Xét về khía cạnh văn hóa, đây cũng là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam
Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam về các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời gian tới.
PV: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Đây là một sự tự hào của Việt Nam, của những người thực hành tín ngưỡng, của giới chuyên gia, của những người tham gia quản lý. Đây là một dịp để nâng cao ý thức, hiểu một cách sâu sắc hơn giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam phủ của người Việt, từ niềm tự hào đó thấy được trách nhiệm bảo vệ giá trị di sản này. Danh hiệu này cũng nâng cao vị thế của Việt Nam. Việt Nam là một trong số những nước được UNESCO công nhận di sản văn hóa nhiều.
PV: Thưa bà, được biết rằng UNESCO đánh giá rất cao chất lượng của Hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, đây cũng là 1 trong 18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận. Vậy đâu là những điều đã thuyết phục UNESCO?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Điểm thuyết phục chính là giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam phủ của người Việt. Đây là văn hóa bản địa, nói lên quan niệm về cuộc sống, là một bảo tàng sống về văn hóa của chúng ta. Đó là giá trị văn hóa thể hiện qua những bài chầu văn, những câu chuyện lịch sử lồng trong hát chầu văn, những điệu múa, trang phục, cách trang trí đền đài.
Rất nhiều nơi cũng thờ mẫu như chúng ta. Nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam phủ có yếu tố nhân thần, tức là có những nhân vật, những con người cụ thể, có tên tuổi ở địa phương như Liễu Mẫu Hạnh ở Nam Định, sống rất tiết hạnh, khi mất rất linh ứng. Hoặc Trần Hưng Đạo là Đức Thánh Trần. Đấy là những con người lịch sử, có thật. Những yếu tố này thể hiện tính bản địa rất rõ ràng. Cộng thêm nữa là tính dung nạp văn hóa, giao thoa văn hóa trong đó, tính cởi mở đối với nền văn hóa khác, sự giao lưu giữa các cộng đồng, sự đoàn kết.
Trong điện thờ có thể thấy các yếu tố của đạo Phật, đạo Lão. Không chỉ người Kinh thờ Mẫu, Tam phủ, một số dân tộc thiểu số cũng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với trang phục, với quan niệm của riêng họ. Tín ngưỡng này làm cộng đồng đoàn kết. Đấy là những giá trị thuyết phục UNESCO. Bên cạnh đó là sự cố gắng của chúng ta, cộng đồng, Nhà nước, các địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy được tin ngưỡng này.
Một cảnh trong buổi diễn Tứ phủ.
PV: Danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ đóng góp như thế nào trong việc bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Điểm thứ nhất, nhận thức về giá trị di sản sẽ tăng cao trong cộng đồng, trong cả nước và những người quản lý. Điểm thứ hai, UNESCO vinh danh vì chúng ta có một kế hoạch để bảo tồn di sản này. Một khi đã vinh danh, chúng ta phải thực hiện cam kết đó với UNESCO và chúng ta phải có kế hoạch cụ thể hơn để bảo tồn, phát huy. Và họ sẽ xem xét kế hoạch đó rất thường xuyên. Đó cũng là động lực để chúng ta làm tốt hơn công tác bảo tồn.
PV: Sau khi được UNESCO vinh danh, Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam có kế hoạch nào để quảng bá những nét đẹp về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ra thế giới thưa bà?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Trong giai đoạn chúng ta nộp hồ sơ, Ban thư ký của Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam, Bộ Ngoại giao cũng đã có chiến dịch để quảng bá tín ngưỡng này. Ví dụ ở trong nước, chúng tôi tổ chức cho các đoàn ngoại giao tới Nam Định để xem thực hành tín ngưỡng như thế nào. Đối với nước ngoài, các cơ quan ngoại giao của chúng ta đã phối hợp với Bộ Văn hóa cho chính khách, công chúng nước ngoài xem.
Ví dụ tại Thái Lan, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được giới thiệu cho công chúa Thái Lan xem. Mới đây chúng ta đã đưa đoàn biểu diễn tín ngưỡng thờ Mẫu sang Malaysia trình diễn. Sau này, những hoạt động quảng bá sẽ được tiếp tục. Ví dụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng rất muốn xem thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thời gian tới, chúng ta cũng đẩy mạnh đưa đoàn trình diễn tín ngường thờ Mẫu ra nước ngoài.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Mai Thiếu Dương (VOV 1)