“Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” được tái hiện qua hàng nghìn hiện vật, cổ vật gắn với đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

06/12/2023 08:34

Theo dõi trên

Ngày 5/12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt, nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm khai mạc không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai”. Đây là không gian trưng bày gồm hàng ngàn hiện vật, cổ vật gắn với đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

1-pho-ct-1701772218-1701826271.jpg
Quang cảnh khai mạc không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai”

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn không gian trưng bày như một bảo tàng mở phục vụ hoàn toàn miễn phí, để người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách và Nhân dân khi đến với không gian Tây Nguyên ngay giữa lòng Phố núi Pleiku. Ngành văn hóa, bảo tàng tỉnh xem không gian là hoạt động mới để giới thiệu văn hóa và các hiện vật dân tộc học đến với người dân và du khách. Đồng thời, qua hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh, thế hệ trẻ sẽ được trang bị kiến thức về di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên bằng những hoạt động ngoài sách vở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tôi hy vọng người dân và du khách sẽ có một không gian văn hóa trải nghiệm thú vị, đồng thời chung tay cùng ban tổ chức bảo vệ, gìn giữ hiện vật, góp phần vào hoạt động bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

6-1701772057-1701826312.jpg
Căn nhà rông hình ảnh quen thuộc của bà con DTTS Tây Nguyên

Không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” sẽ diễn ra từ ngày 5/12/2023 đến hết năm 2024. Theo đó, các hiện vật được trưng bày thành từng nhóm chủ đề như các sưu tập gùi cổ, sưu tập trống da trâu, các loại nỏ săn bắn, các nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, vườn tượng gỗ, sưu tập ghè, choé cổ...

Điểm nhấn trong sự kiện trưng bày là chiếc ghế “độc nhất vô nhị” của Vua Voi Tây Nguyên và sưu tập bộ dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng vô cùng độc đáo trên 100 năm tuổi.

8-1701772209-1701826346.jpg
Dệt thổ cẩm, nét văn hóa truyền thống của bà con DTTS

Cùng với hiện vật, không gian trưng bày còn tái hiện đời sống văn hóa, sinh hoạt đời thường của cư dân Tây Nguyên. Đó là những nếp nhà sàn có bóng dáng người phụ nữ cần mẫn bên khung dệt; phục dựng ngôi nhà rông Bahnar vững chãi cùng vô số hiện vật dân tộc học trên vách nhà.

2-1701772215-1701826379.jpg
Những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống của bà con DTTS ở Gia Lai

Đây cũng là chương trình, nhằm triển khai có hiệu quả Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, sự cần thiết tạo ra không gian tái hiện các giá trị văn hóa, trưng bày hiện vật mang đậm bản sắc Tây Nguyên.

3-1701772213-1701826462.jpg

Thông qua trưng bày sẽ giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua đó tiếp tục động viên bà con giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; cùng với các hoạt động, sự kiện khác của tỉnh tạo điểm đến thu hút khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

1-1701772213-1701826434.jpg
7-1701772219-1701826409.jpg

Theo ban tổ chức, không gian trưng bày sẽ được triển khai 2 giai đoạn. Giai đoạn 2 bắt đầu từ 20/12 sẽ bổ sung, hoàn chỉnh toàn bộ các hiện vật và hoạt động trong không gian trưng bày. Thông qua trưng bày sẽ giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua đó tiếp tục động viên bà con giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Lê Quang Hồi
Bạn đang đọc bài viết "“Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” được tái hiện qua hàng nghìn hiện vật, cổ vật gắn với đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.