Thiên trường trong sự nghiệp của vương triều Trần

09/09/2019 15:53

Theo dõi trên

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Hợi, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 8 (1239). Mùa xuân tháng giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó. Sai về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện”(1).

Công trình nhà cửa, cung điện mà Phùng Tá Chu đã dành trọn phần cuối cuộc đời để xây dựng không chỉ đơn thuần là nơi vua và hoàng tộc nghỉ chân mỗi khi qua lại quê hương mà lịch sử đã chứng minh nó là căn cứ chiến lược về nhiều mặt, nhất là khi có chiến tranh xảy ra. Căn cứ đó gồm có hai cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa là nơi ban định triều nghi ở trung tâm, bao quanh là bốn hành cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ. Các cung này đều án ngữ các con sông Hoàng Giang, Vĩnh Giang, Nhị Hà, Vị Hoàng như một vành đai bảo vệ phía ngoài cho hai cung điện. Không chỉ có vậy, một loạt điền trang thái ấp của thân vương quý tộc Trần được đóng ở những vị trí xung yếu, sẵn sàng tiếp ứng khu vực hai cung điện khi cần.
 


(Ảnh Internet)

Thời nhà Trần, mối đoàn kết trong nội tộc đặc biệt được coi trọng. Vua Trần Thánh Tông từng nói: “Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tông, người giữ cơ nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là anh em ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì lúc đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”(2). Chính vì vậy mà thời Trần, ngoài quân đội thường trực đặt dưới quyền cai quản trực tiếp của triều đình, các vương hầu quý tộc đều có lực lượng vũ trang riêng cả. Lúc thường thì đấy là lực lượng bảo vệ phủ đệ, phát triển sản xuất, tích trữ lương thực, dự trữ sức người nhưng khi có chiến tranh, số thân binh có thể tăng lên và trở thành một bộ phận quan trọng trong toàn bộ lực lượng vũ trang tham gia cuộc kháng chiến. Trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, các đội quân này đều lập được những chiến công xuất sắc. Sử gia Ngô Sĩ Liên cho biết thêm: “Theo quy chế nhà Trần, các vương hầu ở phủ đệ của mình, khi chầu hầu thì đến kinh đô, xong việc thì lại về phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh đều thế cả… Vả lại, như năm Đinh Tỵ đời Nguyên Phong (1257), giặc Nguyên sang cướp, các vương hầu cũng đem gia đồng và hương binh thổ hào làm quân cần vương”(3). Điều dễ dàng nhận thấy là các thái ấp của các thân vương quý tộc đều được bố trí phía nam Thăng Long, trong đó thái ấp trên trục đường nước Thăng Long - Thiên Trường là đậm đặc nhất. Điều này thể hiện nhà Trần rất chú trọng bảo vệ con đường Bắc - Nam nối hai trung tâm chính trị lớn nhất nước bấy giờ: Thăng Long - Thiên Trường. Ngoài ra, quanh khu vực Thiên Trường, sở hữu hệ thống điền trang thái ấp đều là những người trong tôn thất mà không có người ngoại tộc như: thái ấp A Sào, Bảo Lộc thuộc quyền sở hữu của hai cha con Trần Liễu, Trần Hưng Đạo; thái ấp Lựu Phố, Lộc Quý thuộc quyền của Trần Thủ Độ; thái ấp Cao Đài, Hậu Bồi thuộc Trần Quang Khải… Điều đó không chỉ làm tăng thêm tính cộng đồng trách nhiệm, tạo nên sức mạnh đoàn kết nội tộc mà còn biến Thiên Trường trở thành một lãnh địa tuyệt đối an toàn, tin cậy mỗi khi nước nhà có biến.
 
Đầu năm 1258, đại quân Mông Cổ vượt qua biên giới, tấn công vào nước ta. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất này, hành cung Tức Mặc trở thành một hậu cứ lợi hại của quân đội nhà Trần. Để giúp cho quan quân triều đình yên tâm đánh giặc, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung là phu nhân Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đã đưa thái tử cùng vợ con của quan tướng, hoàng thân quốc thích về lánh nạn ở Tức Mặc. Không chỉ chăm lo việc chăm sóc hoàng tộc, Linh Từ quốc mẫu còn đi thu thập tất cả những vũ khí còn cất giấu trong các thuyền lánh nạn để gửi ra cho quân đội nhà Trần trực tiếp chiến đấu.
 
Sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, nhà Trần lại càng chú ý đến việc xây dựng nơi đây trở thành một quân doanh để phòng bị. Quân doanh đó đóng dọc theo các con sông nhỏ nối ra sông Hồng. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), quân triều đình quyết định rút lui từ Thăng Long về vùng Thiên Trường, Trường Yên. Từ Thăng Long, Thoát Hoan huy động đại quân đánh xuống Thiên Trường. Quân Toa Đô ở Thanh Hóa cũng được lệnh tiến công ra Trường Yên. Quân thù tập trung binh lực, tạo thành hai gọng kìm hòng tiêu diệt quân ta. Nhưng Trần Quốc Tuấn đã có cuộc hành quân đầy mưu trí để đánh lạc hướng kẻ thù, thoát khỏi thế bao vây. Từ Thiên Trường, một bộ phận quân ta rút về các lộ Đông - Bắc (Hải Phòng - Quảng Ninh) để dụ quân địch đuổi theo rồi chờ khi đạo quân Toa Đô vượt ra Thanh Hóa tiến vào Trường Yên thì quay vào chiếm Thanh Hóa làm hậu cứ. Toa Đô vừa vất vả tiến ra Trường Yên lại được lệnh đánh vào Thanh Hóa. Đến đây, âm mưu của địch bao vây tiêu diệt quân chủ lực và bộ máy đầu não kháng chiến của ta bị thất bại hoàn toàn. Rõ ràng bộ máy đầu não kháng chiến của quân Trần đóng tại Thiên Trường, quân đội chủ lực cũng đóng tại đây. Chỉ tiếc rằng đến nay vị trí cụ thể của quân doanh đó vẫn chưa thể xác định.
 
Bên cạnh việc bố trí các phòng tuyến, giao thông thuận lợi, nhà Trần còn tạo lập hai kho lương quan trọng đảm bảo gìn giữ cung cấp đủ lương thực cho quân lính khi cần. Kho lương A Sào (Thái Bình) không chỉ tọa lạc tại một vùng có đất đai phì nhiêu mà còn là nơi tiếp giáp của hai con sông quan trọng là sông Luộc và sông Hóa. Từ đây có thể ngược sông Luộc lên cửa Hải Thị gặp sông Hồng từ kinh đô Thăng Long chảy qua phủ Thiên Trường rồi ra cửa biển Giao Hải. Vùng A Sào ở vào vị trí xung yếu như vậy nên được nhà Trần hết sức quan tâm. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1288), kho lương A Sào đã đóng một vai trò quan trọng đối với chiến trường phía bắc như Lạng Giang, Chương Dương, Tây Kết, Bạch Đằng. Ngoài ra kho lương thứ hai là Trần Thương (Hà Nam) nằm bên sông Hồng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với con đường Thăng Long - Thiên Trường. Trong hai cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1258), lần thứ 2 (1285), hoàng thân, tôn thất nhà Trần đều đã từng rút lui từ Thăng Long theo đường sông Hồng vào sông Đại Hoàng rồi về căn cứ địa Thiên Trường. Trong những lần rút lui, tiến công này hàng loạt trận đánh trên sông Thiên Mạc (Lý Nhân, Hà Nam) cùng các trận khác như trận đánh đồn A Lỗ, trận Đại Mang…đều có sự phục vụ, cung cấp lương thực kịp thời của kho lương Trần Thương. Mặc dù sử sách không đề cập tới sự đóng góp của kho lương này, nhưng tên gọi Trần Thương nghĩa là kho lương nhà Trần cùng dấu ấn vật chất xung quanh khu vực ngôi đền Trần Thương hiện nay đã làm sáng tỏ truyền thuyết dân gian là đúng, khẳng định vai trò của một kho lương chiến lược. Ở đây trong quá trình canh tác, xây dựng, nhân dân đã bắt gặp nhiều nồi đồng, mảnh gốm sứ của bát đĩa với màu men, phong cách trang trí của nghệ thuật gốm sứ Trần. Điều đặc biệt hơn nữa, trong quá trình tôn tạo, đào móng ngôi đền Trần Thương, người ta đã tìm thấy nhiều vỏ thóc xen lẫn các bát đĩa, lại càng khẳng định dấu ấn của một kho lương (4).
 
Đối với lực lượng bảo vệ hành cung Thiên Trường, ngoài binh lính trong các điền trang thái ấp bao quanh thì những binh sĩ quê ở phủ Thiên Trường là lực lượng chính bảo vệ hành cung cùng các phủ đệ của vương hầu quý tộc đóng trên địa bàn. Cũng chính vì vậy mà những người dân ở vùng quê hương nhà Trần không được đi thi văn vì sợ khí lực kém đi. Năm 1281, nhà Trần lập nhà học ở phủ Thiên Trường nhưng lại cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học. Quy định này đã được duy trì khá nghiêm ngặt. Năm Quý Hợi (1323) vua Trần Minh Tông ngự đến nhà Thái học, có người tên là Mặc trong quân Thiên Thuộc ở Hoàng Giang đã dự thi và trúng khoa thi Thái học sinh, vua xuống chiếu bắt trở lại quân ngũ, làm quân tại quân Thiên Đinh. Người này sau thi đánh gậy lại đỗ bậc cao (5).
 
Ngọc phả chùa Cả thuộc thôn Đệ Nhất, một trong những hành cung thời Trần, viết về sự kiện hai anh em Phạm Ngộ, Phạm Mại đã chỉ huy cánh quân phía đông lập ba đồn binh phòng thủ cung Trùng Quang (6). Bia đá Thiên Trường phủ Đệ Nhị bia ký tại chùa thôn Đệ Nhị, xã Mỹ Trung còn cho biết khu vực này là nơi đội quân Thiên Thuộc, Tứ Thủ trấn giữ, sẵn sàng bỏ mình vì nước. Truyền thuyết và ngọc phả đình Tây thôn Đệ Tam cũng cho biết trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ngôi chùa Đệ Tam là một trong những trạm chăm sóc những binh lính nhà Trần bị thương trong chiến đấu. Xa hơn chút nữa, dưới sự chỉ huy của các vị tướng Trần Phạm, Bùi Khiết, Bùi Tuyết và Trương Long, nhân dân xã Xối Đông (nay là xã Trung Đông, huyện Trực Ninh) cùng với binh lính lập nên ba đồn binh (đồn Thượng, đồn Trung, đồn Hạ) phối hợp với gia binh thái ấp Vân Đồn (Nghĩa An, Nam Trực) của Trần Khánh Dư tổ chức nhiều trận đánh lớn, góp phần quan trọng cùng quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (7), bảo vệ mặt biển phía nam của Thiên Trường. Chính vì cách thức bố trí về lương thực, quân sĩ, thái ấp như vậy mà trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, mặc dù kinh thành Thăng Long đều bị giặc chiếm đóng, song trong cả ba lần đó Tức Mặc cùng với Trường Yên, Ninh Bình và kinh thành Thăng Long đã tạo thành thế chân vạc, ỷ dốc, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử…
 
Năm Giáp Thân (1344), triều Trần có sự thay đổi một số chức quan trong triều thì đồng thời cũng đặt ra chức Thái phủ và Thiếu phủ ở Thiên Trường. Như vậy, về mặt tổ chức hành chính, nhà Trần đã đặt Thiên Trường là một phủ rất trọng yếu. Điều khác với triều Lý là nhà Trần không chỉ coi Thiên Trường là quê hương, là nơi có miếu mạo dòng họ nhà vua mà còn là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Thái thượng hoàng nhà Trần, duy trì nhất quán sự bàn giao thế hệ cầm quyền bằng chế độ Thái thượng hoàng. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Gia pháp nhà Trần, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thánh từ, xưng là Thượng hoàng cùng trông coi chính sự. Thực ra chỉ truyền ngôi để yên việc sau, phòng khi mất mà thôi, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định cả. Vua nối ngôi không khác gì Hoàng thái tử”(8).
 
Ở Thăng Long thì Thượng hoàng ở cung Thánh từ, nếu về Thiên Trường thì Thượng hoàng ngự ở cung Trùng Quang. Phan Huy Chú viết: “Các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về ở Thiên Trường”(9). Mặc dù đã lui về Thiên Trường nhưng Thượng hoàng vẫn quan tâm đến chính sự và vẫn có quyền hành, kể cả quyền phế truất vua nọ, lập vua kia. Thượng hoàng ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ. Cũng có khi Thượng hoàng đột xuất lên kinh đô để kiểm tra công việc chính sự của vua.
 
Từ những tư liệu trích dẫn, có thể khẳng định thời Trần, vùng đất Tức Mặc đóng một vai trò quan trọng. Vùng đất này không chỉ là đất phát tích, quê hương và đất thang mộc nhà Trần, là nơi các Thái thượng hoàng nghỉ ngơi mà còn là được các vua Trần xây dựng thành một căn cứ địa quan trọng, vững chắc, an toàn cho hoàng tộc. Qua đó có thể thấy nhà Trần đã tạo lập được mối liên hệ phù hợp, mang tính chiến lược giữa hai vùng đất Thăng Long - Thiên Trường, trong đó Thăng Long là kinh đô của đất nước nhưng Thiên Trường mới là đầu não chính trị của Đại Việt bấy giờ.
 
_______________
 
1, 2, 3, 5, 8. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.17, 37, 32, 108, 30.
 
4. Hồ sơ lý lịch di tích lịch sử - văn hóa đền Trần Thương.
 
6. Hồ sơ lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Đệ Nhì, Nam Định.

7. Hồ sơ lý lịch di tích lịch sử văn hóa đền Vân Đồn, Nam Định

9. Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr.81.
 
Vũ Đại An
Tạp chí VHNT số 325

Bạn đang đọc bài viết "Thiên trường trong sự nghiệp của vương triều Trần" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.