câu Tiễn đem quân về hướng bắc, vượt sông Hoài cùng các nước chư hầu Tề, Tấn họp ở Từ Châu, cống nộp nhà Chu. Chu Nguyên Vương ban chức bá cho Câu Tiễn là Việt vương.

Việt vương Câu Tiễn lấy đất cạnh sông Hoài trả cho nước Sở. Trả nước Tống, nước Lỗ dải đất ở phía đông sông Tứ do nhà Ngô chiếm đoạt trước đây. Quân Việt làm bá chủ ở phía đông sông Giang, sông Hoài. Chư hầu xung quanh đều vui mừng gọi Câu Tiễn là bá vương. Sau cái chết của Tây Thi, Phạm Lãi bất bình,viết thư từ biệt Câu Tiễn bỏ đi ở ẩn. Phạm Lãi gửi thư về cho đại phu Văn Chủng. Văn Chủng nhận được thư nhưng không tin. Câu Tiễn cầm kiếm đến gặp Văn Chủng và nói:"- Nhà ngươi đã dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô, quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi. Nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thuật ấy với tiên vương xem sao !" Văn Chủng im lặng. Câu Tiễn ra về. Văn Chủng biết ý vua Việt muốn sát hại mình nên đã tự sát. Sử ký Tư Mã Thiên nhận định: “Câu Tiễn nhọc công, khổ xác, cuối cùng tiêu diệt được nước Ngô mạnh, phía bắc cho quân vào xem Trung Quốc để tôn nhà Chu, được danh hiệu bá vương. Câu Tiễn chẳng đáng gọi là hiền sao! Đó cũng là cái vinh quang sót lại của vua Vũ vậy. Phạm Lãi ba lần dời chỗ ở, đều nổi tăm tiếng để lại đời sau. Vua và tôi đều như vậy, thế nào mà chẳng vinh hiển?”
 
Năm 1941 trên báo Tri tân, số ra ngày 26 Decmbre nhà nghiên cứu Lê Văn Hòe có bài Sử ký chép lầm hay quốc sử chép không đúng? có đoạn: “Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử ký là một sử gia sanh vào thời vua Hán Văn Đế, nghĩa là ngang với đời Triệu Đà tức là sau đời vua Hùng Vương những 2000 năm.”(1)Huỳnh Thúc Kháng đã phản biện bài của Lê Văn Hòe, tác giả viết: “Đời Hán Văn Đế ngang với đời Triệu Đà thì đúng, vì Văn Đế với Triệu Đà có cống sứ và thơ từ qua lại, sứ Tàu và sứ ta còn chép rõ ràng. Còn nói “đời Tư Mã Thiên sanh vào thời Văn Đế ngang với đời Triệu Đà là lầm. Sau lại thêm câu như đinh đóng: “Vả chăng trước đời Hán Văn Đế (tức là đời Tư Mã Thiên). Và “Trong khoảng 70 năm, về cái đời Triệu Đà làm vua đất Việt đó, bên Hán triều chưa có Tư Mã Thiên, có chăng đời Văn Đế, có cha Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, mà Tư Mã Thiên mới đẻ mà thôi. Vì theo sử Hán, Tư Mã Thiên xuất đầu nối nghiệp cha làm sử mà toàn là đời Hán Võ Đế mà nửa phần sau ( hiệu Nguyên Thủ về sau     chớ Triệu Đà chết năm Kiến Nguyên thứ tư đời Hán Võ Đế kia, sao gọi Tư Mã Thiên ngang với đời Triệu Đà được?

Nói tóm lại, nói Sử ký và đời Tư Mã Thiên, chỉ vào đời Hán Văn Đế và Triệu Đà mà không nói ngay rằng đời Tư Mã Thiên là đời Hán Võ Đế là lầm. Vì cái đời Tư Mã Thiên và lịch sử ông ta thuần là đời Hán Võ Đế, chớ không chút gì dính dáng với đời Văn Đế và Triệu Đà.”(2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong diễn ca Lịch sử  nước ta (1942) cũng khẳng định nhà Triệu là một triều đại trong lịch sử của dân tộc Việt:

Triệu Đà là vị hiền quân,
 
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời (1)

Sau cách mạng tháng Tám, trong chương trình Quốc gia giáo dục của nước Việt Nam dân chủ công hòa do học giả Trần Nguyên Hãn biên soạn, áp dụng cho tới đầu thập niên 1960, nhà Triệu cùng nước Nam Việt vẫn được ghi là nhà nước chính thống của dân tộc Việt Nam. Năm 1954, khi miền Bắc Việt Nam được sống trong hòa bình, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong Lời dặn của giám đốc nha giáo dục phổ thông in đầu sách Sơ thảo lược sử Việt Nam của Minh Tranh rằng: “Hiện nay việc dạy sử Việt Nam tại các trường học gặp nhiều khó khăn, vì chúng ta còn thiếu một bộ sử Việt Nam viết theo quan điểm duy vật lịch sử.”(2)Và ngay ở phần thứ nhất, Từ xã hội cộng sản: nguyên thủy đến năm 906, tác giả khẳng định: “Chiến tranh chống xâm lược nhà Tần (214-trước công lịch)-Nhà nước Âu-lạc xây dựng lên được 30 năm, thì triều đình nhà Tần phái Đồ-Thư đến xâm lấn.” Và: “Mưu toan chinh phục Âu-Lạc của bọn chư hầu nhà Tần ở quận Nam- hải đã nung nấu từ lâu, nhưng mãi tới 207 trước công lịch mới thực hiện được. Khi Triệu - Đà đã cướp lược Âu-Lạc thì y sáp nhập Âu-lạc vào quận Nam- hải và đặt tên nước là Nam-Việt. Giữa lúc ấy thì triều đình nhà Tần cũng đang suy yếu, nên Triệu-Đà xưng đế. Sau khi nhà Tần bị tiêu diệt thì nhà Hán lên ngôi. Triệu-Đà lại thần phục nhà Hán và tự hạ xuống xưng vương. Nam Việt tuy gồm cả Nam-hải và Âu-lạc nhưng triều đình của Âu-lạc đóng đô ở Phiên- ngung (thuộc về Quảng - đông ngày nay) không sao với tay tới được Âu-lạc. Cho nên họ Triệu chỉ có thể bóc lột bằng cách cống nạp. Và ở Âu-lạc kẻ trực tiếp bóc lột nhân dân vẫn là những lạc hầu, lạc tướng và bồ chính, tức là những chủ nô trong hệ thống gia trưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ. (…) Triều đình họ Triệu cần thức gì, cần bao nhiêu người ở Âu-lạc lại tróc vào bọn chủ nô ở đây. Sự bóc lột bấy giờ tiến hành theo kiểu bắt cống nạp mà không phải là bóc lột trực tiếp.”(1)  Tuy mới chỉ là lược sử, nhưng tinh thần cơ bản của bộ sách ba tập có vị trí mở đầu chương trình đào tạo sử học Việt Nam hiện đại. Minh Tranh kết luận: “Xã hội Âu – lạc dưới sự thống trị của họ Triệu từ 207 đến 111 trước công lịch vẫn chỉ có thể là xã hội chiếm hữu nô lệ theo lối gia trưởng.” (2)  

Tuy nhiên, từ giữa những năm 1946 -1957, sử gia Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam đã phê phán sử cũ và coi Triệu Đà là “giặc ngoại xâm” mở đầu thời kỳ Bắc thuộc, dẫn đến phủ nhận vị trí vương triều nhà Triệu. Ông viết: “Đối với nhân dân Nam Việt thì Triệu Đà cũng chỉ là kẻ thống trị ngoại tộc thôi. Sau đó Triệu Đà thần phục nước Âu Lạc, diệt An Dương Vương, chia đất Âu Lạc làm hai quận bắt thống thuộc vào nước Nam Việt, như thế thì đối với nhân dân Âu Lạc, Triệu Đà là kẻ địch ngoại xâm thôi.”(1) Và “lịch sử của nhà Triệu ở nước Nam Việt không thể nằm trong phạm vi của lịch sử Việt Nam.”(2)Đương nhiên những học trò của ông khi trở thành những nhà sử học có danh tiếng sẽ tiếp nhận,   phát triển nghiên cứu khoa học theo hướng chỉ dẫn đó. Ý kiến của ông thành quan điểm chính thống của giới sử học Việt Nam hiện nay. Năm 2005, khi nhà   sách Đông Tây in lại Lịch sử cổ đại Việt Nam con trai tác giả là nhà nghiên cứu Đào Hùng đã viết:

“Công trình đó được ông tiếp tục hoàn thiện vào những lần xuất bản sau trong năm 1957. Nhưng vào thời đó, khảo cổ học Việt Nam chưa hình thành, mà chủ yếu vẫn phải dựa vào những công trình của các học giả Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, nên vẫn chịu ảnh hưởng theo thuyết thiên di của người Việt từ phía bắc xuống lưu vực sông Hồng. Do vậy mà một số lập luận hồi đó đến nay không còn thích hợp, vì chưa có những bằng chứng khảo cổ học minh chứng tính chất bản địa của văn minh sông Hồng.”


Từ khi trường đại học Việt Nam tách thành hai trường Tổng Hợp và Sư Phạm (1956), hai tập thể cán bộ giảng dạy khoa sử của hai trường mới từng bước xây dựng giáo trình Lịch sử Việt Nam vẫn theo quan niệm của Đào Duy Anh. Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam của Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn cho nhận thức đúng “Với sự phát triển của sức sản xuất, nhất là với sự phát triển của việc chế tạo kim loại, chế độ công xã nguyên thủy dần dần tan rã, đã có sự tích lũy tài sản và phân biệt giầu nghèo. Nếu xã hội Âu-lạc được phát triển một cách bình thường thì tất nhiên sẽ đi đến chỗ thành lập một nhà nước nô lệ. Nhưng năm 179 trCN Âu-lạc bị Triệu Đà chinh phục…” Ở đây, hai tác giả có hé mở một cách nhìn nhận hơi khác “cụ Đào” bởi câu “Dưới ách dung dưỡng để thống trị của Triệu và Tây Hán, bướcđi của xã hội Âu- lạc chậm chạp, sự sản xuất do nô lệ chưa hề đóng vai trò chủ đạo, cơ cấu xã hội vẫn mang nặng tính chất nguyên thủy”(1) Và “tổ chức chính quyền mới của bọn xâm lược Triệu Đà đã bước đầu phân chia cư dân theo khu vực. Nhưng tất nhiên tổ chức cũ theo huyết thống còn tồn tại dai dẳng khá lâu.”(2) Song chính các tác giả lại kết tội Triệu Đà là “bọn xâm lược.”

Nguyễn Cảnh Minh trong giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam viết “Âu Lạc là một quốc gia hùng mạnh, có cung tên lợi hại, có thành Cổ Loa kiên cố, dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương và các tướng, nội bộ đoàn kết, nhân dân ủng hộ và quyết tâm chiến đấu đã đánh bại quân Triệu, bảo vệ được quốc gia độc lập, tự chủ.”(1)

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu và trên thực tế hiện vật khảo cổ trái ngược, bởi xung đột giữa “hai tiểuquốc” chưa thể có “quốc gia độc lập, tự chủ” như các nhà nước phong kiến tập quyền sau này. Cuộc chiến đó là đỉnh cao của mâu thuẫn nội bộ khi sự tiến bộ xã hội đã đặt ra nhu cầu liên minh bộ lạc, tiến tới sự ra đời của nhà  nước sơ khai. Trong phạm vi địa bàn cư trú rộng lớn của người Việt, lần đầu tiên đánh nhau với Âu Lạc, Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), sau một hồi giao chiến An Dương Vương thua trận bỏ chạy; vẫn là những chi tiết sinh động nói lên cuộc chiến Triệu Đà -An Dương vương là xung đột nội bộ người Bách Việt. Triệu Đà mưu kế giảng hòa, cho con trai cầu hôn con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. An Dương Vương cả tin theo phong tục tốt đẹp của những bộ phận người Việt với nhau, kết thông gia bỏ qua mọi thù hận “lập ranh giới từ sông Bình Giang (tên cổ là sông Đuống) trở lên phía Bắc thuộc quyền cai trị của Triệu Đà, trở về phía Nam thuộc quyền cai trị của An Dương Vương. 

Do yêu cầu phát triển xã hội đương đại, đòi hỏi liên minh bộ lạc-mà hình thức cao hơn là bước đầu xóa bỏ các tiểu vương quốc đã hiện diện – Triệu Đà sai con do thám bí mật về bố phòng quân sự của Âu  Lạc, hành động quân sự xóa “tiểu triều” Âu Lạc, bỏ  qua mọi dư luận, mọi quan hệ giữa xã hội và gia đình nội ngoại tộc, tiếp tục tiến hành âm mưu thôn tính nhằm hợp nhất một hình thức liên minh bộ tộc lớn hơn, thành lập Nam Việt với quy mô rộng lớn, quân hùng tướng mạnh. Tiếc rằng các thế hệ con cháu ông đã sớm hưởng lạc thỏa mãn, không thường xuyên rèn luyện ý thức độc lập dân tộc, không chú trọng xây dựng quân đội thường trực đủ vững chắc…nên để đất nước lại rơi vào vòng đô hộ của kẻ xâm lược nước ngoài. Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt là chuyện nội bộ nước Việt, nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam thời cổ. Nhà Triệu mất là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Nước Nam Việt bấy giờ: phía tây đến Dạ Lang và Câu Đinh, phía nam đến dãy Hoành Sơn,  phía Bắc giáp với nhà Hán, phía đông đến Mân Việt. Lưu Bang đã lập được nhà Tây Hán (202 trCN), thu phục được Hạng Vũ, bình định Trung Nguyên, đối phó hòa hoãn với nước Nam Việt để từng bước đồng hóa các tộc người ở trung nguyên theo cách cuốn chiếu từ từ chậm diễn.

Câu chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu trở thành bài học lịch sử nhắc nhở tinh thần cảnh giác nói chung, nó phản ánh mối quan hệ gần giữa các bộ phận khác họ trong một cộng đồng tộc người, trong một cộng đồng dân cư của một lãnh địa phong kiến sơ kỳ, chứ không phải quan hệ “quốc thể” như khá nhiều nhà sử, nhà văn quy kết nhìn nhận vấn đề lịch sử theo vị trí địa lý hiện đại. Truyền thuyết thì đại đồng tiểu dị, sách cổ ghi lại truyền thuyết còn thận trọng xếp vào phần “dã sử” hoặc “ngoại kỷ” khi chưa có khoa học khảo cổ, di truyền… để giải trình hiện tượng. Sáng tác văn học như Chuyện nỏ thần (1982) của Tô Hoài thì được quyền phóng tác theo thuộc tính thể loại, nhưng hình tượng điển hình lại dễ lan tỏa sâu rộng. Vì thế, nhận thức lệch chuẩn về Triệu Đà nói riêng và vương triều nhà Triệu nói chung cần thiết phải được chiêu tuyết.

Sau thất bại của An Dương Vương, Triệu Đà đã tiến hành sáp nhập toàn bộ đất đai Âu Lạc vào nước Nam Việt và chia Âu Lạc ra làm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân đặt dưới sự thống trị của chính quyền Nam Việt ở Phiên Ngung đương thời vẫn còn thuộc địa bàn cư trú của người Bách Việt. Cũng như hầu hết các tiểu vương quốc – tức sơ khai hình thành tổ chức nhà nước – những vùng đất cổ nay thuộc Trung Quốc hay Việt Nam, Myanma hay Thái, Lào…chưa có địa chỉ thuộc các quốc gia như ngày nay. Chính sách cai trị cơ bản của Triệu Đà và cả năm đời nhà Triệu còn rất lỏng lẻo, chủ yếu là thực hiện chế độ thu thuế theo mô hình cống nạp. Không phải ngẫu nhiên các tài liệu thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam đều chép Triệu Đà và chính quyền nhà Triệu đã hòa nhập tương đối nhanh với đời sống của người Việt, thực thi nhiều chính sách và biện pháp khôn khéo nhằm tranh thủ các thủ lĩnh người Việt , gây dựng lại hậu phương vững chắc trong tinh thần Bách Việt. Triệu Đà tự xưng là “Man Di đại trưởng lão phu”, lấy vợ Việt, sống theo phong tục tập quán Việt, lập lại nguyên mẫu một thủ lĩnh, hình ảnh một tù trưởng của người Việt tiền thân. Nhà Triệu lập quốc, chính ngôn chống nhà Hán tương đối mạnh, thể hiện rõ thái độ tự chủ, không phụ thuộc triều đình nhà Hán. Triệu Đà trở về với cội nguồn tổ tiên Bách Việt sau mấy thế hệ bị Hán hóa, bị mất đất; gây dựng lại được vương triều nhà Triệu là một điểm lịch sử chói rọi mãi mãi trong tâm tư tình cảm của các thế hệ người Việt.

Ngày nay hậu duệ của tất cả mọi cộng đồng tộc người đều đã được xác định thành phần dân tộc ở mỗi quốc gia sở tại. Bộ phận người Việt là một thành phần dân tộc ở nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng như bộ phận người Hoa là một thành phần dân tộc ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có quyền hướng về nguồn gốc tổ tiên của mình để thờ cúng, lễ bái.

Đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc đồng chủng giúp cho giai cấp thống trị thấu hiểu tình dân, loại bỏ xung đột vũ trang, hướng tới an ninh chính trị, sống trong hòa bình, giữ vững nền độc lập quốc gia mà lịch sử loài người đã dựng nên xã hội văn minh rực rỡ. Đúng như nhà sử học người Mỹ đã ghi nhận trong sách Việt Nam thời dựng nước: “Triệu Đà được thờ cúng ở nhiều địa phương miền Bắc Việt Nam. Quốc gia Nam Việt của ông khuyến khích những sáng tạo trong nhiều thế kỷ. Ký ức về Nam Việt tạo cảm xúc cho những người chống đối địa phương không thể cưỡng lại việc tự mình xưng là vua Nam Việt.

Triệu Đà lưu dấu ấn ở cả hai thái cực, sự bành trướng của đế chế phong kiến và sự thu hẹp biên giới. Người Hoa nhớ đến ông như một viên quan cứng đầu, người Việt tưởng nhớ ông như một anh hùng vĩ đại chống lại nhà Hán.. Ông là vị vua cuối cùng được nêu tên trong truyền thuyết cổ đại Việt Nam. Việc ông sở hữu móng rùa thần thể hiện tính hợp pháp của ông trong tâm trí người Việt và giải thích sự kế thừa ngai vàng An Dương Vương.” (1)
 
-------------------
 
Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB. Tân Việt, H, 1926
 Nam phong tạp chí 1917 – 1934, DVD rom, Viện Việt học, USA, 2009  
 Nam phong tạp chí 1917 – 1934, DVD rom, Viện Việt học, USA, 2009  
Huỳnh Thúc Kháng, Toàn tập, Nxb. Đà Nẵng , 2010      
Văn học yêu nước và cách mạng ở Cao Bằng, Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 2008, tr.120 
Minh Tranh, Sơ thảo lược sử Việt Nam, Bộ giáo dục, Nha giáo dục phổ thông xuất bản, H, 1954
Minh Tranh, Sơ thảo lược sử Việt Nam, Bộ giáo dục, Nha giáo dục phổ thông xuất bản, H, 1954
Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam,Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2005
Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H, 1960
Trương Hữu Quýnh – Đinh Xuân Lâm – Lê Mậu Hãn, Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H, 2003
Alf red Schreiner, Đại Nam quốc lược sử - bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Nhàn – Xuất bản tại 37 rue de Bangkok, Saigon năm 1905
Kieth Weller Taylor, The  Birth of Vietnam, University of California, USA, 1983

Trương Sỹ Hùng

Bạn đang đọc bài viết "Triệu Đà trong sử học Việt Nam thế kỷ XX" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.