Cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 90km, thác Mây nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương có khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Thác được tạo thành từ những bậc thang từ dưới lên trên bằng những phiến đá màu vàng, kết hợp với dòng nước trong, trắng xóa tạo nên vẻ đẹp rất riêng, độc đáo.
Thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, thác được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh xanh mát, bởi vậy, nước suối quanh năm mát lạnh, trong suốt.
Thác Mây có chiều dài khoảng 100m, nước của thác được đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm. Sở dĩ người dân địa phương còn gọi thác Mây là thác “chín bậc tình yêu” là bởi, thác có 9 bậc thác gối lên nhau tạo thành con nước mềm mại, uốn lượn sóng của dải lụa trắng. Bên cạnh chín bậc thác chính, thì hai bên còn có bậc thác “cha”, thác “mẹ” và thác “con”.
Cũng theo các già làng thôn Đăng Thượng, đến giờ người dân nơi đây vẫn còn truyền tai nhau truyền thuyết 9 nàng tiên xuống tắm ở thác Mây. Chuyện kể rằng, một ngày nọ, có 9 nàng tiên bay ngang qua đỉnh núi Thạch Lâm, bỗng nhìn thấy dòng thác Mây nước chảy êm ả, trong vắt, hiền hòa. Quanh thác là những cây cổ thụ tỏa bóng sum suê. Vẻ đẹp “mê hoặc” ấy của thác Mây như lời mời gọi các nàng tiên xuống dạo chơi, thưởng ngoạn. Thấy dòng suối mát lành, các nàng tiên đã xuống tắm. Đang tắm thì có lệnh của Ngọc Hoàng gọi 9 nàng hồi cung. Nhận lệnh của Ngọc Hoàng, 9 nàng tiên vội vã bay về trời để lại chín dấu chân, nên thác có 9 bậc nối liền nhau từ cao xuống thấp.
Cũng từ truyền thuyết ấy, người dân thôn Đặng Thượng nói riêng, người dân quanh vùng Thạch Thành nói chung, luôn quan niệm rằng, những đôi lứa yêu nhau cùng tắm dưới dòng nước mát trong của thác Mây, thì tình yêu sẽ ngày càng mặn nồng. Các cặp đôi sẽ kết dung vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau, bởi thế thác còn có tên gọi khác là thác “chín bậc tình yêu”.
Những năm gần đây, khi du lịch cồng đồng ở xứ Thanh phát triển, du khách đến với các điểm du lịch cộng đồng tại xứ Thanh nhiều hơn, trong đó có thác Mây. Dưới chân thác Mây là những nếp nhà sàn của đồng bào Mường đang bắt đầu làm du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh ngủ nghỉ trong những homestay hiện đại thì du khách cũng ngắm nếp nhà sàn truyền thống hơn 200 năm tuổi của đồng bào Mường.
Thật thiếu sót nếu đến thác Mây mà không thưởng thức những món ăn mang hương vị của núi rừng. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đồng bào Mường nơi đây, các món ăn như xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu nấu lá lồm, cá thính sông Ngang, thịt lợn rừng, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng…có vị ngon đặc biệt.
Quanh dòng thác Mây, du khách cũng được hòa mình vào dòng chảy văn hóa của xứ Thanh như: Hát Mường, sắc bùa, cồng chiêng, hát giao duyên, đánh mảng, ném còn…
Được biết, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vừa phát hành bộ tem thác nước Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó có Thác Mây (Thanh Hoá).
Bộ tem gồm 4 mẫu tem với giá mặt 4.000 đ, 4.000 đ, 4.000 đ và 12.000đ. Kích thước tem 43 x 32 (mm) do họa sỹ Nguyễn Đức Lân thiết kế, giới thiệu hình ảnh một số thác nước của Việt Nam gồm: Thác Dải Yếm (Sơn La), Thác Mây (Thanh Hoá), Thác Pongour (Lâm Đồng) và Thác Suối Tranh (Kiên Giang).