Thuỷ hải chiến Việt Nam: Yết Kiêu thủy chiến (Kỳ 2)

28/11/2020 16:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Truyện lịch sử "Thuỷ hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên, Hà Nội ấn hành năm 2016.

 
Sa bàn minh họa trận Bạch Đằng 1288, đặt tại Đền thờ Trần Hưng Đạo, Q.3, TP.HCM, do họa sĩ Nguyễn Trung Tín và cộng sự thực hiện. Nguồn: Internet.
 
II. YẾT KIÊU THỦY CHIẾN
 
1. Đó là vào thế kỷ XIII. Nước Đại Việt của dân Việt đang dưới sự trị vì của vương triều Trần. Một ngày mùa hè bình thường như bao mùa hè khác bắt đầu ở thôn Hạ Bì, huyện Thạch Hà, lộ Hải Dương. Mặt trời lên đã quá ba con sào, phía trời đông rải ánh nắng gay gắt trắng xóa xuống làng quê của vùng đồng bằng trù phú sông Hồng. Những cánh đồng lúa xanh rờn đang thì con gái như những bức thảm biếc mênh mông. Xen giữa những thảm xanh màu lúa là những làng quê uốn lượn quanh co xanh mướt màu tre, nhãn, mít. Từng ngôi nhà của cư dân ẩn dưới những rặng cây nhô mái lợp màu gianh xam xám. Nhãn đang mùa trĩu quả, hương thơm ngát bay xa. Trời xanh lồng lộng. Một vài làn mây trắng như bông bay lơ lửng trên trời, biến thành muôn hình thù kỳ quái theo làn gió mùa hè lồng lộng khắp không gian.

Trên con đường đất quanh co rợp bóng nhãn dẫn vào làng Hạ Bì, một tốp người khoảng 10 người cỡi ngựa đi vội vã vào làng. Người đi đầu mặc trang phục võ tướng áo quần màu nâu thẫm, 9 người đi theo ăn mặc quân phục lính triều đình cũng màu nâu. Những nông dân Hạ Bì đang làm cỏ lúa dưới ruộng đều chăm chú nhìn toán lính. Gặp một người nông phu đứng tuổi từ trong một ngõ xóm đi ra, viên chỉ huy nhảy xuống ngựa lễ phép hỏi:

-Dạ thưa cụ cho xin phép hỏi nhà huynh Phạm Hữu Thế ở đâu ạ?
 
Ông lão nông phu ngước nhìn vị võ quan trẻ tuổi cung kính đáp:
 
-Dạ thưa Đại nhân, có phải ngài hỏi nhà Phạm Hữu Thế giỏi bơi lội không ạ?
 
-Dạ thưa đúng rồi ạ.
 
Lão nông phu chỉ tay vào phía trong con đường làng:
 
-Dạ nhà Thế ở chỗ rặng nhãn kia ạ. Nhưng bây giờ hắn không có nhà đâu.
 
-Dạ chàng ta đi đâu ạ?
 
-Dạ nhà hắn chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ bán hàng nước ở lộ Hải Đường kiếm ăn, còn Thế tầm này chắc đang ở sông Quát chài lưới bắt cá tôm giúp mẹ kiếm sống.
 
Viên võ quan lại hỏi tiếp:
 
-Dạ, ra bờ sông Quát đi hướng nào hở cụ?
 
-Đại nhân cứ đi thẳng đường làng này sẽ ra được bờ sông.
 
-Dạ cảm ơn cụ. 
 
Theo hướng chỉ của cụ già, tốp lính đi một đoạn hết con đường thì trước mặt hiện ra một dòng sông lớn mà dân địa phương gọi là sông Quát. Dòng sông rộng mênh mông uốn lượn giữa cánh đồng lúa ngập nước. Làng xóm uốn lượn quanh co hai bờ sông như một bức tranh thủy mặc. Nước sông xanh thắm xao động sóng lăn tăn tỏa những ánh bạc dưới ánh mặt trời chói lóa. Vài con thuyền nan được những mái chèo nhịp nhàng đưa đẩy trôi chầm chậm trên dòng sông. Vài con cò trắng chao mình bay lượn rồi sà xuống tìm mồi trên những ruộng lúa. Những con cò cần mẫn như những bông hoa trắng chen giữa màu xanh của lúa.
 
Dưới gốc cây nhãn trên bờ sông một tốp thanh niên đóng khố màu nâu đang ngồi bên những giỏ cá và những cần câu, những tấm lưới. Nước da những thanh niên nông thôn sạm nắng khỏe mạnh. Họ trẻ tới mức ai cũng có những búi tóc cuộn tròn như trái đào hai bên đầu.
 
Vị tướng trẻ và tốp lính xuống ngựa đi lại nơi những thanh niên đang ngồi. Người tướng trẻ vòng tay lễ phép:
 
-Dám hỏi các đệ, trong số đây có ai là Phạm Hữu Thế không ạ? 
 
Đám thanh niên ngạc nhiên. Một người có vẻ chững chạc nhất trong họ nói:
 
-Dạ. Thưa, có phải huynh muốn tìm Yết Kiêu không ạ?
 
-Đúng, đúng là tôi muốn tìm đệ ấy.
 
-Huynh ấy đang bắt cá dưới sông.
 
Viên tướng trẻ nhìn ra bờ sông:
 
-Sao tôi không thấy ai?
 
-Đệ ấy đang lặn dưới đáy sông, các hạ làm sao mà thấy được.
 
-Đệ ấy lặn bao lâu rồi?
 
-Khoảng ba canh giờ rồi.
 
-Bao giờ đệ ấy nổi lên?
 
-Khoảng hai canh giờ nữa.
 
Viên tướng trẻ phóng mắt nhìn ra dòng sông Quát, chỉ thấy dòng sông lấp lánh trôi êm đềm dưới nắng và gió. Viên tướng lẩm bẩm:
 
-Quả nhiên danh bất hư truyền. Thôi đành phải chờ vậy. 
 
Viên tướng và tốp lính ngồi bệt xuống cát, bên cạnh những thanh niên làng. Mắt mọi người chăm chú nhìn ra dòng sông trông ngóng. Khoảng hai canh giờ trôi qua, bỗng một thanh niên reo lên:
 
-A, Yết Kiêu ngoi lên rồi .
 
Người chỉ huy và tốp lính cũng đã nhìn thấy từ dưới nước nhô lên  một người nửa chìm nửa nổi và đang lừ lừ trôi vào bờ. Đến bờ sông nước cạn thì lộ ra một thanh niên cường tráng, đóng khố màu nâu ướt sũng đứng lên khỏi mặt nước, tay xách một giỏ cá nặng đi về phía bãi sông nơi những người bạn đang chờ. Lại gần thì viên tướng thấy đó là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, ngực nở, lưng beo, nước từ chỏm tóc trái đào đang chảy đầm đìa xuống làn da trắng trẻo. Đám thanh niên nói với người mặc võ phục:
 
-Đấy , Yết Kiêu đó huynh à.
 
Phạm Hữu Thế, tức Yết Kiêu cũng ngạc nhiên nhìn viên võ tướng và tốp lính. Vị võ tướng trẻ tuổi liền tiến lại gần Yết Kiêu:
 
-Chào đệ. Hãy làm quen, huynh là Dã Tượng, tùy tướng của Hưng Đạo Vương, xin được làm quen với đệ.
 
Yết Kiêu nghe danh của Dã Tượng đã lâu, liền chắp tay vái chào:
 
-Xin chào Dã tướng quân. Nghe danh Dã tướng quân từ lâu, hôm nay may mắn mới được gặp.
 
Đoạn Yết Kiêu nói với các bạn của mình:
 
-Đây là tướng quân Dã Tượng, người nổi tiếng về huấn luyện và thuần phục voi, huynh ấy nay đang phục vụ trong trướng của Hưng Đạo Đại Vương.
 
Cả bọn thanh niên hốt hoảng đứng dậy khoanh tay:
 
-Xin chào Dã tướng quân, chúng tôi thật quá ư thất lễ.
 
Dã Tượng vội cúi xuống:
 
-Xin các đệ đừng làm vậy, huynh sẽ tổn thọ.
 
Yết Kiêu hỏi:
 
-Dã tướng quân sao hạ cố tới nơi hẻo lánh này? Tướng quân có việc quân qua đây chăng?
 
Dã Tượng cười đáp:
 
-Chuyện dài lắm. Hôm nay may mắn được gặp các anh hùng ở đây, ta phải vào cái quán nào rót rượu kết bằng hữu rồi nói được không?
 
Yết Kiêu phân vân:
 
-Nhưng quán xá thôn quê nghèo của chúng tôi...
 
Dã Tượng không để cho Yết Kiêu nói hết câu gạt đi:
 
-Thôi mà, đệ không biết tôi cũng từ thôn quê đi theo Hưng Đạo Vương sao?
 
Cả bọn cười vang, đi theo Yết kiêu vào cái quán gần đường. Chủ quán đem rượu quê với những đĩa thịt gà đặt lên bàn. Bọn Yết Kiêu còn nhờ chủ quán làm món cá nướng mà cả bọn bắt được trên sông Quát để chiêu đãi Dã tướng quân.
 
Rượu ngon uống vào đã ngấm, cả bọn bây giờ mạnh dạn nói cười, không câu nệ nữa. Yết Kiêu đánh bạo hỏi:
 
-Nghe đồn tướng quân huấn luyện voi mà nó khôn như người , không biết chuyện đó có thật không ạ?
 
-Đó là thiên hạ đồn đại vậy thôi, huynh có huấn luyện vài con  cho Hưng Đạo Vương dùng trong việc xuất chinh hay đi lại trong quân ngũ. Khôn như người thì không dám nói nhưng nó rất trung thành và tình cảm với Hưng Đạo Vương.
 
Dã Tượng hớp một ngụm rượu rồi nói tiếp:
 
-Nói về Hưng Đạo Vương, Người là Quốc công Tiết chế hết lòng vì dân vì nước. Là đại quí tộc nhưng Người không nề hà tầng lớp xuất thân sang hay hèn, quí tộc hay dân thường, miễn là có tài và trung thành thì Người đều trọng dụng để xây dựng quân đội hùng mạnh. Chính huynh cũng là dân nghèo khổ bần hàn được Người thu nạp và nay phục vụ dưới trướng của Người. Ngoài tôi ra, dưới trướng của Người còn có Phạm Ngũ Lão cũng là người xứ Đông, đồng hương với các đệ đây, còn có Cao Mang, Nguyễn Địa Lô là những người có tài  xuất chúng.
 
Yết Kiêu ngắt lời Dã Tượng:
 
-Nước ta thật là hồng phúc mới có một vị Quốc công Tiết Chế biết dùng nhân tài như vậy. Được dưới trướng của Người thật cũng thỏa chí nam nhi, có cơ báo đền nợ nước.
 
Dã Tượng nói luôn:
 
- Đúng vậy. Cái tiếng tăm tài bơi lặn của đệ đã vang danh đến Hổ trướng của Hưng Đạo Vương. Đệ sẽ rất cần cho huấn luyện thủy quân và thủy chiến. Cho nên hôm nay huynh về đây là mang theo lệnh của Hưng Đạo Vương đón đệ vào phục vụ trong phủ Quốc công Tiết Chế.
 
(Còn nữa)
 
PGS TS Cao Văn Liên

Bạn đang đọc bài viết "Thuỷ hải chiến Việt Nam: Yết Kiêu thủy chiến (Kỳ 2)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.