Gặp ông tại phòng tranh, ông vui “ra mặt”. Ông khoe mới có người đến mua tranh, rồi có khách còn dặn dò ông cẩn thận, nhớ là để tranh cho họ. Ông là người làm việc “khỏe” có tiếng xưa nay, nhưng ở tuổi ông, thời gian đâu mà ngoài thơ, báo, văn, ông còn vẽ tranh. Trần Nhương thâm trầm, phân bua: “Có gì đâu, tranh tôi vẽ nhanh ấy mà. Tôi cảm giác vẽ tranh sướng lắm. Nó không giống viết văn, làm thơ. Tranh không phải qua khâu trung gian nào để xuất bản. Mình vẽ ra, không ai mua, không triển lãm thì treo lên ngắm. Sướng lắm”.
Trong lời thưa, ông khiêm tốn: “Tôi là người không được đào tạo bài bản về nghệ thuật hội họa nhưng đam mê thì có sẵn. Những năm đi lính tôi vẽ kí họa về đồng đội và những chiến trường đi qua, bẵng đi một thời gian, vào thập kỉ 90 thì mê đắm vẽ.
Đúng vậy, như cái tên Thi hứng, người xem có thể nhận ra được cảm xúc thi ca trong hội họa. Những cảm xúc lạ, bồng bềnh, đớn đau chỉ có thể xuất hiện trong thi ca, nhưng nay được ông “bê” đặt vào tranh. Tranh Trần Nhương đề cập nhiều đến thế giới hiện đại, đến công nghệ thông tin, đến giới trẻ “4.0”. Ông nói, đa số các họa sĩ như kiểu chỉ muốn quay về vẽ cái xưa, mà chưa thấy “thành tâm” vẽ về cái bây giờ, cái hiện đại, công nghệ thông tin, tâm lý, tính cách giới trẻ. Ông đã vẽ, như là sự “dấn thân”.
Thời đại này, nay tôi vẽ nude là chuyện bình thường, chứ không có gì là “to tát” hay giật gân gì cả. Nude để toát lên vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là phụ nữ. Đó là vẻ đẹp, như đã nói là vẻ đẹp trời cho. Tôi cứ vẽ những gì mình suy tư, ai gọi tôi là gì thì gọi, ai nói gì thì nói. Gọi tôi là “ông già sexy” cũng được. Nói xong, Trần Nhương cười lớn.
Lời phát biểu của nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều tai lễ khai mạc triển lãm tranh Trần Nhương: Trước hết xin chúc mừng họa sĩ, nhà thơ Trần Nhương đã triển lãm cá nhân lần thứ 3. Và tôi nghĩ rằng lần thứ 3 ông lại đi trên con đường mới, lại tạo ra một thế giới mới. Trước đó khi chưa nhìn những bức tranh này tôi không thể tưởng tượng cái thế giới của ông như thế nào. Họa sĩ Trần Nhương trong tôi vang lên câu rằng đó là một người tự do. Đó là một người tự do ! Ông tự do trong tiểu thuyết, tự do trong thi ca, tự do trong Trannhuongcom và trong hội họa.
Mỗi con đường của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ đều quan trọng cho dù phải băng qua một cánh đồng, vượt qua một dòng sông hay leo qua một đỉnh núi. Ở đấy trong những bức tranh của Trần Nhương trong cách nhìn của tôi bé bỏng, của một nhà thơ tôi nhận thấy ông là một người hoàn toàn Tự do, tất cả màu sắc của ông đều tự do, tất cả đường nét của ông đều tự do trong bức tranh là câu chuyện tự do. Điều đó cần thiết hơn lúc nào hết trong sự sáng tạo trong thời đại chúng ta. Tự do, nếu không có điều đó chúng ta sẽ trở thành một kẻ hèn kém, không có khả năng làm nở ra bất kì một bông hoa nào, dù là bông hoa dại trên bức tường đầy bóng tối của đời sống này.
Và tôi nghĩ cá nhân tôi cũng như các anh chị sẽ đón nhận một thế giới của Trần Nhương trong hội họa đồng thời tìm ra một thế giới trong tâm hồn, mở những cánh cửa, mở những trang vô tận…
Một lần nữa xin chúc mừng nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương, xin chúc mừng ông đã mang lại cho chúng ta, cho cá nhân tôi một nghị lực tinh thần phi thường và Tự do không mệt mỏi trong sáng tạo và trong sự đúng đắn, trong vẻ đẹp, trong đời sống của chúng ta quá nhiều phiền muộn và mệt mỏi.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng: Lần này, dự buổi khai mạc phòng tranh Thi hứng III của anh, tôi thấy một cảm giác ngộp thở. Ngộp thở vì người nhiều, hoa nhiều và tranh nữa. Tranh nhiều và ngồn ngộn sắc màu, ngồn ngộn sức sống, sức cảm thể hiện ra từng mảng màu sắc, từng nét vẽ, từng tác phẩm của anh. Tôi cũng định trở lại phòng tranh một lần để cảm nhận trong tĩnh lặng…
Nhưng trước hết, tôi cảm nhận được lòng yêu đời, yêu mình, yêu người và sức làm việc của anh thật đáng nể.
Nhà văn Quách Liêu: Bận đi Yên Bái, hôm nay mới về xem triển lãm tranh Thi hứng III của thi, họa sỹ Trần Nhương. Phòng tranh rất sống động, ca ngợi bản năng phồn thực con người. Lời đề dẫn của tác giả có câu rất lý thú: Thích gì vẽ đấy. Đúng ra, theo thành ngữ Việt Nam, phải là “Thích gì vẽ nấy”, tiên sinh lại dung chữ “ất” - Bái phục.