Thiếu Lâm Tự “lịch sử và huyền thoại”

29/12/2016 14:46

Theo dõi trên

“Quyền thuật công phu tại Thiếu Lâm”, mọi quyền thuật công phu trong thiên hạ đều xuất phát từ Thiếu Lâm. Thiếu Lâm Tự, ngôi chùa đã trải qua bao biến cố thăng trầm, chính là nơi đặt viên gạch nền móng đầu tiên cho sự phát triển của võ thuật Trung Hoa nói riêng, võ thuật phương Đông nói chung.



Khi luyện thành võ công họ sẽ tỏa đi vân du bốn phương và truyền bá lại võ Thiếu Lâm Tự.

Đạt Ma sư tổ không truyền dạy võ thuật

Thiếu Lâm Tự, ngôi chùa được mệnh danh là “Thái Sơn bắc đẩu” của võ học thế giới toạ lạc ở phía dưới chân ngọn Ngũ Phong, bắc núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, thị trấn Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa được xây dựng vào năm Thái Hoà triều Bắc Nguỵ (497- SCN). 

Năm 527, Đại sư người Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) đã đến chùa Thiếu Lâm để truyền bá Phật pháp.

Theo truyền thuyết, đại sư Đạt Ma đã từng tham thiền diện bích tại chùa trong suốt 9 năm, tại đây ngài đã truyền thụ các môn Đạt Ma thập bát thủ và Đạt Ma kiếm. Thế nhưng, nhiều học giả nghiên cứu lịch sử võ thuật cho rằng thuyết này không có căn cứ, không đáng tin cậy. Bởi vì, ngài đến đây là để toạ thiền chứ không phải truyền dạy võ thuật cho môn đồ. Vả lại, những chiêu thức trong Đạt Ma thập bát thủ và Đạt Ma kiếm có phong cách tương đồng với chiêu thức quyền kiếm Trung Hoa trước đó.

Cuối đời Tuỳ, khởi nghĩa nông dân bùng nổ, quần hùng cát cứ khắp nơi, Thiếu Lâm Tự nằm ở quảng đất giao tranh giữa Đường Vương Lý Thế Dân và Trịnh Vương Vương Thế Sung. Năm 602, Lý Thế Dân suất lĩnh 4 vạn quân vây đánh mãnh tướng Đơn Hùng Tín của Vương Thế Sung, lúc này, các võ tăng Chí Tháo, Huệ Dương, Đàm Tông đã dẫn tăng binh hổ trợ Đường Vương tấn công và bắt sống được Vương Nhân Tắc, cháu Vương Thế Sung. Vì điều này, nên sau khi nhà Đường thống nhất, Thiếu Lâm Tự đã được ban thưởng rất hậu hĩnh, “cấp cho 40 khoảnh đất, trồng tùng bá xung quanh, nhận được nhiều ân sủng, đời đời được kế tục”- Sách “Tung Nhạc Thiếu Lâm Tự bi” kể lại. Có thể nói, giai đoạn này, Thiếu Lâm tự vang danh chưa phải là vì uy chấn võ công mà chính là do các sư tăng đã nắm được thời cơ chính trị, được triều đình sủng ái che chở.

Thời “ngủ đại thập quốc”, võ công của Thiếu Lâm Tự vẫn chưa có gì là đặc biệt. Đầu đời Tống, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lấy võ công bình định thiên hạ, nổi tiếng khắp võ lâm với “Tam thập nhị thế Trường Quyền” (32 thế Trường Quyền). Trước khi băng hà, ông đã để lại sách tuyệt kỹ quyền pháp trong thần đàn chùa Thiếu Lâm, cũng vì thế sau này mới có thuyết “võ công Thiếu Lâm khởi thuỷ từ Triệu Khuông Dẫn”. 

Trong “Nhật tri lục - Thiếu Lâm tăng binh”, tác giả Cố Viên Võ chép: “Khoảng năm Gia Tĩnh, Thiếu Lâm tăng Nguyệt Không nhận hịch của đô đốc Vạn Biểu, đánh bọn giặc cướp ở Tùng Giang, đồ đệ hơn 30 người lập thành một đội ngũ, cầm gậy sắt tung hoành giết giặc. Sau đều chết cả…” Có thể nói, cao tăng Thiếu Lâm thời nay nhờ phát dương phật pháp, ra tay bảo vệ nhân dân nên được quần chúng mến mộ.

Khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, nhiều di thần võ tướng đã vào chùa Thiếu Lâm ẩn cư, chờ đợi thời cơ “diệt Hồ, phục Hán” như Cố Viên Võ, Chu Đức Trù (sau làm trụ trì chùa Thiếu Lâm với hiệu là Thống Thiền Thượng Nhân). Năm 1736, do sự xúi dục của Mã Nhân Tắc, một phản đồ Thiếu Lâm Tự, vua Khang Hy đã cho quân triều đình tiến đánh và hoả thiêu Thiếu Lâm Tự. Trong số 113 sư tăng chạy, chỉ còn 5 người sống sót, trong đó có Ngũ Mai sư thái (tổ sư môn phái Vĩnh Xuân quyền), Hồng Hy Quan (tổ sư phái Thiếu Lâm Hồng Quyền), sau đó, họ chia ra đi đến các nơi Trung Nguyên để gây dựng lại và truyền bá võ thuật. 

Tích luỹ tinh hoa các võ phái

Võ công Thiếu Lâm Tự vang danh thiên hạ, và vượt ra khỏi biên giới. Để có được như hôm nay, các bậc võ sư tiền nhân đã phải bỏ ra quá trình bền bỉ lâu dài mới dựng lên được một Thiếu Lâm Tự võ lâm chí tôn như hôm nay. Từ một ngôi chùa cổ tự ban đầu chỉ được biết đến như là một thắng cảnh đẹp, nơi dành cho các tao nhân mặc khách đến ngâm thơ đàm đạo, sau một thời gian học hỏi tích luỹ có chọn lọc tinh hoa võ công của các tông phái, võ công Thiếu Lâm đã phát triển đến trình độ thượng thừa, sản sinh ra vô số những cao thủ võ lâm huyền thoại.

Cuối đời Tống, nội bộ trong Thiếu Lâm Tự đã phát triển vượt ra ngoài tầm kiểm soát, trước tình hình ấy, vào năm 1333 Đại hội võ thuật Thiếu Lâm đã khai mở tại Tàng Kinh Các với sự tham gia của 700 trưởng tràng các chi phái vốn là môn đồ Thiếu Lâm. Đại hội đã ấn định nguyên tắc và tiêu chuẩn hoá hệ thống võ thuật Thiếu Lâm, đồng thời sửa lại những quy định đã lỗi thời. Dưới sự chủ trì của đại sư Giác Viễn, Đại hội đã tiến hành xắp sếp, phân loại, và tổng hợp thành 72 pho tuyệt kĩ võ công với tên gọi “Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công niên tuyệt kĩ”.

Đời Minh, Thiếu Lâm lấy côn pháp làm bửu bối trấn sơn bắt đầu có tiếng tăm trong võ lâm, nổi bật nhất trong số những cao thủ võ đương thời xuất thân từ Thiếu Lâm Tự là võ sư Trình Tòng Du (Trình Xung Đẩu). Tuy vậy, côn pháp Thiếu Lâm khi ấy cũng phải trải qua nhiều phen học hỏi các võ phái khác mới có thể trở thành một lưu phái lừng danh xứng với danh hiệu “Thái Sơn bắc đẩu võ lâm”. 

Theo sử liệu ghi chép lại, đời Minh, Dũ Đại Du, một chiến tướng giàu kinh nghiệm trận mạc trong một lần phụng mệnh nam chinh thảo phạt giặc Oa Khấu (giặc Nhật) có ghé qua chùa Thiếu Lâm. Tại đây các chư tăng Thiếu Lâm có biểu diễn côn pháp cho Du xem, Du xem xong phê rằng: “Chùa này dùng côn pháp vang danh thiên hạ, vì truyền lâu nên bị sai lệch, mất đi chổ thâm diệu” -.Trụ trì chùa Thiếu Lâm khi ấy đã tiếp nhận phê bình và mời Du chỉnh lý côn pháp. Vì thời gian xuất chinh gấp rút nên không thể ở lại lâu, nên trụ trì đã chọn 2 đệ tử xuất sắc của mình là Tấn Tòng và Tông Kình đi theo trong cuộc nam chinh. Suốt thời gian 3 năm, Tấn Tòng và Tông Kình đã được Dũ Đại Du truyền hết tuyệt học côn pháp.

Côn pháp là gốc của mọi binh khí, sau khi côn pháp Thiếu Lâm đạt đến mức độ thâm thuý tinh diệu thì thương pháp cũng bắt đầu trở nên nổi tiếng. Vào đầu thời Thanh, quyền thuật Thiếu Lâm Tự bắt đầu phát triển rực rỡ, đặc biệt là đời Thuận Trị, Khang Hy, quyền pháp đạt đến mức độ tối tinh cùng với đó là sự hình thành và phát triển của các hệ chi phái Thiếu Lâm khắp miền Nam - Bắc Trung Hoa như Vĩnh  Xuân, Nga Mi, Côn Luân, Thiếu Lâm Không Động, v.v… cùng với đó là các môn quyền thuật mới của các môn đồ Bắc Thiếu Lâm vùng Sơn Đông, Hoa Bắc và Nam Thiếu Lâm ở Tuyền Châu (Phúc Kiến), Quảng Đông, Hoa Nam, các môn quyền thuộc các võ phái nhỏ vô danh đang lưu truyền trong dân gian.

Nguyên nhân của sự phát triển mạnh mẽ này là do sự bất mãn với Thanh triều, các tổ chức “phản Thanh phục Minh” quyết tâm dùng võ thuật gây dựng lực lượng đứng lên đấu tranh. Đi đầu chính là võ phái Thiếu Lâm Tự.
 


Các võ tăng quanh năm luyện tập không quản mưa nắng.

Truyền bá sâu rộng

Lịch sử võ học Trung Hoa còn ghi lại, vào thời này, các võ tăng Thiếu Lâm sau khi luyện thành bèn mượn cớ vân du giáo hoá chúng sinh đi khắp nơi để truyền thụ võ công bản tự. Các cao thủ võ lâm đương thời như Cam Phụng Trì, Bạch Thái Quan, Lã Tứ Nương… đều xuất thân từ Thiếu Lâm. Các võ sư dưới sự áp bức chính trị của triều đình Mãn Thanh đã rời chùa, truyền bá võ công Thiếu Lâm khắp nơi, làm cho danh tiếng Thiếu Lâm càng vang xa.

Sau bao thế kỷ gắn liền với những thăng trầm biến cố, chùa Thiếu Lâm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Võ công Thiếu Lâm ngày nay phát triển mạnh mẽ khắp toàn thế giới với hàng chục triệu môn sinh, không còn bó hẹp trong phạm vi một nước Trung Hoa. Hiện nay, võ công Thiếu Lâm có một hệ thống quyền thuật rất phong phú, đa dạng với 708 bài quyền được ghi chép trong quyền phổ, trong đó các bài quyền binh khí chiếm 552, cùng với đó là 72 tuyệt kỹ võ công như quyền cước, cầm nã, giao đấu, trật đả, điểm huyệt… Khí công với 156 bài.

Sự phát triển của võ thuật Thiếu Lâm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ giới võ thuật thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Ở Việt Nam, võ công Thiếu Lâm được du nhập vào từ rất lâu thông qua những Hoa kiều đến lánh nạn thời nhà Thanh, cũng như các tư thương đến làm ăn buôn bán. Những cái tên nổi bật đã trở thành huyền thoại trong làng võ học Việt Nam xuất thân từ võ công Thiếu Lâm có thể kể đến như võ sư Đoàn Tâm Ảnh, Đặng Tây, Diệp Trường Phát (cụ Sáu Tàu), Hà Châu, Trần Tiến, Minh Cảnh, Nguyễn Phi Long…

Hiện nay, tên gọi của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam đều có danh từ Thiếu Lâm ở phía trước tên riêng môn phái. Điều này cho thấy gốc gác cội nguồn của dòng võ thuật cổ truyền tại Việt Nam đều đã được các quyền sư tổ trân trọng lưu giữ.
 
Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Thiếu Lâm Tự “lịch sử và huyền thoại”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.