Trần Lực và giấc mơ sân khấu

23/04/2018 23:04

Theo dõi trên

Khi Trần Lực và các học trò của anh ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội gây chấn động tại Liên hoan Sân khấu thủ đô lần thứ hai cuối năm 2016 với việc đưa tới bản dựng mới, hết sức khác lạ hài kịch “Quẫn” của tác giả Lộng Chương, giới sân khấu cũng chỉ tưởng chàng đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim này “chơi” kịch cho vui lúc “phim nhàn”.

Không ngờ đấy là vở diễn báo hiệu cuộc trở về khá táo bạo của Trần Lực để hiện thực hóa giấc mơ sân khấu của anh.
 

Có thể nói tháng 12/2017 vừa qua là “tháng Trần Lực” trên sân khấu thủ đô. Đầu tháng anh cho ra mắt đoàn kịch LucTeam của mình tại Trung tâm Văn hóa Pháp với vở hài kịch “Cơn ghen của Lọ Lem” của nhà viết kịch Pháp Moliere. Cuối tháng, LucTeam tái xuất hiện tại Nhà hát Lớn Hà Nội với vở “Quẫn” có NSND Lê Khanh tham gia diễn xuất. Với hai vở diễn đó, Trần Lực đã đánh dấu sự xuất hiện của một seri kịch khác hẳn với những gì chúng ta đang thấy trên sân khấu Việt Nam, một loại kịch mà Trần Lực tạm gọi là kịch ước lệ, đơn giản, phóng túng và đầy hấp dẫn.
 
Trần Lực nói rằng trong lúc sân khấu đang bị lép vế so với điện ảnh hay truyền hình, anh muốn chứng minh sân khấu vẫn có sự hấp dẫn riêng của nó. Muốn thế, sân khấu không thể đi theo lối mòn “tả thực”  bấy lâu nay mà phải hướng tới phong cách ước lệ của sân khấu thế giới hiện đại. Và ước lệ vốn là đặc trưng quan trọng nhất của sân khấu truyền thống dân tộc ta như tuồng và chèo.
 
Cha là tác giả, đạo diễn chèo nổi tiếng, NSND Trần Bảng, mẹ là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân, thủa nhỏ, Trần Lực cùng thời gia đình sống ở Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội), bên cạnh là 2 Nhà hát Tuồng và Chèo Việt Nam, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống của chèo và tuồng đã in đậm trong ký ức anh.
 
Trần Lực từng có 7 năm theo học đạo diễn sân khấu tại Bulgaria và trong anh lớn dần khát vọng xây dựng một thứ sân khấu kịch nói đậm chất ước lệ như tuồng, chèo, đang là xu hướng chính của sân khấu thế giới hiện đại. Khi về nước năm 1991, Trần Lực đã từng nhiều lần cùng NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh hợp lực tạo dựng một đoàn kịch tư nhân nhưng không thành công, Trần Lực đành bỏ dở giấc mơ sân khấu chuyển sang hoạt động điện ảnh.
 
Với nhiều ưu thế sẵn có, Trần Lực trở thành một diễn viên ngôi sao của điện ảnh và truyền hình, rồi là đạo diễn, rồi lập hàng phim Đông A… Thành công ở điện ảnh và truyền hình, không ai nghĩ Trần Lực lại trở về với sân khấu giữa lúc loại hình này đang ở đáy vực.
 


 
Trần Lực và các học trò của anh ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Nhưng giờ thì Trần Lực đã thực sự trở lại. Đầu tiên là từ Liên hoan Sân khấu thủ đô. Anh khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ khi “Quẫn”, vở hài kịch đầu tiên do anh đạo diễn cho lớp diễn viên kịch nói Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội mang về khá nhiều giải thưởng: vở diễn giành giải bạc, đạo diễn xuất sắc nhất và 2 giải bạc khác cho 2 diễn viên. Nhưng “Quẫn” không chỉ gây ấn tượng ở hội diễn mà còn được  khán giả đón nhận nồng nhiệt. Không ít đồng nghiệp sân khấu khẳng định Trần Lực đã bước đầu thực hiện được một thứ kịch nói dân tộc với phong cách ước lệ hiện đại đầy sức chinh phục mà cha anh, NSND Trần Bảng và nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang từng mơ ước.
 
Một sân khấu kịch không có trang trí sân khấu, không gian và thời gian rộng mở, phục trang không đóng đinh và một thời, một dân tộc. Ngôn ngữ cũng vậy, nhân vật của Moliere cách đây 500 năm và Lộng Chương cách đây hơn nửa thế kỷ có thể nói theo cách trên đường phố hôm nay. Đích của kịch không phải là mô tả hiện thực đời sống mà nêu những bài học nhân sinh. Nhân vật kịch không chỉ diễn lại tấn kịch của con người trong đời sống thực mà còn thoát ra để đánh giá, ca ngợi hoặc giễu nhại chính mình. Kịch không chỉ nói mà còn hát, múa, làm xiếc, làm ảo thuật, tức là tất cả những gì khán giả muốn xem, thu hút được khán giả.
 




 
Một vài cảnh trong vở “Quẫn”

Chính sự tự do, phóng túng của phong cách ước lệ đã làm nên sức hấp dẫn của  “Quẫn” và “Cơn ghen của Lọ Lem”và đã làm nên dấu ấu đậm nét của LucTeam trong tháng ra mắt.  Một đoàn kịch mới với thành phần chính là các diễn viên vừa tốt nghiệp Đại học sân khấu Điện ảnh bước đầu đã thu hút được khán giả thủ đô đến với mình.
 
Tuy vây, giới sân khấu cho rằng trước thực trạng vắng khách của sân khấu như hiện nay, việc Trần Lực lập đoàn kịch là quyết định mạo hiểm. Chính Trần Lực cũng thừa nhận bạn bè đã ngăn cũng nhiều, nhưng LucTeam vẫn ra đời. “Đơn giản là tôi tin vào sức hấp dẫn vốn có của sân khấu. Nếu không thu hút được khán giả thì chỉ có thể giải thích là chúng tôi làm chưa hay, chưa để họ thấy được rằng sân khấu có những giá trị riêng so với điện ảnh hay truyền hình” – Trần Lực nói.
 
Anh cũng nói mình thật hạnh phúc khi bố anh, NSND Trần Bảng, hiểu và ủng hộ anh. Khi biết anh bắt tay làm đạo diễn sân khấu với vở “Quẫn”  theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống, Trần Lực thấy bố anh đã rất vui vì có con trai đã quyết định nối nghiệp mình.
 
Chưa biết LucTeam có được may mắn như tên gọi, có đi được đường dài hay không? Ai cũng biết một mình Trần Lực khó có thể giúp LucTeam thành công như mong muốn nếu người xem, xã hội, các doanh nghiệp, nhất là các cơ quan có trách nhiệm với sân khấu và văn hóa đất nước không sẵn lòng đồng hành cùng anh.
 
Đừng để Tràn Lực và giấc mơ sân khấu kịch ước lệ của anh thành Đông Ki Sốt thời nay.
 
Ngọc Anh/VHVN

Bạn đang đọc bài viết "Trần Lực và giấc mơ sân khấu" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.