
Gần cái chợ nơi mẹ con cậu Quét làm lụng sinh sống có một viên quan lớn nổi tiếng là gia đạo phong nghiêm. Quan có một tiểu thư rất xinh đẹp, vừa độ gả chồng. Biết tiếng, đã có nhiều vương tôn, công tử xa gần mang lễ vật đến dạm hỏi, nhưng quan đều chê không môn đăng hậu đối, không nhận lời đám nào cả. Một đôi người đồng liêu với quan cũng là những danh gia thế phiệt ngỏ ý kết nối thông gia, quan bố đã có ý xuôi, nhưng tiểu thư lại không ưng thuận.
Cô gái biết trò tinh nghịch của chúng, lại thấy anh quyét chợ hiền lành chất phác, thật thà, mặt mũi cũng chẳng đến nỗi nào, nghĩ thương hại, cô lại muốn làm cho bẽ mặt bọn con trai ác độc, nên vui vẻ mở túi đưa trầu cho Quét. Nhình cảnh tượng ấy diễn ra trước mắt, giữa ban ngày ban mặt, bọn trai làng chưng hửng.
- Sách có chữ “Nam nữ thụ thụ bất thân”, sao mày dám bày trò đĩ thõa, tưởng mày kén cá chọn canh thế nào chứ lại phải lòng thằng quyét chợ nghèo hèn! Thế thì cho mày đi với nó! Đi ngay! Từ rày tao cấm cửa.
Quan nhất quyết đuổi cô con gái, mặc dù nhiều người liều mình can ngăn, xin hộ. Tiểu thư cũng không ngờ cha lại đối xử cạn tình cạn nghĩa với mình như vậy, đành khóc lóc, bước ra khỏi cửa. Bà mẹ thương xót, giấu chồng cho con gái ít lạng bạc và vài chiếc quần áo. Tiểu thư ra đi, nghĩ không biết đi đâu, đành liều ra chợ tìm mẹ con anh Quét.
- Chỉ vì tôi cho anh miếng trầu , để anh khỏi bẽ mặt trước lũ trai làng và mọi người mà bố mẹ đuổi tôi bơ vơ khổ sở. Âu cũng là do cái duyên , cái phận. Thôi anh cho tôi về hầu mẹ, hầu anh.
Từ đó, cô tiểu thư đài các ở lại nhà mẹ con anh Quét. Cô và bà mẹ lo việc quyét chợ, chạy ngược chạy xuôi buôn bán kiếm miếng ăn. Có ít vốn đem theo, cô khuyên anh Quét chịu khó học hành và gửi anh sang tận một làng xa có thầy đồ mở lớp. Tháng tháng, cô lo đủ gạo tiền, ăn mặc cho anh. Nhưng anh Quét học hành rất tối dạ. Ông thầy đồ dạy mãi mà vẫn chẳng thuộc mặt chữ nào, đến nỗi thầy phải gọi cô vợ Quét đến bảo:
- Tôi xin chịu chồng cô rồi. Học trước quên sau cả tháng không biết chữ Nhất là gì. Thôi chồng cô lại giả cô.
Trên đường về, hai vợ chồng chẳng nói với nhau một câu. Đến một gốc da, thấy một ông già đang lúi húi mài chiếc răng bừa. Người vợ dừng lại hỏi:
- Thưa cụ, cụ mài cái ấy để làm gì?
Ông cụ ngẩng lên, lau mồ hôi trán đáp:
- Lão phải làm cái kim để khâu áo. Kim nhà không có, mà mua mãi không được.
Hai vợ chồng lại ra đi. Đến chỗ phải qua một chiếc cầu, người vợ cứ đứng lại nhìn dòng nước chảy. Anh Quét sốt ruột, giục vợ:
- Lạ gì nước chảy mà nhìn ngắm mãi? Thôi, về kẻo sắp tối rồi.
- Tôi có ngắm gì đâu. Tôi đang nghĩ đấy chứ. Tại sao chỗ kia sắt mài được thành kim, chỗ này nước chảy đá mòn mà anh thì học mãi không được?
Anh Quét nghe lời vợ, ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
- Tôi hiểu ý nhà rồi. Thôi, tôi không về nữa, tôi trở lại học đây.
Nói rồi chàng Quét chào vợ một câu, xăm xăm trở lại nhà thầy đồ. Anh kể hết câu chuyện của hai vợ chồng và xin thầy cứ dạy nữa cho anh, anh sẽ khổ công gắng sức. Quả nhiên, từ đó anh học rất tấn tới. Chẳng bao lâu, anh học cạn chữ thầy. Lần này, thầy lại gọi vợ Quét tới, bảo:
- Thôi lần này chồng cô tôi giả cô. Tôi không còn chữ để dạy nữa.
(Bài viết sử dụng tư liệu trong Giai thoại các vị Đại khoa Việt Nam – Vũ Ngọc Khánh - Nxb Thanh niên, 2001).