Thánh địa Mỹ Sơn, di sản vô cùng độc đáo của Việt Nam

18/07/2015 23:16

Theo dõi trên

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2km. Được UNESCO ghi tên vào danh sách di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.



Những dòng chữ của người Chăm được chạm trổ trên một mảng đá

Nơi giao thoa nhiều nền văn hóa

Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng vào thế kỷ 4. Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam. 

Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Những di vật đầu tiên được tìm thấy ghi dấu thời đại vua Bhadravarman I (trị vì từ năm 381 đến 413), vị vua đã xây dựng một thánh đường để thờ cúng Linga và Shiva.

Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc - thể hiện ở các đền tháp đang chìm đắm trong huy hoàng quá khứ, và về văn hóa - thể hiện ở các dòng bia ký bằng chữ Phạn cổ trên các tấm bia. Ngoài ra ở quần thể này còn có cả nhiều nền văn hóa như Indonexia, Khmer và có cả nét độc đáo của lối kiến trúc miền đồng bằng Đông Nam Á.
 


Sự giao thoa nhiều nền văn hóa được thể hiện ở các ngọn tháp

Bí ẩn chưa có lời giải

Tổng cộng quần thể Thánh địa Mỹ Sơn có hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách, mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII. Phong cách Hòa Lai thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX. Phong cách Đồng Dương từ giữa thế kỷ IX. Phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Định.

Trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện có tháp cao tới 24m, trong khu vực Tháp Chùa mà các sách khảo cổ, nghiên cứu về Mỹ Sơn có ký hiệu là tháp cổ Chăm Pa, có 2 của ra vào phía Đông và phía Tây. Thân tháp cao, thanh tú với một hệ thống cột ốp. Xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp 2 tầng tỏa ra như cánh sen. Tầng trên, chóp đá sa thạch được chạm hình voi, sư tử, tầng dưới, mặt tường là hình những người cưỡi voi, hình các thiên nữ thủy quái. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị không lực mỹ hủy hoại trong chiến tranh, năm 1969.

Vậy nhưng khu di tích Mỹ Sơn vẫn còn là “ẩn số”. Các lớp gạch đá xây dựng ở khu di tích được người Champa xây hầu như không thấy mạch vữa, mà vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. Có rất nhiều ý kiến và nhận định được đưa ra nhưng vẫn chưa có những kết luận chính xác.

 


Ngọn tháp tiêu biểu của nền văn hóa Chăm Pa



Trải qua thời gian những khu tháp vẫn giữ được trạng thái nguyên sơ ban đầu



Ngoài kiến trúc độc đáo, Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc tại một vị trí mang dấu ấn rất "Thiên linh" và có sự bao bọc của chốn núi rừng



Những trụ cột của Thánh địa Mỹ Sơn cho thấy được sự hoành tráng và vĩ đại của một Thánh địa có một không hai



Tượng thần Siva được cách điệu chạm khắc rất tinh xảo

 
Ngô Sinh

Bạn đang đọc bài viết "Thánh địa Mỹ Sơn, di sản vô cùng độc đáo của Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.