Phạm Thế Hiển nổi tiếng là người ngay thẳng, làm quan thanh liêm chính trực. Khi làm quan văn, ông là người nhìn xa trông rộng. Chính ông là người dâng kế sách đề nghị triều đình mở rộng bờ cõi, củng cố chính quyền ở phương Nam. Và khi được nhà vua nghe theo, chính ông lại là người trực tiếp xông xáo thực thi việc này.
Ở đây, tôi chỉ nói về đoạn đời làm tướng chống xâm lược Pháp và Tây Ban Nha, khi thực dân Pháp quyết tâm dùng sức mạnh quân sự lấn cướp nước ta của danh tướng Phạm Thế Hiển và cái chết của ông.
Phạm Thế Hiển từng làm Tham tri bộ Binh, bộ Hình, Tham tán quân vụ đại thần kiêm Quân thứ Quảng Nam. Năm 1858, liên quân Pháp + Tây Ban Nha bất ngờ tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Triều đình cử Phạm Thế Hiển làm THAM TÁN BINH NHUNG ĐẠI THẦN cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy binh sĩ chống giặc. Quân ta đắp đồn Liên Trì kiên cố, đào hào đắp lũy đợi giặc. Tháng 2 năm 1859, quân Pháp tấn công đồn Thạch Thán, Phạm Thế Hiển chỉ huy chống trả quyết liệt, buộc quân Pháp phải tháo chạy.
Tháng 12 năm 1860, Phạm Thế Hiển lại được cử làm Tham tán quân thứ Quảng Nam, kiêm Tổng đốc Định Tường - Biên Hòa. Pháp chủ trương tấn công Gia Định, Tự Đức cử Phạm Thế Hiển làm Tham Tán quân thứ Gia Định, cùng Nguyễn Tri Phương lo việc đánh Pháp. Ở đây, Phạm Thế Hiển lo việc chiêu mộ dân binh, huấn luyện dân binh, tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 23 - 2 - 1861, liên quân Pháp + Tây Ban Nha dốc toàn bộ lực lượng tấn công đại đồn Chí Hòa. Quân ta, dưới sự chỉ huy của Phạm Thế Hiển và Nguyễn Tri Phương, đã kiên quyết chống trả.
Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục suốt hai ngày đêm. Quân xâm lược có vũ khí tối tân hơn, quân đội viễn chinh tinh nhuệ hơn. Họ đặc biệt dùng pháo binh bắn phá dữ dội, khiến quân ta hy sinh rất nhiều. Đại đồn Chí Hòa thất thủ. Phạm Thế Hiển và Nguyễn Tri Phương đều bị trọng thương. Một số tướng lĩnh của ta cũng hy sinh.
Kết quả, phía địch, tên quan Năm người Tây Ban Nha Plancan bị giết chết, cùng 4 sĩ quan cao cấp người Pháp, 30 sĩ quan, 121 hạ sĩ quan và 805 lính địch bị tiêu diệt. Quân ta thương vong nặng nề. Phạm Thế Hiển cho quân rút về Tân Tạo, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, củng cố lực lượng, tiếp tục chiến đấu.
Giặc Pháp lại tăng cường pháo binh và khoảng 400 lính tấn công. Quân ta kiên cường đánh trả, khiến quân Pháp phải rút lui. Ngày 24 - 2 - 1861, quân Pháp lại tiếp tục tiến công. Quân ta hết đạn, không có ai cứu viện, nên hy sinh rất nặng nề. Phạm Thế Hiển cho quân rút về Biên Hòa để củng cố lực lượng…
Tuy nhiên, một số tài liệu viết có đôi ba chỗ khác nhau. Có tài liệu viết như trên. Nghĩa là Phạm Thế Hiển không chết. Ông được vua Tự Đức cho triệu hồi về kinh (Huế) để báo cáo, hay là trao đổi về việc gì đó.
Có tài liệu lại viết rằng Phạm Thế Hiển bị thương nặng rồi hy sinh trong khi chỉ huy chiến đấu. Có tài liệu lại viết rằng ông trên đường về Huế, đến Phú Yên thì ốm nặng, rồi mất. Vì Phạm Thế Hiển có thời gian làm Án sát Phú Yên, nên nhân dân và thuộc cấp của ông ở đây rất kính trọng ông, đưa thi hài ông về quê an táng…
Người và việc chưa xa là mấy, mà sử sách viết đã lung tung như thế, thì hàng mấy trăm năm trước, hàng ngàn năm trước, nó còn méo mó đến thế nào?
Tác giả - Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Tôi đã từng dạy học hơn chục năm ở quê, hết trường cấp 3 Tây Thụy Anh, rồi cấp 3 Đông Thụy Anh, quê tôi. Đền thờ và lăng mộ Phạm Thế Hiển ở ngay sau trường cấp 2 xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sinh thời, cha tôi kể rằng cụ Phạm Thế Hiển chỉ huy đánh Pháp, bị pháp bắn trọng thương. Bấy giờ ở bên cạnh vua Tự Đức, có những viên quan thuộc phe chủ hòa, đã ton hót sàm tấu với vua, rằng theo luật, tướng thua trận, bị mất đại đồn Chí Hòa thì phải xử lý theo luật.
Mặc dù bị thương, nhưng triều đình vẫn bắt binh lính phải khiêng tướng quân Phạm Thế Hiển về Huế chịu tội. Lính khiêng cáng tướng quân về đến Phú Yên thì cụ Phạm Thế Hiển mất. Thi hài tướng quân Phạm Thế Hiển được quàn trong quan tài, nhưng người ta vẫn dùng chiếc gông bằng đồng, gông vào cái quan tài của cụ, như một kẻ tội đồ. Khi về đến quê hương, dân ở đây vẫn thấy cái gông bằng đồng ấy.
Có lẽ vì muốn che giấu đi cái sự thật phũ phàng và bất công này, nên người ta đã viết khác đi. Mà cũng chẳng có cái nào giống cái nào. Biết tin vào tài liệu nào?
Chỉ biết rằng Phạm Thế Hiển là một Danh thần, một Danh tướng, chỉ huy chiến đấu chống bọn xâm lược Pháp rất ngoan cường, mưu trí dũng cảm. Đó là một tấm gương hy sinh lẫm liệt, được nhân dân hết sức kính trọng. Văn thần ở tỉnh Phú Yên, nơi ông từng làm Án sát, lại mất ở đây, có câu đối viết về ông, bày tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ:
“Đà Nẵng trạch, Hải Vân nam, vũ bất tắc tử, văn bất ái tiền, thiên hạ thái bình tương hữu nhất / Ngoại Lãng tiền, Luyến Khuyết hậu, thần năng thần trung, tử năng tử hiếu, anh hùng khí khái lẫm như sinh” (Trấn ở cửa Đà Nẵng, phía Nam Hải Vân, làm quan võ thì không sợ chết, làm quan văn thì không tham tiền, lòng chỉ mong thiên hạ thái bình / Trước đã có Doãn Uẩn (ở Ngoại Lãng), sau có Phạm Thế Hiển (ở Luyến Khuyết), khí khái anh hùng lẫm liệt, khi chết cũng như khi sống vậy)! Phạm Thế Hiển và Doãn Uẩn đều cùng quê Thái Bình, lại cùng thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Thế mới hay, những kẻ xu thời luồn cúi, chỉ đánh giặc mồm, thì danh cao lộc lớn. Những tướng lĩnh xông pha chiến trường, đổ máu hy sinh lẫm liệt, rút cục nhiều người công danh chìm lấp. Phạm Thế Hiển may mắn đã được đặt tên đường ở Sài Gòn ngay từ hồi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Doãn Uẩn, danh tướng anh hùng đánh bại liên quân Xiêm (Thái Lan) và Căm pu chia ở chiến trường Tây Nam, thì mãi đến ít năm gần đây mới được đặt tên đường ở An Giang. Ở đời, cái sự vàng thau gạch ngói lẫn lộn, có ít thì tô vẽ thêm lên, cái thực bị che lấp, xưa nay vẫn thường như thế ! Chẳng đáng nghĩ ngợi lắm hay sao?