Thiên nhiên Huế, tuyệt tác của tạo hóa

30/11/2016 09:36

Theo dõi trên

Là người Việt, ai cũng được một lần đến Huế, cố đô của nước Đại Việt xa xưa. Cũng như khách muôn phương háo hức đến Huế không chỉ để thưởng ngoạn kiến trúc kinh kỳ và những di sản độc đáo trong văn hóa Việt Nam mà còn để thưởng ngoạn những danh thắng, di tích nổi tiếng ở vùng đất này.



Cầu Trường Tiền - sông Hương - Ảnh tư liệu
Sông Hương, núi Ngự

Sông Hương xuất phát từ dãy Trường Sơn hùng vĩ trùng điệp theo nhau về xuôi rồi lại hợp nhau thành hai nhánh chính Tả Trạch và Hữu Trạch, đến Bằng Lãng thì cùng hợp nước uốn lượn quanh co giữa một vùng rừng núi bạt ngàn xanh ngắt rồi đổi hướng rẽ về Đông lững lờ trôi ngang kinh thành Huế để nhập vào phá Tam Giang trước khi đổ vào biển khơi.

Khi tìm về nguồn gốc tên Hương dành cho con sông hiền hòa này là câu chuyện đầy vẻ thần bí: Chuyện rằng, khi xưa Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đều đóng tại làng Kim Long. Đến khi chúa Nguyễn Phúc Thái (có sách ghi là Nguyễn Phúc Trăn) nối nghiệp, một hôm nằm ngủ thì mơ thấy một bà mụ già đầu tóc bạc phơ bảo với chúa rằng:

“Ngài hãy thắp một nén hương bắt đầu từ đồi Hà Khê, đi về hạ lưu, đến chỗ nào hương tàn thì đó là nơi đóng đô, và cơ nghiệp đó sẽ muôn đời bền vững”. Chúa giật mình thức dậy và ngay sáng hôm sau đi đến ngang nơi này thấy địa thế rất đẹp, phía Nam có một ngọn núi trông giống như một cái bình phong, hai bên có hai ngọn núi khác thấp hơn đứng chầu (núi Ngự), nên quyết định dời đô về đây.

Nếu có dịp, bạn nên xuống thuyền lênh đênh trên dòng Hương vào một đêm trăng, bên tiếng sình, tiếng phách, nghe điệu nam bình, nam ai, tứ đại cảnh, tiếng hò Huế nhẹ nhàng thanh thoát trầm trầm vang xa, thoảng hương trầm thơm ngát, nhìn ánh trăng soi bóng lung linh trên dòng Hương mới thấy được con sông Hương nó đẹp và thơ mộng như thế nào. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hóa, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thuỷ hữu tình của Huế. Núi Ngự Bình cao 105m, giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Đứng tên đình Ngự Bình, phóng tầm mắt nhìn thấy kinh thành Huế ẩn hiện lâu đài thành quách giữa một màu xanh của cây cối, sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co, và xa hơn nữa là những đồi cát trắng tận mãi biển Thuận An, thấy Huế hấp dẫn nhường nào...

Núi Bạch Mã

Đến núi Bạch Mã, bạn sẽ dành một ngày để khám phá cho mỗi đường mòn của ngọn núi này. Leo núi mà không cầu kỳ, bạn chỉ cần một đôi giày thể thao, tất cao cổ chống vắt là bạn có thể lần theo các con đường mòn như: đường Trĩ Sao, dẫn bạn đến thác Trĩ Sao, nơi có rất nhiều chim trĩ sao đang sinh sống. Hoặc đường mòn thác Đỗ Quyên, bạn sẽ đến thác Đỗ Quyên cao 300m, bạn sẽ được xem hoa đỗ quyên nở đẹp mê hồn, nhất là vào tháng 3 và tháng 4. Rồi cùng theo đường mòn để đến thác Ngũ Hồ  với 5 hồ nước trong xanh duyên dáng đang chờ bạn vẫy vùng. Cũng vậy bạn sẽ theo đường mòn Hải Vọng Đài, ở độ cao 1.450 m, bạn có thể nhìn thấy cảnh quan bao la hùng vĩ của các dãy núi nối tiếp ra tận biển Đông. Khí hậu của núi Bạch Mã luôn thấp hơn 7-10 độ C so với những vùng lân cận, là nơi đa dạng sinh học với 2.147 loài thực vật và 1.493 loài động vật, trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam...



Nhà vườn tại Huế - Ảnh tư liệu
Nhà vườn Huế

Nhà Vườn Huế, đã, đang trở thành sản phẩm du lịch được du khách trong nước và quốc tế yêu thích, muốn đếm tham quan, chiêm nghiệm mỗi lần đến Huế. Tại Huế, có khoảng 7.178 nhà vườn, trong đó có 4.228 nhà vườn đẹp, diện tích từ 400m2 đến 600m2 trở lên.Trong khu nhà vườn có nhà Rường, được làm bằng gỗ tốt, chạm trổ cầu kỳ, kết cấu tinh xảo. Với các dạng nhà Rường: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu, tạo cho Huế một nét rất riêng không nơi nào có được. Nhà Rường trưng bày cầu kỳ gồm sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối.., bày biện theo phong cách xưa, tạo thần thái riêng biệt chỉ có ở Huế. Huế có 705 nhà Rường và 186 nhà cổ thuộc diện quý hiếm.

Hầu hết kiến trúc nhà vườn Huế đều xây dựng theo quy luật “dịch lý” và “phong thủy” gồm: Cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân nhà. Cổng thông thường được xây bằng gạch, lối vào được trồng những hàng dâm bụt hoặc chè tàu được cắt xén cẩn thận dẫn vào bức bình phong, sau bình phong là bể cạn, hòn non bộ, hồ trồng sen, hoa súng và nuôi cá cảnh… Nhà vườn Huế có nhiều ở phường Kim Long, Gia Hội, Phú Hiệp Vỹ Dạ, Phú Mộng, Phường Đúc, An Cựu, Bao Vinh, Nguyệt Biều…Trong đó nhà vườn An Hiên ở Kim Long, nhà vườn Phủ thờ  Công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn phủ Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Thường Lạc, nhà vườn Gia Hưng Vương... đang được du lịch Huế khai thác tốt.

Đồi Vọng Cảnh

Đồi Vọng Cảnh không đẹp bằng Núi Ngự Bình, nhưng đúng như tên gọi của nó vì đứng ở trên đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được phong cảnh nên thơ của thành phố Huế đặc biệt là khu Lăng tẩm của các vua Nguyễn và dòng sông Hương chảy ngang thành phố. Từ đồi Vọng Cảnh còn có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn, cam, quýt, thanh trà... chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc... Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi... Thiên nhiên nơi đây cũng thật đẹp, không khí dìu dịu của buổi chiều êm ả, hướng mắt nhìn ra mọi phía để cảm nhận hết tuyệt tác của thiên nhiên xứ Huế.

(Theo baodulich.net.vn) 

Bích Trâm
Bạn đang đọc bài viết "Thiên nhiên Huế, tuyệt tác của tạo hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.