Thành Đồng Hới, chứng tích bi hùng

06/03/2017 16:49

Theo dõi trên

Trải qua hàng trăm năm tuổi, đi qua bao biến thiên, đổi dời của lịch sử, di tích Thành Đồng Hới đã ghi dấu truyền thống bi hùng của bao thế hệ người dân Quảng Bình trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Và hôm nay, công trình kiến trúc phủ màu thời gian ấy đã trở thành điểm hấp dẫn cho những ai đã từng một lần đặt chân đến mảnh đất này.

Nói về công trình đặc biệt này, sách Đại Nam nhất thống chí có viết: “Thành tỉnh Quảng Bình, chu vi 479 trượng (tương đương 1.876m), cao 1 trượng (4m), dày 3 trượng 1 thước (12,4 m), mở ba cửa, hào rộng 4 trượng (16m) ở địa phận hai thôn Đồng Hải và Phú Ninh, huyện Khang Lộc. Hồi mới dựng nước, là lũy Trấn Ninh. Họ Trịnh đổ làm đồn Động Hải (vào năm 1774). Bản triều Gia Long năm thứ 10 (1812) đổi dựng làm dinh (Quảng Bình). Thành xây bằng đất. Năm Minh Mạng thứ 5 (1825) xây gạch đá”.



Giữ vệ sinh khu thành cổ cũng là cách thế hệ trẻ Đồng Hới chung tay bảo tồn di tích.

Theo người xưa, thành Đồng Hới được xây dựng trên nền của lũy Trấn Ninh – một lũy thành làm bằng đất, được nhà quân sự Đào Duy Từ cho xây dựng từ năm 1631. Trong cuốn Địa chí Đồng Hới, nhà nghiên cứu Nguyễn Tú cho rằng đại bộ phận các thành trì ở cung vua, phủ chúa hay tỉnh lỵ, phủ lỵ, thường thường có 4 cửa (có khi nhiều hơn) làm cửa ra vào khắp 5 phương, 4 hướng. Một vài thành chỉ trổ 3 cửa. Thành Quảng Bình là một trong những thành hiếm thấy với Nam Môn (cửa nam), Bắc Môn (cửa bắc), Đông Môn (cửa đông) mà không có cửa tây.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tú cũng lý giải: “Có lẽ, cũng dễ hiểu, vì đây là một bức trường thành chống địch, một công sự chiến đấu giữ đất, giữ nước, mà cả tuyến phòng ngự từ Đâu Mâu đến Nhật Lệ đã có những ba cửa quan rồi và một tuyến chiến đấu cửa thành như vậy cũng đã nhiều rồi, nên đồn Động Hải hay dinh Quảng Bình không cần thiết phải mở thêm nữa”. Lúc đầu thành được xây bằng đất, đến đời vua Minh Mạng, ông đã nhờ một viên sỹ quan Pháp thiết kế lại và xây bằng gạch vào năm 1824 theo kiến trúc vô băng, mang dáng dấp thành lũy quân sự. Đến năm 1842, vua Thiệu Trị trên đường đi tuần du ra Bắc khi qua đây đã đổi tên cũ thành tên Định Bắc Trường thành và cho tu sửa lại.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, công trình hàng trăm năm tuổi này đã chứng kiến bao thế hệ người Đồng Hới kiên cường, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của kẻ thù. Cũng như đất và người nơi đây, thành Đồng Hới đã hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của bom đạn, chiến tranh. Sau khi quân Pháp chiếm đóng Đồng Hới vào năm 1885, chúng đã chiếm thành làm nơi cát cứ. Từ phong trào Cần Vương đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành Đồng Hới luôn là điểm tựa vững chắc để quân và dân bên dòng Nhật Lệ vững vàng chiến đấu. Ngày 18-8-1954, tên Pháp cuối cùng rời khỏi thành, rút xuống tàu về nước.

Những năm sau đó, với ý đồ biến miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã trút xuống thị xã Đồng Hới hàng vạn tấn bom đạn. Đau thương, mất mát không thể nào kể xiết. Thành Đồng Hới lại một lần nữa gồng mình gánh chịu sự tàn phá khốc liệt của đạn bom quân thù. Phần lớn công trình đã bị phá hủy. Bao công sức dựng xây, tu bổ của bao thế hệ cha ông bỗng chốc chỉ còn một đống đổ nát. Đoạn thành phía Đông, 3 cổng và hai cầu Nam - Bắc đã bị sập hoàn toàn. Cầu phía Đông không còn nguyên dạng như ban đầu. Cả hệ thống thành còn 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế. Đoạn thành phía Nam còn lại 2/3 tương đối nguyên vẹn.

Tổn thất, đau thương là thế nhưng cũng chính tại nơi đây đã chứng kiến sự chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng của bao thế hệ người Đồng Hới. Thành Đồng Hới trở thành chứng tích lịch sử, là bia ghi dấu bao tấm gương người Đồng Hới anh hùng, như mẹ Suốt “Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”, hay em bé Bảo Ninh dũng cảm “Tiếp đạn cầm tay trên chiến hào/ Cho chú dân quân bắn nhào phản lực”... Thành cổ trở thành một phần ký ức thiêng liêng, đồng hành cùng nhân dân Đồng Hới đi qua những năm khói lửa chiến tranh, giai đoạn đổi mới, rồi xây dựng quê hương, tái thiết tỉnh.

Mang trong mình những độc đáo về kiến trúc và giá trị lịch sử thiêng liêng, năm 1992, thành Đồng Hới được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, rất nhiều các chính sách về đầu tư, tôn tạo di tích được đưa ra, ngõ hầu tìm phương kế tốt nhất để tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử này. Năm 2005, UBND tỉnh đã ra quyết định số 54/2005/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích – danh thắng tỉnh Quảng Bình năm 2006 – 2010.

Tiếp đến, năm 2008, UBND tỉnh lại ban hành quyết định số 2683/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phân cấp quản lý các di tích – danh thắng. Không chỉ riêng thành Đồng Hới mà từ đây, một lộ trình tu bổ chi tiết theo từng năm với những cơ chế rõ ràng đã giúp ngành Văn hóa và các địa phương có cơ sở pháp lý để triển khai tu bổ các di tích trên địa bàn tỉnh.




Thành Đồng Hới nay đã được tôn tạo khang trang hơn

Riêng thành Đồng Hới, tháng 8-2005, Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa – Thể thao) đã khởi công tôn tạo lại di tích hàng trăm năm tuổi này. Công trình được tôn tạo với nhiều hạng mục như tu bổ, chống xuống cấp các đoạn thành; nạo vét cải tạo hệ thống hồ thành; phục hồi, tu bổ kè hồ thành; nâng cấp hệ thống cống Mụ Kề để đưa nước trong hồ thành ra sông Nhật Lệ...

Đến nay, thành Đồng Hới đã cơ bản được hoàn thiện khang trang với một hệ thống tường thành được phục dựng lại bằng gạch, các lối đi cũng được lát gạch sạch sẽ. Thành Đồng Hới trở thành điểm nhấn đẹp mắt nằm soi bóng bên dòng sông huyền sử.

Năm tháng qua đi, thành cổ ấy vẫn thế, vẫn gắn bó thiết thân và rồi trở thành linh hồn thiêng liêng của mảnh đất này từ bao giờ chẳng rõ. Giữa sự ồn ã của một thành phố trẻ đang có nhiều khởi sắc, thành Đồng Hới vẫn mang dáng dấp trầm mặc, cổ kính và ẩn chứa trong đó bao câu chuyện xưa, chuyện nay. Với người Đồng Hới, đó là một phần ký ức cuộc đời họ. Riêng với những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này, nét rêu phong xưa cũ của thành cổ là điểm hấp dẫn để một lần đến là một lần dùng dằng chẳng muốn rời đi.


Ngọc Minh

Nguồn: Báo Quảng Bình
Bạn đang đọc bài viết "Thành Đồng Hới, chứng tích bi hùng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.