Tâm tình người xứ rẫy

11/01/2016 10:12

Theo dõi trên

Nước lớn, vào mùa lũ, con sông Năng Gù mang dòng thủy lưu Hậu Giang ngầu đục phù sa. Sáng, sương còn vờn trên mặt. Bên kia sông, nhịp sống xứ rẫy cù lao Bình Thủy (Châu Phú, An Giang) vẫn diễn ra bình lặng.

Vẻ hoang sơ, cổ kính, gây ấn tượng cho cù lao Bình Thủy là những mảng xanh bao phủ của rừng cây cổ thụ từ bao đời, những ngôi nhà với kiến trúc cổ xưa, ngôi đình tráng lệ nằm bên dòng sông Năng Gù…

Bên cù lao “đất lở”

Cù lao Bình Thủy giờ không còn “nguyên vẹn” hình hài xưa. Nó bao lần hứng chịu loang lở bởi sức nước “đạp bờ” của dòng Hậu Giang và cả bàn tay con người. Đau đáu, người dân nơi đây đã vượt qua biết bao thăng trầm của đời người nhưng đành thất vọng - không nắm được thớ đất của cha ông, chỉ biết đứng nhìn nó tuôn chảy theo dòng xoáy khi lũ về. Họ thầm tiếc. Bất lực. Dời nhà thụt lùi vào, tránh dòng nước. Họ than thở: Mới đấy, mươi năm đâu mất nhiều đất quá. Chẳng biết vài chục năm nữa ra sao? Nhiều người còn hoang mang: Chắc lở hết cồn này quá. Họ lo sợ vậy cũng có cơ sở, bởi phía ngoài bờ sông Hậu, từ đầu đến cuối cù lao hơn 6km, nhiều mảng đất ầm ầm theo trôi “hà bá”. Dốc lở thẳng đứng. Có đêm sáng ra, cả đám rẫy xanh mướt chiều hôm bị “thủy thần” lôi đi đâu mất. Bao đời làm rẫy. Còn bao nhiêu làm bấy nhiêu. Họ khẳng định như thế. Thiên nhiên, thị trường - trúng, thất vẫn làm.




Vòng xoay của đất trên Cù lao Bình Thủy.

Người dân nơi đây luôn nhạy bén, sớm “bắt nhịp” với mọi “lên xuống” của cơ chế thị trường để tạo sự biến đổi cho cuộc sống gia đình, xóm ấp của mình. Họ buông cái này, bắt cái kia. Bởi, nghề rẫy ở cù lao này cũng như nơi khác, làm thấp thỏm, cái lo thấp thỏm, bởi “giàu hay nghèo” còn tùy thuộc vào sự định đoạt của “thị trường”, “thời tiết”… “Nói chi đâu xa, mới đây năm ngoái thôi: hành, cải bắp chất đóng bỏ ủ phân nhà báo ơi. Cha, con tôi xuống nước mắt. Nợ nần hai, ba đợt rẫy mới trả xong” - anh Trần Văn Quan ở ấp Bình Phú, cù lao Bình Thủy nói vậy. Thế mới hiểu, nghề rẫy xứ này cũng bấp bênh như nơi rẫy khác! Trúng mùa, thất giá không còn chuyện lạ. Tới mùa thu hoạch, ai cũng hồi hộp.

Vậy mà họ không bỏ nghề đâu. Len lỏi vào các con đường bên hông nhà, đi sâu ra ngoài những đám ruộng ven bờ đông sông Hậu, người vác bao, đẩy xe rau, củ, quả lên đường chính rầm rộ; người chuẩn bị đánh rãnh (líp) cho vụ mới.

Mùa “rẫy mới”

Thông thường muốn thay đổi “phong tục tập quán” trong sản xuất không phải dễ. Nhưng nông dân thời nay nhạy bén với mọi thứ, nhất là liên quan đến “vận mệnh” sản xuất mùa vụ của họ. Người làm rẫy ở xã Bình Thủy (Châu Phú) cũng vậy, họ luôn muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” nhưng chẳng biết cách nào. Nay lại có dịp, họ sẵn sàng gác lại cách trồng trọt truyền thống để va chạm với cái mới. Thế là một thời hành, hẹ, dưa, cà ... bấp bênh giờ được thay bằng cây đậu bắp Nhật theo mô hình liên kết sản xuất giữa công ty và người dân. Chỉ trồng thử nghiệm một năm mà bà con phấn khởi lắm. Vụ vừa rồi ai trồng “tệ” nhất cũng lời được 3,5 triệu/1.000m2, khỏi lo chuyện thất bát, giá cả. Mới nghe tôi chưa tin lắm, nhưng khi ngồi chung bàn trò chuyện với các anh, các chú tại Tổ hợp tác Hưng Thịnh mới chắc được.

Ban đầu, khi áp dụng trồng mô hình này bà con đắn đo về tính khả lợi, nhưng nhờ được sự quan tâm tuyên truyền trong việc đổi mới kinh tế nông nghiệp của tỉnh, huyện nên bà con an tâm phần nào. Trồng cây này thu nhập cao, ổn định hơn cây rau màu khác, cả lúa. Công ty hỗ trợ kỹ thuật, cho ứng chi phí sản xuất, giống, được bao tiêu sản phẩm. Mỗi vụ, 1.000m2 cho năng suất 1,2 tấn, có người trồng giỏi 1,6 tấn. Nếu trừ tất cả chi phí, bà con thu lợi từ 4 - 5 triệu đồng/1.000m2.

Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Bình Phú, Bình Thủy), Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất Hưng Thịnh tâm sự: Trồng đậu bắp Nhật khỏe, đỡ lo, lợi nhuận êm. Vừa rồi tui “đánh liều” tham gia trồng đậu bắp, vậy mà gỡ vốn lại nhiều lắm. Lời cũng hơn 40 triệu/ha, gấp 2 lần các loại cây khác, khỏi lo giá cả lên xuống.

Năm 2015, toàn huyện cũng như ở xã Bình Thủy sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây đậu bắp Nhật trên cơ sở theo nhu cầu của người dân và công ty. Ngoài đem lại lợi nhuận cao cho người làm rẫy, việc tăng diện tích cây đậu bắp Nhật, cũng nhằm “giãn” diện tích gieo trồng trùng lắp cùng loại cây với nhau, giữ giá cho cây trồng khác. Để thuận tiện, tăng giá bao tiêu cho người dân trong huyện, hướng tới, công ty sẽ thành lập nhà máy chế biến nông sản tại Bình Thủy và hỗ trợ thêm 1.000 đồng/kg cho bà con. Hẳn đây là niềm phấn khởi cho nông dân trồng cây đậu bắp Nhật ở Châu Phú.

Công ty và chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm ra nhiều hơn nữa giải pháp hỗ trợ người dân, trước quy luật cung - cầu của thị trường bị “biến động” mà trong “lịch sử sản xuất” nghề rẫy đã từng hứng chịu…

Bình Thủy là một trong 5 xã thí điểm mô hình trồng cây đậu bắp Nhật của huyện Châu Phú theo chương trình liên kết giữa Công ty chuyên kinh doanh nông - thủy sản Duyên Hải và nông dân. Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; nông dân chỉ việc trồng, thu hoạch và bán sản phẩm cho công ty. Để đảm bảo chất lượng trái, cách gieo trồng, các loại phân bón, thuốc phun cho cây… bà con đều phải tuân thủ theo “phác đồ” của công ty đưa ra.

Theo Liêu Ngọc Ân (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Tâm tình người xứ rẫy" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.