Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới

24/10/2022 15:17

Theo dõi trên

Đối với dân làng chài, ngôi tháp cổ rất linh thiêng; ngoài việc dâng hương ngày rằm, mùng một hàng tháng, vào các dịp lễ tết mọi người đến cầu nguyện xin được bình an cho người thân khi dong thuyền ra khơi đánh cá xa bờ...

thap-co-phu-dien-5-1665297469-1666599289.jpg
Tháp cổ nhìn từ trên cao theo Liên minh Kỷ lục Thế giới - WorldKings

Tháp cổ nằm bên một bãi tắm tự nhiên lặng sóng êm ả, bờ biển rất sạch, thoai thoải, có thể đi bộ ra xa hàng trăm mét. Từ khi được quy hoạch thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, ở đây đường sá, được xây dựng kiên cố, có nhà nghỉ, nhà hàng, wifi và điện thắp sáng, nước sạch, bãi đỗ ô tô, xe máy miễn phí.

Sau 13 thế kỷ bị vùi lấp trong cát, công nhân đào xới quặng titan tại bờ biển Mỹ Khánh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện một tháp Chăm cổ, vào tháng 5/2001. Lập tức Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành bảo vệ tháp bằng cách xây dựng nhà kính, dựng nhiều cột chống nghiêng đổ, xây đê bao tránh cát bay và chặn nước mưa xói mòn.

thap-co-phu-dien-4-1665297417-1666599322.jpg
Dịch vụ du lịch biển đang phát triển.

Khai quật vào tháng 9/2001, nhận thấy tháp cổ bị vùi sâu dưới cát từ 5 - 7m, thấp hơn mực nước biển 3 - 4m, cách bờ biễn 120m. Căn cứ vào điểm phát hiện tháp cổ, mới thấy bờ biển đã bị xâm thực khốc liệt, hiện nay nước biển chỉ còn cách tháp cổ khoảng 300m. Theo các nhà chuyên môn nghiên cứu, tháp cổ có niên đại sớm nhất ở miền Trung, xây dựng vào thế kỷ 8 bằng chất liệu bền vững.

Nhìn ngoài vào, tháp có 1 bệ thờ lộ thiên và 4 cửa, cửa chính quay ra biển đông đã bị sạt đổ một bên, 3 cửa hướng Nam khá nguyên vẹn và cửa hướng Tây nứt vòm. Trong tháp có một Youni hình vuông, giữa có đế hình tròn để thờ Linga.

thap-co-phu-dien-3-1665297368-1666599353.jpg
Nhà kính che mưa nắng cát bay, chống nghiêng đổ, chặn nước xói mòn.

Trải qua hàng trăm năm, màu gạch vẫn đỏ hồng tươi tắn, các bậc lên xuống vẫn chắc chắn. Theo nghiên cứu khoa học, gạch làm bằng đất sét nung ở nhiệt độ cao, kết dính bằng kĩ thuật mài với nhớt cây “ô dước”. Đây là ngôi tháp có kiến trúc lớn nhất vùng từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, mà chưa có tài liệu nào nói đến. Cách tháp 60m về phía biển Đông, còn tìm thấy vết tích của một con đê và những hàng cọc gỗ quý để chắn sóng. Xem xét về kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, các họa tiết trang trí đều mang phong cách kiến trúc Ấn Độ giáo.

thap-co-phu-dien-2-1665297274-1666599386.jpg
Nhà trưng bày các di chỉ khảo cổ của tháp có niên đại từ thế kỷ thứ 8

Sau khi tháp cổ dược trùng tu, tôn tạo, xung quanh bãi biển các nhà làm dịch vụ du lịch biển dần dần mọc lên, biến đổi khung cảnh đìu hiu, hoang vắng trước đây trở thành có sinh khi hẵn lên. Tạo công ăn việc làm cho một số hộ nghèo ở địa phương. Hiện giờ tháp cổ là điểm đến trong tour du lịch “khám phá Tam Giang - Thừa Thiên - Huế” của các Công ty Vietravel Huế, Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.Huế, Công ty Du lịch Việt Đà - Đà Nẵng và Công ty CP Du lịch Đại Bàng TP.HCM.

thap-co-phu-dien-1-1665297155-1666599422.jpg
Hiện trạng phục chế con đê chắn sóng cách bờ biễn 120m.
Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên là “Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam. Đến ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới - WorldKings ra quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với tháp Phú Diên: “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới".

Vũ Hảo
Bạn đang đọc bài viết "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.