Trạng Quỳnh: Từ danh sĩ đất Bắc đến giai thoại dân gian

09/04/2019 14:51

Theo dõi trên

Tìm về Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhà thờ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Là cảnh làng quê yên bình với ao sen, rặng dừa rủ bóng lên mái ngói rêu phong. Vẫn dăm gian nhà ngói giản tiện, đơn sơ và thanh bần như chính cuộc đời của Trạng.

Dẫu chỉ vậy, cũng đủ để dẫn dụ hậu thế theo dòng liên tưởng về người xưa tích cũ và hiểu hơn về một Trạng Quỳnh vang danh thiên hạ.

“Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham thiên hạ vô tam”

Trước khi nhắc đến Trạng Quỳnh, người viết bài xin dành sự mến mộ và cảm phục cho một người mà nay đã thành người thiên cổ: cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền (1929 - 2004) - hậu duệ đời thứ 8 của Trạng Quỳnh (Nguyễn Quỳnh). Ông được biết đến khi từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong ngành xuất bản và nổi danh với các tác phẩm viết về đề tài lịch sử dành cho thiếu nhi: Nhụy Kiều tướng quân (viết về Bà Triệu); Sao Khuê lấp lánh (viết về Nguyễn Trãi)... và khảo luận, biên soạn bộ sách dày dặn với tên gọi: “Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh, truyện Trạng Quỳnh” trong thời gian 20 năm. Để khi đến với bạn đọc, từ những giai thoại dân gian lưu truyền, truyện Trạng Quỳnh đã thực sự tạo nên một cơn sốt trong ngành xuất bản nước nhà với 18 lần tái bản. Không những thế, cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền còn thể hiện sự tâm huyết khi lần lượt dịch in tác phẩm ra bốn thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Nga... Để truyện Trạng Quỳnh, từ những giai thoại dân gian về một nhân vật “Trạng” do dân phong, sống vắt ngang qua hai thế kỷ XVII - XVIII đến với bạn bè năm châu. Ngày 2/5/1988, trong cuộc gặp và nói chuyện với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi tác giả Nguyễn Đức Hiền tỏ ra lo lắng vì “chỉ tiếc hiện nay ở quê cháu trong ba gian nhà thờ đều không còn để lại di tích gì có giá trị vật chất chứng minh đấy là di vật của ông Quỳnh” thì cố Thủ tướng lại cho rằng “Tôi nghĩ, không nhất thiết như thế. Cái có giá trị nhất là sự công nhận của nhân dân và bút tích gia phả dòng họ đồng chí (Nguyễn Đức Hiền) từ mấy đời nay. Lịch sử là gì? Đó là thời gian cộng với dân phải không nào? Từ mấy thế kỷ, từ ngày cụ Quỳnh mất đến nay người ta vẫn nhắc đến con người ấy, đến Trạng Quỳnh và kể chuyện Trạng Quỳnh, đâu phải là chuyện ngẫu nhiên”.

 


Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhà thờ Nguyễn Quỳnh.

Tìm về Di tích lịch sử văn hoa Quốc gia nhà thờ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa). Là cảnh làng quê yên bình với ao sen, rặng dừa rủ bóng lên mái ngói rêu phong. Vẫn dăm gian nhà ngói giản tiện, đơn sơ và thanh bần như chính cuộc đời của Trạng. Dẫu chỉ vậy, cũng đủ để dẫn dụ hậu thế theo dòng liên tưởng về người xưa tích cũ và hiểu hơn về một Trạng Quỳnh vang danh thiên hạ.

Từ những tài liệu chữ Hán còn lưu giữ tại gia phả dòng họ Nguyễn ở xã Hoằng Lộc, tháng 12/1985, Giáo sư Hà Văn Tấn đã mang đến cho người Việt yêu mến truyện Trạng Quỳnh những thông tin xác đáng về chân dung một con người: Nguyễn Quỳnh!

Theo đó, Nguyễn Quỳnh, còn có tên là Thưởng, hiệu là Ôn Như, tên thụy là Vĩ Hiên (1677 - 1748). Ông sinh ra trong gia đình nhà nho đông anh em có truyền thống hiếu học ở làng Bột Thượng (nay là xã Hoằng Lộc). Thuở niên thiếu đã rời quê nhà bôn ba khắp nơi cùng cha và ông nội làm nghề dạy học. Với tinh thần ham học hỏi, tư chất thông minh và vốn sống phong phú, Nguyễn Quỳnh đã bộc lộ văn tài rất sớm khi mới 14 tuổi đã tự mình làm văn. Và 20 tuổi đã đỗ Giải Nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương). Tuy vậy, con đường khoa cử của ông sau đó lại không hề thuận lợi khi liên tục hỏng thi tại các kỳ thi Hội. Để duy trì cuộc sống và trách nhiệm của người trụ cột gia đình, Nguyễn Quỳnh đành rẽ ngang sang con đường dạy học để nuôi mẹ và các em. Tuy vậy, khát vọng kẻ sĩ trong lòng người con làng Bột Thượng vẫn luôn thôi thúc ông khẳng định mình qua các kỳ thi.

Cũng giống như con đường khoa cử, sự nghiệp làm quan của Nguyễn Quỳnh dường như cũng chưa bao giờ là sự dễ dàng. Kinh qua nhiều vị trí, từ huấn đạo rồi viên ngoại lang ở Bộ Lễ, tu soạn Viện Hàn lâm... thì cuộc sống của ông vẫn là sự thanh bần. “Cứ như gia phả thì chức tu soạn là chức quan cuối cùng trong đời Nguyễn Quỳnh. Chúng ta biết rằng, thời bấy giờ, nhất là trong khoảng từ Dụ Tông đến Hiển Tông, các quan có thể dùng tiền để leo lên. Chẳng hạn, năm 1740, đời Ý Tông, các quan văn võ từ Lục phẩm trở xuống cứ dâng 500 quan tiền thì được thăng một bậc. Trong khi đó, Nguyễn Quỳnh văn “phú quý giật lùi”. Vì ông nghèo, hiển nhiên. Nhưng cũng vì ông ngang và bất cần. Hẳn thế”. Và từ tài liệu gia phả và nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn thì cuộc đời quan lộ của Nguyễn Quỳnh về cuối đời đã bị biếm truất (giáng chức): “Rõ ràng ông đã bị biếm truất mà gia phả không muốn chép lý do. Thời đó, việc biếm truất đều do chúa Trịnh quyết định. Hẳn ông đã có những việc làm hay lời nói trái ý chúa”.

Và từ đây người ta cũng dễ hiểu, trái ngược với tiếng tăm của ông lưu truyền trong dân gian là sự ít ỏi, mờ nhạt về tài liệu cuộc đời làm quan, di sản văn phú của Nguyễn Quỳnh để lại. Có phải chăng đã có sự can thiệp tác động của người đứng đầu chính quyền phong kiến thời bấy giờ?

Tuy vậy, trong số rất ít di sản văn chương còn sót lại, chỉ hai bài phú của Nguyễn Quỳnh được chép trong tập “Lịch triều danh phú” cũng đủ khẳng định cho một tài năng. Hai bài phú “Kim bạch tài vật phú; Tần cung phụ nữ” đều lấy đề tài chốn cung đình thời Tần ở phương Bắc. Qua đó, tác giả đả kích sự tham tàn của vua chúa xưa và nỗi oán than, lạnh lẽo của cuộc sống thâm cung của cung nữ. “Các nhà nho thâm thúy không phải vô cớ lôi chuyện xưa ra để tán suông. Nguyễn Quỳnh phê phán vua Tần bạo ngược, tham tài, tham sắc hẳn là muốn lên án vua Lê, chúa Trịnh đương thời”. Và không ít nhà nghiên cứu đồng thuận: “chỉ với những bài văn tế và phú bằng chữ Hán nói trên, vị trí của Nguyễn Quỳnh trong lịch sử văn học cần được đánh giá khác trước”.

Có một thực tế, Nguyễn Quỳnh mặc dù chỉ dẫn đầu kỳ thi Hương (Cống Quỳnh) song đó lại không phải là thước đo để người đương thời đánh giá về tài năng của ông. Dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Tuấn Cung, Tuấn Di, thiên hạ hữu nhị; Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam” (Tuấn Cung, Tuấn Di, thiên hạ chỉ có hai người; Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ không có người thứ ba). Đây cũng là câu nói mà người đời sau tìm thấy trong sách Đăng khoa lục sưu giảng. Điều này có nghĩa: Tuấn Di và Nguyễn Nham thì thi đỗ (Tiến sĩ) còn Tuấn Cung và Nguyễn Quỳnh thì không. Dẫu vậy, họ vẫn được đặt cạnh nhau, như một sự tôn vinh, khẳng định vị trí trong lòng nhân dân.

 


Khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhà thờ Nguyễn Quỳnh.

Giai thoại dân gian vang danh đất Trạng

Nguyễn Quỳnh chỉ thi đậu kỳ thi Hương, nên ông còn được gọi là Cống Quỳnh, đó là sự thực. Nhưng ông lại được hậu thế nhắc đến với danh vị: Trạng Quỳnh. Và dẫu đã mấy trăm năm trôi qua, danh vị Trạng của ông trong lòng nhân dân vẫn vậy, gắn liền với những giai thoại đầy châm biếm đả kích về vương triều vua Lê chúa Trịnh.

Nếu bạn đã đọc 40 truyện Trạng Quỳnh được cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền sưu tầm và biên soạn. Xuyên suốt là tiếng cười đầy châm biếm, giễu nhại và ngang tàng. Dù là đối diện với Hoàng đế nhà Thanh, sứ Tàu hay chúa Trịnh đầy quyền uy... thì đó vẫn là hình tượng một Trạng Quỳnh thông minh tuyệt đỉnh, sắc sảo, làm chủ và chiến thắng mọi tình huống, thậm chí là những “cái bẫy” được giăng sẵn. Và dù ở đâu thì tiếng cười ấy cũng vang lên đầy hào sảng, đứng ở phía nhân dân với đầy đủ sự dân dã, thanh bần của tầng lớp lao động cần lao. Phải chăng vì lẽ đó mà “Trạng” được nhân dân truy phong.

Đó có thể xem là một gợi ý. Tuy nhiên, liệu có một Trạng Quỳnh dân gian đầy sống động trùng khớp với một Cống Quỳnh ở làng Bột Thượng xưa kia? Câu hỏi này đã không ít lần được nêu ra và người ta thậm chí còn thể hiện cả sự hoài nghi về tính chân thực dành cho vị danh sĩ xứ Thanh. Dẫu vậy, cách giải thích của GS Hà Văn Tấn có lẽ là thấu đáo nhất: “Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc đến Trạng Quỳnh, sách vở cũng như chuyện kể đều cho rằng Trạng Quỳnh tức Cống Quỳnh là người thời vua Lê, chúa Trịnh, quê Thanh Hóa, thậm chí còn nói rõ là người Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa. Có bao nhiêu ông Trạng trong văn học dân gian, thế mà chỉ một mình Trạng Quỳnh có thời đại và quê hương được xác định. Rõ ràng không phải là ngẫu nhiên”.

Không phải là sự ngẫu nhiên, vì rõ ràng có một Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh bằng xương bằng thịt sống giữa cuộc đời, sống trong lòng nhân dân. Bằng tài năng, đức độ, phẩm hạnh của mình mà ông được nhân dân suy phong, tôn kính. Và bằng niềm ngưỡng vọng, yêu mến của mình, nhân dân đã gắn ông với những giai thoại mang mầu sắc Trạng, để ông đại diện cho nhân dân trong cuộc chiến với cường quyền, thói hư tật xấu...

Từ vị “Trạng” trong lòng dân, Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh còn trở thành niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nhắc đến đất Trạng, đó chẳng phải là làng Bột Thượng (Hoằng Lộc) rộng hơn là huyện Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa đó thôi. Với những giá trị đã được khẳng định về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của danh sĩ Nguyễn Quỳnh, năm 1990, nhà thờ ông đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Bác Nguyễn Quang Khánh, hậu duệ đời thứ 9 của Nguyễn Quỳnh cho biết: “Nhà cụ (Trạng Quỳnh) rất nghèo, nhưng đó là sự nghèo tiền, nghèo của, cụ mất đi chẳng để lại của cải gì cho cháu con. Nhưng có một thứ tài sản vô giá, đó là nhân cách, tấm gương làm người của cụ, đó chính là niềm tự hào của con cháu dòng họ Nguyễn hôm nay và cả mai sau”. Niềm tự hào của hậu duệ Trạng Quỳnh phải chăng cũng chính là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh!

 
Thu Trang
Theo vanhoadoisong.vn

Bạn đang đọc bài viết "Trạng Quỳnh: Từ danh sĩ đất Bắc đến giai thoại dân gian" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.