Thế nhưng, bất chấp những thành quả đó, các thế lực thù địch đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn kích động, lôi kéo, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Tây Nam Bộ, phá hoại hòa bình ổn định trong khu vực, ngăn cản tiến trình PGCM, phá hoại mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa chính phủ và Nhân dân hai nước.
Chống lại thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ đoàn kết
Việt Nam và Campuchia đều bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước - một hình thái kinh tế xã hội kiểu phương Đông, cùng tương đồng về tín ngưỡng, tôn giáo… đã tạo nên sự gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Xuất phát từ truyền thống đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù chung, Việt Nam- Campuchia đã cùng sát cánh bên nhau vượt qua nhiều gian khó, hi sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng là giành được độc lập, tự do cho mỗi quốc gia - dân tộc…
Hai nước có chung đường biên giới trên đất liền khoảng 1.255km[1]; có 10 tỉnh của Việt Nam giáp biên với 9 tỉnh của Campuchia[2], và vùng biển nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang và Kampot đã xác định tọa độ các điểm tiếp giáp thông qua Hiệp định về vùng nước lịch sử được ký ngày 07/7/1982[3]...
Qua hơn 40 năm đàm phán và ký kết, hai nước đã có khoảng 84% chiều dài đường biên giới trên đất liền (so với khoảng 1.255km) được phân giới cắm mốc (PGCM) và được ghi nhận rõ ràng trên hồ sơ pháp lý cũng như trên thực địa với một hệ thống cột mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Trong đó, Kiên Giang[4] có đường biên giới trên đất liền dài 49,677km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia[5], và vùng biển nói trên[6].
Từ những cứ liệu lịch sử cho thấy quá trình mở cõi, khai phá của các thế hệ người Việt đối với lãnh thổ Việt Nam hiện nay là phương thức được thừa nhận phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế hiện hành. Điều đó ngày càng được khẳng định qua những cơ sở pháp lý được ký kết giữa Việt Nam và Campuchia từ năm 1979 - 2020[7]... Đó cũng là cơ sở quan trọng để chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của hai nước phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa hai nước và các địa phương hai bên biên giới trên nhiều lĩnh vực…
Thế nhưng, bất chấp những thành quả đó, các thế lực thù địch đã dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn kích động, lôi kéo, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Tây Nam Bộ, phá hoại hòa bình ổn định trong khu vực, ngăn cản tiến trình PGCM, phá hoại mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa chính phủ và Nhân dân hai nước.
Chúng xuyên tạc nguồn gốc lịch sử của người Khmer và lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam; chúng lôi kéo những người chống đối, kích động người Khmer trong nước; chúng ra sức khai thác triệt để vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”[8], sử dụng không gian mạng để viết bài, bình luận, phát tán các tài liệu xuyên tạc, chia sẻ công kích, tuyên truyền chống phá, chia rẽ đồng bào Khmer Nam Bộ với người Kinh, nhằm phá vỡ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa chính phủ và Nhân dân hai nước, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta và Nhân dân ta...
Xây dựng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp
Trước tình hình đó, tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác định hướng, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, như: Chủ động nâng tầm quan hệ đối ngoại Đảng, chính quyền, ngoại giao Nhân dân, chú trọng duy trì thúc đẩy phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành của Campuchia, nhất là các tỉnh giáp biên; thường xuyên tuyên truyền thành quả công tác PGCM biên giới trên đất liền, nhất là đoạn biên giới do tỉnh quản lý (đã ký kết nghĩa được 05 cặp xã, 05 cặp ấp và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong sản xuất, giao lưu văn hóa…); tuyên truyền cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Tây Nam Bộ.
Tăng cường đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, biên soạn và phát hành 32.100 tài liệu liên quan[9]...
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng lịch sử, truyền thống của địa phương đến cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh; duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với thanh niên các tỉnh Kampốt, Kép, Preah Sihanouk, Koh Kong với phương châm“Kề vai cùng phát triển”.
Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp thanh niên hai bên tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về công tác thanh niên, hiểu về các Hiệp ước, Nghị định thư; các hoạt động hữu nghị, giao lưu văn hóa - thể thao, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo thuộc các tỉnh giáp biên,...
Cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng“thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; tổ chức thực hiện tốt các phong trào an ninh biên giới[10], đẩy mạnh tuyên truyền về biên giới trên biển, vùng nước lịch sử; ký kết giao ước thi đua về xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển giữa các tỉnh giáp biên; phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong việc thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW của Ban Bí thư[11]...
Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc tình đoàn kết hữu nghị, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của nhân dân và chính phủ hai nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời định hướng các cơ quan báo chí, thông tin - truyền thông trong tỉnh, từ năm 2020 đến nay có trên 1.000 tin bài tuyên truyền cơ sở pháp lý về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, biển, đảo, tình hình PGCM, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia.
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp đấu tranh trên không gian mạng, kịp thời có các biện pháp xử lý, chấn chỉnh, phản bác các trường hợp đăng tin, bài sai sự thật, không phù hợp, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ, quản lý biên giới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang...
Từ đó phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia; kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề lịch sử vùng đất Tây Nam bộ góp phần xây dựng quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam – Campuchia; khẳng định: Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, lãnh thổ và biên giới của hai nước đã được xác định; vùng đất Tây Nam Bộ là một thực thể thống nhất từ Bắc đến Nam, vốn là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam./.
[*] Ths. Trần Quốc Giang- Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang
[1] Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao): Thành quả công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia, Nxb. Dân Trí, 3/2021, tr.7.
[2] 10 tỉnh của Việt Nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang chung đường biên giới với 9 tỉnh của Campuchia gồm: Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo, và Kampot; được kéo dài từ cặp tỉnh Kon Tum (Việt Nam)- Rattanakiri (Campuchia) đến cặp tỉnh Kiên Giang (Việt Nam)- Kampot (và một phần thuộc tỉnh Takeo- Campuchia) (theo: Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao)-sđd).
[3] Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao): Biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia, Nxb. Khoa học Xã hội, 12/2018, tr.75.
[4] Kiên Giang là một tỉnh vùng Tây Nam Bộ có vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng-an ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; có diện tích tự nhiên trên 6.348km2, dân số khoảng 1,8 triệu người, với 27 dân tộc, trong đó ba dân tộc có dân số đông là Kinh, Khmer và Hoa, riêng người Khmer chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh (khoảng 56.782hộ, 238.000người); tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 huyện, 03 thành phố (trong đó thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải 100% là hải đảo) với 144 đơn vị hành chính cấp xã; có hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc (trên 580km2) và xa nhất là quần đảo Thổ Chu (cách đất liền 120 hải lý)...
[5] theo Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao): Công văn số 745/BNG-UBBG, về việc thông báo số liệu về đường biên, mốc giới và cọc dấu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam Campuchia, 12/3/2021): Kiên Giang có 05 xã thuộc huyện Giang Thành và 02 phường thuộc thành phố Hà Tiên giáp với tỉnh Kampot và Takeo của Vương quốc Campuchia; đường biên giới thuộc huyện Giang Thành dài 35,646km (từ mốc 286/2+232 mét đến mốc số 305/7+334 mét), trong đó đoạn biên giới chưa phân giới dài 7,306km (từ mốc số 295 đến mốc số 301); đường biên giới thuộc thành phố Hà Tiên dài 14,031km (từ mốc 305/7+334 mét đến mốc số 314)
[6] cả trên bộ và trên biển Kiên Giang tiếp giáp với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia trên 200km.
[7] Vụ Biên giới phía Tây (Ủy ban Biên giới quốc gia- Bộ Ngoại giao): Thành quả công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia (Tài liệu phục vụ Hội nghị trực tuyến ngày 07/7/2021 tuyên truyền thành quả công tác PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam- Campuchia), 7/2021.
[8] Chúng vu cáo Việt Nam "đang thực hiện chính sách đồng hóa người Khmer": Tính từ năm 2010- 2020, trong vùng đồng bào Khmer đã hình thành khoảng 06 hội, nhóm trái pháp luật, với lý do là “bảo tồn văn hóa dân tộc; giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn; thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer,…”. Song thực chất của việc làm đó là “liên kết các sư sãi, tăng sinh có tư tưởng cực đoan thành một khối” để bôi nhọ, hạ uy tín những chức sắc, sư sãi có tư tưởng tiến bộ,…(theo Thạch Phước Bình (2020): Một số biện pháp đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer chống phá cách mạng nước ta trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, tại trang http://tapchiqptd.vn/, [truy cập ngày 08/7/2021]).
[9] về “Những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giải pháp, trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và “Những nội dung cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng; trách nhiệm và giải pháp bảo vệ”.
[10] Lực lượng bộ đội biên phòng làm tốt việc tuyên truyền đối với nhân dân và du khách nước ngoài tại khu vực cửa khẩu; đấu tranh chống các luận điệu thù địch, kích động, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia; các phong trào: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự tổ, xóm, ấp khu vực biên giới”, “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”; “Đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới”; tích cực phối hợp với các địa bàn biên giới đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho nhân dân các khu vực biên giới…
[11] Ban Bí thư: Quyết định số 238-QĐ/TW, về Ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết các vấn đề nổi lên, Nhân dân quan tâm, 30/9/2020.