Tìm về cội nguồn lễ hội vật Làng Sình

16/02/2015 23:39

Theo dõi trên

“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày hội vật mùng 10 tháng giêng”. Đã từ lâu, người dân làng Sình (thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh TT Huế) dù đang ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước thì đến ngày mùng 10 tết âm lịch lại rộn ràng hướng về hội vật.

Vật làng Sình từ lâu đã là một nét truyền thống văn hoá đặc sắc ở xứ Huế, trải qua bao biến thiên thay đổi, dù trong bất cứ trong hoàn cảnh nào thì hội vật làng Sình không bao giờ ngừng nghỉ gián đoạn.
 


Một trận đấu căng thẳng của hai đô vật

Nơi sinh ra đô vật vô địch vương triều Nguyễn

Về làng Sình trong một ngày cuối năm, mưa tầm tã ướt cả lối đi. Men theo con đường nhỏ vào làng trong tâm thế của một người đi tìm lại những di sản hoài niệm một thời của cha ông, chúng tôi háo hức muốn được chiêm bái lại những điều đặc biệt về hội vật làng Sình với mong muốn mở rộng tầm nhìn về một nền văn hoá Việt truyền thống đang dần vang bóng. 

Người làng Sình giờ hiểu rõ về lai lịch môn vật truyền thống còn rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngon tay. Lứa trẻ sau này vì nhiều lí do đã quên bẵng đi góc tích mặc dù hàng năm vẫn xông xáo lên sới thi đấu trong những ngày lễ hội. Được ông Kỳ Hữu Hưng - Trưởng thôn Lại Ân chỉ dẫn, tôi tìm đến diện kiến cụ Nguyễn Văn Huệ (80 tuổi) trưởng Ban tổ chức hội vật hàng năm, một trong số ít người còn lại của làng Sình biết rõ gốc gác của hội vật. Dường như trong tâm thức cụ Huệ trở nên phấn chấn hơn khi được hậu bối hỏi về lễ hội vật. Thời trai trẻ, cụ Huệ cũng là một đô vật có tiếng từng nhiều năm kinh qua thi đấu tại các mùa lễ hội. Qua câu chuyện của cụ Huệ, hình ảnh về làng Sình và lễ hội vật truyền thống của làng được tái hiện như một cuốn phim lịch sử quay chậm từng phân đoạn…

Thuở xa xưa, làng Sình chỉ là bải đất bồi của 3 nhánh sông hợp lại, nơi đây địa thế bằng phẳng, rộng rải nên được các chúa Nguyễn trưng dụng làm nơi luyện tập võ thuật của quân lính triều đình. Thời bấy giờ, khi quan quân triều đình chúa Nguyễn về nơi đây tập luyện võ công, làng Sình có một trang thiếu niên vì say mê với những chiêu thức đấu vật của các võ tướng nên đã xin đi theo tòng quân. Trải qua nhiều trận mạc, chiến tranh kết thúc, trang thiếu niên này trở về làng lập gia đình rồi sau này bày ra hình thức đấu vật cho con cháu trong nhà cùng luyện tập nâng cao sức khoẻ. Người này sau được làng tôn làm ông tổ môn vật.

Thời bấy giờ, vì là hợp lưu của 3 nhánh sông Hương nên đất đai ở đây màu mỡ phì nhiêu, nguồn lợi tôm cá nơi đây lại phong phú đa dạng, thấy làm ăn thuận lợi, người dân tứ xứ bắt đầu kéo đến sinh cơ lập nghiệp. Tại đây, các họ tộc bắt đầu hình thành, các ngành nghề tiểu thương, thủ công nghiệp theo chân họ cũng bắt đầu manh nha phát triển. Theo thời gian, làng Sình trở thành một làng nghề sầm uất bậc nhất kinh kì xứ Huế. 

Làm ăn thuận lợi, thế nên khi tết đến xuân về, các Hội chủ trong làng mới tự bỏ tiền túi đứng ra tổ chức lễ hội vui chơi giải trí, môn đấu vật cũng được đưa vào trong phần lễ hội với mục đích thư giản và nâng cao sức khoẻ. Và rồi nó trở thành truyền thống, cứ mỗi độ xuân về, lễ hội đấu vật làng Sình lại được ấn định vào ngày mùng 10 tết.

Để trở nên nổi tiếng khắp cả nước như bây giờ, vật làng Sình cũng có một điển tích riêng. Cụ Huệ kể lại, trước kia, thời nhà Nguyễn, trong một lần vua tổ chức thi đấu giải vật quy tụ các đô vật khắp cả nước, đến trận chung kết, sới vật chỉ còn lại 2 đô vật giỏi nhất là người làng Sình và làng Thủ Lễ (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, TT Huế). Hai đô vật sắp sửa vào đấu trận cuối cùng thì bất ngờ em trai của đô vật làng Sình mặc dù người nhỏ con, lại không giỏi võ, không biết nhiều thế miếng vật hơn người anh đã nhảy vào dành thi đấu trận cuối cùng. Trước đó, vì đã quan sát theo dõi kỹ lối đánh của đô vật Thủ Lễ nên người này đã biết được điểm mạnh yếu của đối thủ. Vào trận, sau khi vờn nhau vài giây, đô vật Thủ Lễ nhảy xổm vào định bốc đô vật làng Sình quăng xuống, nhưng ông này nhanh như cắt đã lùi lại vào chụp luôn vào tay thuận thế kéo ngược đẩy văng đối thủ đi rồi áp sát tì đè xuống đất. Đô vật Thủ Lễ không cựa quậy được và đánh chấp nhận thua cuộc. Đô vật làng Sình vô địch, và từ đó danh tiếng vật làng Sình cũng như vật Thủ Lễ lan xa khắp cả nước. 

Nhưng cũng bởi trận thua đó nên làng Thủ Lễ bắt đầu chú trọng về môn đấu vật, trải qua mấy trăm năm, Thủ Lễ thường xuyên cử các đô vật tài năng sang làng Sình thi đấu và tham gia hội vật và họ cũng nhiều lần đoạt giải, hai làng cũng sản sinh ra rất nhiều đô vật thành danh dành được nhiều huy chương tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

Vật bợ giải cạn

Hội vật làng Sình có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra tại đình làng, vào sáng tinh mơ, đông đảo người dân và các phụ lão đã tề tựu đông đủ ở đình làng. Tại đây, để bắt đầu cho ngày hội vật, các cụ cao niên uy tín đại diện trong làng sẽ dâng mâm lên với các lễ vật xôi, gà, hoa quả…lên bàn thờ đình tổ (bậc khai canh ra làng Sình) để báo cáo về tình hình làm ăn kinh tế một năm qua của dân làng, cũng như cầu xin cho năm mới sẽ được làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi, và cũng là để xin phép cho làng được tổ chức lễ hội đấu vật. 

Sau khi dâng lễ lên, các cụ cao niên trong làng đại diện sẽ ra bắt cặp thi đấu biểu diễn vài keo vật cho bà con dân làng xem thưởng lãm. Khi mặt trời đã lên cao, đã chuyển sang giờ Thình, phần thi đấu chính thức sẽ được bắt đầu.

Cụ Huệ kể lại: “Sới vật khi ấy là một vạt đất được đổ đầy cát, xung quanh sới được thâng lại bằng các sợi dây thừng. Trước đây sới đấu là một hình vuông, có năm lại chuyển sang hình tròn. Vài năm trở lại đây, khi phần hội vật được chuyển từ trong đình ra bên ngoài bải đất của làng để khách thập phương về xem đông hơn thì sới lại được làm bằng hình vuông, theo tiêu chuẩn sàn thi đấu của võ thuật hiện nay”.

Các đô vật để được tham gia thi đấu chỉ cần đến ghi danh trực tiếp với ban tổ chức tại đó, rồi lên sới đấu ngay. Luật đấu ngày xưa cũng có nhiều nét khác biệt so với bây giờ. Thời bấy giờ, đấu vật gọi là “vật bợ giải cạn”, các tay đô không phân biệt hạng cân lứa tuổi, chỉ cần đô vật nào còn trụ lại đến giây phút cuối cùng trong ngày hội thì sẽ được xem là nhà vô địch, giống như luật thi võ Trạng nguyên. Các đô vật sẽ dùng sức, dùng tất cả những gì có được để làm cho đối thủ “chấm lưng trắng bụng” thì chiến thắng và tuyệt đối không được dùng kỹ thuật quyền cước, cầm nã. Sau năm 1990, khi hội vật bắt đầu được sở ban ngành, cơ quan chức năng quản lý thì thể thức thi đấu cũng bắt đầu thay đổi. Các đô vật sẽ được phân thành các nhóm lứa tuổi, và cứ đô vật nào thắng 3 trận sẽ được vào vòng bán kết và bắt thăm phân cặp đấu chung kết, điều hành các trận đấu là các trọng tài môn vật của Sở Thể dục - Thể thao tỉnh. 

“Hồi đó ai có sức thì lên vật thôi, vật hồi đó thua hơn chi cũng có phần thưởng hết, thua hơn chi mà đánh càng hay càng lâu là càng được thêm tiền thưởng. Đấu cũng không có bắt cặp hay chung kết chi cả. Ai còn đến cuối cùng thì là thằng. Nói thì luật bất công, nhưng mà vui vì đôi khi có anh ngồi toan tính đợi giữ sức đến gần hết buổi, đối thủ thấm mệt hết rồi mới lên sới rồi thì trụ lại cuối cùng. Nhưng kết quả khi đó cũng không quan trọng lắm, vui là chính”, cụ Nguyễn Văn Huệ kể.

Về luật đấu, có một điều đặc biệt đó là trước khi vào thi đấu chính thức, các đô vật sẽ không thực hiện nghi thức xe đài (chào đài) như các đô vật phía Bắc hay trong thi đấu võ cổ truyền Việt Nam. Thay vào đó, các đô vật sẽ hướng vào tổ đình và quỳ xuống vái lạy 3 lạy theo hiệu lệnh của tiếng trống. Đây cũng là nét khác biệt của vật làng Sình và hội vật các nơi trên cả nước. Và khi các đô vật bắt đầu áp sát vào nhau thi đấu thì trống xung quanh đài trống sẽ đánh liên hồi để cổ động tin thần cho 2 đô vật.

“Trước đây, chưa có dây đai đồng phục gì cả, chỉ cần mặc quần xà lỏn là lên đấu thôi. Bữa nay tổ chức có quy cũ có quản lý rồi nên mới có đai, có trang phục cho các đô vật”, ông Kỳ Hữu Hưng - Trưởng thôn Lại Ân (làng Sình) cho biết.

Vật làng Sình thời hội nhập

Người làng Sình rất thích đấu vật, và dù ở đâu hay trong bất cứ thời điểm nào, dù bom rơi đạn lạc, chiến tranh, thì lễ hội vật làng Sình không bao giờ bị nghỉ gián đoạn. 

“Năm 1947, khi Tây về càn quét làng, mùng 10 tết âm lịch, làng vẫn tổ chức hội vật, khi Tây bắt đầu về gần đến làng thì người trong làng mới phân tán bỏ chạy sang bên kia sông. Đến năm Mậu Thân 1968, bắn nhau dữ dội vậy mà làng vẫn vừa thi vật vừa chạy đạn. Giờ con em làng Sình làm ăn ở Sài Gòn mà đến ngày mùng 10 tết là phải về để dự hội vật, ai không về được là cũng hội họp nhau nhau ăn uống, xong rồi cũng bắt cặp ra đấu vật vài keo cho vui”, cụ Nguyễn Văn Huệ kể lại.

Đấu vật trở thành truyền thống và ăn sâu vào máu của mỗi người dân ở làng Sình, trở thành một nét văn hoá đậm bản sắc riêng: “Như tôi đây, xưa có ông bác vật bợ giải cạn nhưng rồi sau 3 ngày thì đoạ sức rồi mất. Ông già là cấm tiệt con cháu không cho thi đấu chi hết. Nhưng mà cứ đến hội thấy họ vật là khoái lắm, đừng ngoài xem ngứa ngáy chân tay chịu không nổi đâu là phải nhảy vào làm vài keo. Nói chung dân ở đây ai cũng máu vật hết”, vị trưởng thôn làng Lại Ân bộc bạch.

Có một điều nữa khác biệt giữa vật làng Sình so với các sới vật có tiếng khác như Bắc Ninh, Nam Định… đó là vật làng Sình hoàn toàn không có chiêu thức hay miếng đánh tinh hoa mang tính gia truyền, và trước hôm diễn ra hội vật cũng không có ai tập luyện chuẩn bị gì cả. Cụ Huệ kể lại rằng, thuở sơ khai của hội vật làng Sình vốn đơn giản chỉ là thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ để lao động nên tiêu chí chiến thắng khá đơn giản, ai khoẻ hơn thì người đó thắng. “Bữa nay đấu vật pha tạp nhiều, con em có đạo tạo luyện tập võ nghệ nên vật cũng khác nhiều chứ hồi xưa là vật khan rứa thôi, ai khoẻ thì thắng chứ hoàn toàn không có miếng mảng chi hết”, cụ Huệ cho biết.

Cũng vì sự hội nhập phát triển kinh tế, hội vật làng Sình dần được xem là một lễ hội cấp quốc gia, qua hàng năm, người tham gia sới vật đông hơn, từ những làng, những xã gần đó cho đến các đoàn vật từ phía Bắc vào tham gia thi đấu tại lễ hội. 

Ông Kỳ Hữu Hưng - cho biết: “Bên Quảng An, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Thủ Lễ (xã Quảng Lợi), Hương Phong, Hương Vinh (huyện Phong Điền)… hàng năm đều có đô vật sang đăng ký tham gia hội cả. Có năm các làng họ còn cử VĐV thi đấu chuyên nghiệp trên Sở về tham gia, rồi thậm chí năm ngoái còn có cả đội vật Hà Nam Ninh, Judo Hà Tây từ ngoài bắc vô đấu. Vật bữa nay pha tạp nhiều, thiên về kỹ thuật hơn là sức mạnh, và gần như đấu vật bữa nay không còn giữ được truyền thống nguyên sơ như trước”.

Bởi cũng nguyên nhân đề cao tính danh dự, nặng về thành tích nên những năm gần đây các làng lân cận đã cắt cử rất nhiều con em là các vận động viên chuyên nghiệp đã qua đào tạo thi đấu tham gia hội vật. 

Mặc dù chất lượng các trận đấu ngày càng cao, nhưng ngược lại, các giá trị truyền thống của hội vật ngày càng dần mất đi, hội vật không còn là nơi để tất cả mọi người đều có thể lên sới tham gia vài keo giải trí “cho vui”. Đây cũng là một điều trăn trở của những cao niên làng Sình vốn bao năm đã gắn bó với lễ hội này. 

Ông Kỳ Hữu Hưng, trưởng thôn Lại Ân, xã Phú Mậu - chia sẻ thêm về điều lệ thi đấu hội vật làng Sình năm nay: “Để hạn chế việc này, năm nay BTC hội vật làng Sình đã đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấm không cho phép các VĐV thi đấu chuyên nghiệp tham gia giải để hội giữ được nét truyền thống”.
 
Uông Ngọc Tân

Bạn đang đọc bài viết "Tìm về cội nguồn lễ hội vật Làng Sình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.