Triển khai nhiều hoạt động và giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống

23/02/2024 08:39

Theo dõi trên

Nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực di sản văn hóa đã được nêu ra tại Báo cáo Kết quả 02 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

tai-xuong-1708652353.jpg
Ảnh minh họa

Cụ thể, trong thời gian qua, chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Công tác kiểm kê, xếp hạng di tích được quan tâm.

Công tác quy hoạch, khoanh vùng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích; công tác tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích được đẩy mạnh. Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình thí điểm đầu tư, hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ một cách bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong chương trình phát triển quốc gia và địa phương nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương được quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó, bước đầu đã và đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình hoạt động liên quan khác.

Việc xây dựng tạo lập không gian, môi trường văn hóa lành mạnh được quan tâm, triển khai thực hiện tương đối hiệu quả. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, như: Then, Sli, Lượn, múa sư tử... được bảo lưu, trao truyền và phát triển thông qua các lễ hội, các hội thi, hội diễn, các hội nghị, chợ phiên.

Việc thành lập, duy trì, phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội, văn nghệ truyền thống được quan tâm. Các câu lạc bộ vừa góp phần nuôi dưỡng, phát huy tinh thần, nhiệt huyết, niềm đam mê, đáp ứng nhu cầu giao lưu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, vừa là điểm sáng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì, nhân rộng và lan tỏa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các di sản văn hóa có nguy cơ mai một được triển khai hiệu quả. Công tác bảo lưu, truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa trong cộng đồng, gia đình, nhà trường bước đầu được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Việc tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, chủ thể văn hóa có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai, thực hiện kịp thời. Qua đó đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, khơi dậy nhiệt huyết, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, khát khao cống hiến của các nghệ sĩ, nghệ nhân trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.

Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Triển khai nhiều hoạt động và giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.