Lý do, những con tàu của Lý Sơn dù đánh bắt ngoài khơi xa hay vùng biển quanh đảo (và cả cánh thợ câu) sau đêm đánh bắt chỉ để lại một phần nhỏ đem về cho gia đình ăn, còn phần lớn chuyển vào đất liền bán chứ để nơi đất đảo thì "biết bán cho ai".
Cũng vì vậy mà trước đây nhiều người cứ nghĩ ra đảo thiếu gì cá tôm, không điện thoại nhờ dân “thổ địa” đặt trước hoặc không làm khách của các ban ngành thì khó lòng kiếm được hải sản tươi sống cho ra hồn để nhậu.
Thậm chí dân xứ Quảng quanh năm ghé đảo vài ba chuyến còn kháo nhau: “Ra đảo là đi công chuyện, còn muốn nhậu mồi ngon thì ghé các quán nhậu ở vùng cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) - khu vực tàu Lý Sơn cập đất liền".
Nhưng bây giờ đã khác, đất đảo mỗi năm đón hàng vạn khách du lịch trong nước và nước ngoài nên nhu cầu ẩm thực của du khách tăng cao. Người dân đất đảo Lý Sơn nhận ra điều này nên sẵn lòng chiều khách.
Từ sáng sớm, những chủ quán đi vét cá tươi từ những thợ câu, những con tàu ghé đảo. Những con cá dìa, cá hồng, mực ống, cá mú, nhum biển, bạch tuộc, cả tôm hùm đang cựa quậy... được thu gom chờ đêm xuống là bày ra trên sạp gỗ, nổi lửa hồng chờ khách.
Du khách sau một ngày lang thang nơi đất đảo ngắm những di tích lịch sử của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, những thắng cảnh, miếu mạo chùa chiền trở về tắm táp thì trời cũng vào đêm. Lúc này những hàng quán dân dã trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi.
Khách cứ việc đến hỏi mua theo ký, sau đó các chủ quán nhanh tay làm cá, làm mực. Dưới lửa than hồng, những con nhum biển và cá nướng bốc mùi thơm nức mũi. Đặc biệt ở Lý Sơn có cơ man các loài nhuyễn thể. Nào ốc u, ốc đụn đến sò huyết, sò lông đều được bày bán khá nhiều.
Theo yêu cầu của thực khách, chúng được đem nướng hoặc luộc rồi chấm mắm gừng hoặc muối ớt. Nhiều thực khách bị hấp dẫn với món râu bạch tuộc nướng hoặc luộc cho đậu phộng giã nhỏ và rau húng quế chấm với nước mắm ngon rồi đưa cay bằng bia, bằng rượu.
Một số thực khách có bạn bè quen thân còn rủ nhau ngược đường ra phía chùa Hang, đến gần sườn núi nơi có quán xá đã bày bán cho du khách từ khi chiều xuống.
Nhiều chủ quán cứ hít hà nếu du khách ra đảo trong dịp cuối năm âm lịch còn có thể thưởng thức món gỏi tỏi đặc trưng của xứ đảo với dư vị cay cay thơm nồng.
Trong gió biển lồng lộng, trong mồi ngon, khách cứ việc thong thả nhấm nháp và đưa cay bằng rượu ngâm hải sâm, cá ngựa. Khi men đã bốc lên, những câu chuyện về biển khơi, về bão tố, về đội hùng binh đất đảo can trường bắt đầu râm ran...
Đêm càng về khuya, gió biển càng lồng lộng. Một số du khách ngẫu hứng còn ôm đàn hát những bài hát biển khơi. Để khi kết thúc đêm nhậu lại gọi thêm món cháo cá mú, cháo hàu ăn cho nhẹ người.
Hải sản ở Lý Sơn độc đáo ở chỗ mới được đánh bắt, còn tươi nguyên. Những hàng quán không sử dụng nhiều gia vị như trong đất liền mà chủ yếu là nướng mộc chấm muối ớt, mắm gừng.
Lượt qua những hàng quán, chủ quán đa số là dân đất đảo. Họ không quen “chém chặt" du khách, bởi khách chọn lựa mồi nhậu, mặc cả giá tiền rồi mới đem chế biến thành mồi.
Theo Tuổi trẻ