"Tình quê 3 - Hương xuân” - Tập thơ thể hiện những rung động của các tác giả trước những hiện tượng đời sống xã hội, nhân sinh

22/03/2024 07:59

Theo dõi trên

“TÌNH QUÊ 3 - HƯƠNG XUÂN” là tập thơ thứ ba của Câu lạc bộ thơ họ Phạm Quảng Ngãi vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ần hành tháng 01 năm 2024. Tập thơ có sự góp mặt của 40 nhà thơ, là con cháu họ Phạm.

img-4845-1711015196-1711069138.jpeg

Đọc tập thơ “TÌNH QUÊ 3 - HƯƠNG XUÂN”, người đọc sẽ cảm nhận được đời sống tinh thần, quan niệm nhân sinh, quan niệm về tình yêu, những khát khao của các tác giả, và cùng đồng vọng lan tỏa cảm xúc với họ.

Tập thơ viết về nhiều đề tài. Mỗi đề tài được các tác giả quan sát một cách bao quát nhất, nghiền ngẫm một cách sâu sắc, thấu đáo nhất. Tác giả Phạm Tấn Đường (Hương Đài) thể hiện niềm vui trước mùa xuân mới. Phạm Thanh Lương hoài niệm về một miền quá khứ. Phạm Ngọc Dũ (Ngã Du Tử) “vương vấn một đời trăng cổ tích”. Phạm Thảo mượn khúc “ca dao mùa đông” để trách người yêu. Trần Thu Hà “có nỗi niềm chao nghiêng” và “tạc nỗi cô đơn trên gương mặt hay cười”…

Viết cho đối tượng nào, vấn đề gì, trong khoảng thời gian - không gian nào... thì các tác giả vẫn nhất quán với một thái độ trân trọng, điềm đạm, nhỏ nhẹ để sẻ chia, gửi gắm nỗi niềm.

Viết về mẹ nhà thơ Thanh Hải đã dành những câu thơ da diết, đầy ắp tình mẫu tử thiêng liêng. “Tự hỏi rằng: Còn bao đêm Nguyên tiêu?/ Tóc mẹ rụng thêm nhiều, chân bước chậm/ Da nâu đốm đồi mồi loang tối sẫm/ Tuổi xế chiều bóng mẹ cũng liêu xiêu...” (Thanh Hải - “Đêm nguyên tiêu”). Câu hỏi tu từ trong khổ thơ đã nhấn mạnh sự lo lắng của người con đối với mẹ già, đồng thời nó cũng khiến người đọc phải suy nghĩ về bổn phận làm con đối với cha mẹ. Mẹ là chiếc nôi diệu kỳ, là chỗ dựa tinh thần an toàn và vững chắc nhất đối với con. Hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó, che chở, nâng niu, chăm sóc, theo dõi con từ lúc còn trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành, già nua đã trở thành một biểu tượng đẹp trong thơ Hoàng Thân. “Khi đất nước đã nghiêng mình gọi Mẹ/ Lòng non sông ơn nhớ đến muôn vàn/ Mẹ dâng hiến hết những gì mẹ có/ Cả đàn con rứt ruột lúc vuông tròn” (Hoàng Thân - “Mẹ Việt Nam”). Gắn liền với hình ảnh của mẹ là hình ảnh của cha: “Con về đây thắp nén hương/ Câu thơ nhòe ướt còn vương bao điều/ Tìm đâu bóng dáng cha yêu/ Gọi người trong khói hương chiều thoảng bay.” (Hoàng Diễm - “Nén hương lòng”). Những câu thơ không chỉ là nỗi nhớ thương, mà còn là lòng biết ơn vô hạn của con dành cho cha. Bởi bây giờ tác giả cũng đã làm cha nên các anh càng thương quý và trân trọng người cha gấp bội phần. Đó cũng là sự tri ân sâu nặng với gia đình, với quê hương yêu dấu...

Viết về quê hương, các tác giả đã tự thức về bản thân mình bằng tấm lòng chân thành, hồn hậu. Bởi đó là cội nguồn sinh dưỡng, là điểm tựa, là chốn đi về cả trong đời thực lẫn trong tâm tưởng. Do vậy, thơ của họ dù nói về vấn đề gì đi chăng nữa, bao giờ và lúc nào cũng có một khía cạnh nào đó nhắc đến quê hương, xứ sở. Ngôn ngữ thơ của các tác giả vừa ẩn chứa những khao khát, sự khám phá những khoảng lặng để tìm về, hướng đến những gì bình yên và nhân văn nhất. Có người cho rằng: “Thơ đi từ trái tim và trở về với trái tim” là có cơ sở. Bởi nếu thiếu đi tình cảm nồng nàn, chân thật, không xuất phát từ trái tim yêu thương thì không thể có những vần thơ lay động lòng người như thế. Một số tác giả giờ đây dù đang sống nơi thành phố hiện đại, đủ đầy nhưng chưa bao giờ nguôi quên những năm tháng thuở nào với những hình ảnh, âm thanh cứ vang vọng mãi. “Quê tôi có dòng sông Bến Lở/ Đất trải dài màu mỡ phù sa/ Quanh năm cây trái mượt mà/ Có người em gái, thật thà dễ thương/ … Anh đi, đi mãi không về/ Nên dòng Bến Lở, lời thề dở dang” (Phạm Văn Kiệm - “Dòng sông quê tôi”). Những vần thơ trên đầy khắc khoải, day dứt nỗi niềm bâng khuâng về một miền yêu, miền khói sương, nhân ảnh nào đó khiến người đọc ngậm ngùi.

Thơ viết về kỉ niệm, về nỗi niềm riêng tư, về người yêu, người thân của các tác giả bao giờ cũng nhỏ nhẹ, tâm tình, đầy chất suy nghiệm, thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng lại khơi gợi bao điều suy ngẫm trong lòng bạn đọc. “Sông Vệ chiều nay chở nắng vàng/ Anh ngồi lặng ngắm chuyến đò sang/ Đò ai rời bến ngày xưa ấy/ Lặng lẽ tim anh nỗi bẽ bàng.” (Bá Hoành - “Bẽ bàng”).

Viết về tình yêu lứa đôi, các nhà thơ nữ đã kí gửi vào đó biết bao tình cảm, tâm huyết, vỡ òa hạnh phúc và cả những suy tư, khắc khoải với những nét dịu dàng, trầm tư, giàu nữ tính. Vì thế, mỗi lời thơ của họ đọc lên có sức rung cảm, để lại những dư ba trong lòng bạn đọc. “Không còn cảm thấy chênh vênh/ Giữa tin yêu và thương nhớ/ Chỉ thấy mình đang mắc nợ/ Với những ân tình người trao.” (Tràn Thu Hà - “Một thoáng ưu tư”). Cảm thức về tình yêu lứa đôi luôn khắc khoải trong lòng các tác giả để rồi đôi lúc họ giật mình tiếc nuối, hụt hẫng đến nao lòng.

Và còn rất nhiều tác giả, nhiều bài thơ hay đáng đọc nữa trong thi phẩm “TÌNH QUÊ 3 - HƯƠNG XUÂN” mà người viết không thể đề cập hết được. Hi vọng bạn đọc sẽ tìm thấy cái hay, cái đẹp, những điều thú vị ở thi phẩm này.

Phạm Văn Oanh
Bạn đang đọc bài viết ""Tình quê 3 - Hương xuân” - Tập thơ thể hiện những rung động của các tác giả trước những hiện tượng đời sống xã hội, nhân sinh" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.