Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

02/06/2023 14:35

Theo dõi trên

Vừa qua, Ủy ban nhân dân Quận 5 phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh.

va-252346346-1685691228.jpg
Đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú tại Di tích

Ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố; Bà Trương Minh Kiều - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, đại diện các Sở ngành Thành phố, các ban Quận ủy, phòng chuyên môn Ủy ban nhân dân Quận 5, Ban Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đến tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã dâng hương, dâng hoa trước tượng đài đồng chí Trần Phú tại Di tích Lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - Nơi Đồng chí Trần Phú hy sinh. Đồng thời, đại biểu tham quan các hiện vật trưng bày và nghe thuyết minh viên giới thiệu về quá trình hình thành của khu trại giam và quá trình giam giữ Tổng Bí thư Trần Phú ở nơi đây vào năm 1931.

Bà Đoàn Thị Trang - Phó Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thông qua Hội thảo khoa học nhằm làm rõ hơn quá trình hình thành, hoạt động và việc tổ chức giam giữ tù chính trị tại Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán; nghiên cứu sưu tầm những tư liệu mới có giá trị về lịch sử, văn hóa nhằm làm sáng tỏ hơn những sự kiện quan trọng liên quan đến đồng chí Trần Phú và các đồng chí khác đã từng bị giam giữ tại Bệnh viện; góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời làm cơ sở khoa học đối với công tác tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

van256346346-1685691278.jpg
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu trại giam Trần Phú - Nơi đồng chí Trần Phú hy sinh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các nhà khoa học, nhà nghiên cứu các chuyên gia có ý kiến trao đổi, cung cấp thêm các cứ liệu lịch sử liên quan đến di tích qua các thời kỳ để giúp các cơ quan, đơn vị tìm ra những giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích trên đảm bảo giá trị nguyên vẹn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị trong thời gian sắp tới. Đồng thời yêu cầu, Ủy ban nhân dân Quận 5 tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các sở ngành liên quan khẩn trương triển khai các bước thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Khu Trại giam Bệnh viện Chợ Quán - Nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (6/9/1931)”. Việc tu bổ, tôn tạo di tích theo nguyên trạng đảm bảo các hạng mục phù hợp với thiết kế cảnh quan, yếu tố lịch sử, chất lượng công trình, độ bền vật liệu, đúng tiến độ.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước, quê gốc tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông đã trở thành người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi (năm 1930).

Năm 1922, sau thi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung do Trường Quốc học Huế tổ chức, đồng chí Trần Phú được bổ nhiệm dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Thành phố Vinh. Trong quá trình dạy học, đồng chí có dịp gần gũi với công nhân và nông dân, nhiệt tình truyền đạt kiến thức văn hóa, giác ngộ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho những người lao động. Một thời gian sau đó, đồng chí Trần Phú thôi nghề dạy học, tập trung cho hoạt động cách mạng.

Năm 1925, Đồng chí tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức Hội Phục Việt. Khi bị bọn mật thám phát hiện, những người lãnh đạo Hội quyết định đổi tên thành Hội Hưng Nam, sau đó lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng.

va-2352345636-1685691327.jpg
Đồng chí Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Được tin, Ban lãnh đạo Hội Hưng Nam cử đồng chí Trần Phú sang gặp các đồng chí trong tổ chức này để đề nghị hợp nhất hai tổ chức. Trong thời gian này, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt tên là Lý Quý, được huấn luyện về lý luận chính trị và kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào Cộng sản Đoàn và được cử về nước hoạt động.

Tháng 9/1925, đồng chí Trần Phú được Hội Phục Việt cử sang Lào để vận động cách mạng. Thời gian hoạt động ở Lào, đồng chí đã đi sâu tìm hiểu đời sống và nguyện vọng của công nhân, nông dân, giác ngộ cách mạng cho họ và bước đầu tự rèn luyện lập trường, ý thức giai cấp công nhân cho mình.

Nhận thấy Trần Phú là một học trò có khí chất thông minh, đầy nhiệt tình cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định cử đi Liên Xô học trường đại học Phương Đông để đào tạo thành cán bộ cốt cán cho cách mạng. Một lý do khác để Nguyễn Ái Quốc chọn Trần Phú đi học nữa là vì việc học tập đòi hỏi phải sử dụng thông thạo tiếng Pháp hay tiếng Anh để nghe giảng, đọc tài liệu, trao đổi với bạn học và thầy giáo mà Trần Phú có ưu thế hơn các bạn về tiếng Pháp nên được cử đi học.

Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là thành phố Xanh Pêtécbua thuộc Liên bang Nga) bắt đầu hành trình về nước hoạt động.

Ngày 8/2/1930, đồng chí về đến Sài Gòn. Ít ngày sau đồng chí sang Hồng Kông (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được giới thiệu về tham gia hoạt động trong Ban Chấp ủy lâm thời. Tháng 4/1930, đồng chí về đến Hải Phòng.

Nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930.

tph825236236-1685691501.jpg
Đồng chí Trần Phú (01/01/1904 - 06/9/1931), Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Tháng 7/1930 đồng chí về Hà Nội được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để tránh sự theo dõi của mật thám và tạo yếu tố bất ngờ, Thường vụ Trung ương lâm thời đã có một quyết định táo bạo - lấy nhà của chính Thực dân Pháp làm trụ sở bí mật của Đảng.

Đó là ngôi nhà ở phố Giăng Xole, nay là số nhà 90 phố thợ Nhuộm. Ngôi nhà là biệt thự của một viên chức cao cấp người Pháp - thanh tra Sở tài chính của chính quyền thực dân. Đồng chí Trần Phú ở trong một buồng nhỏ trong đó có một tấm phản để vừa làm giường ngủ, vừa làm bàn viết, chính tại nơi này, đồng chí đã bí mật viết bản dự thảo Luận cương chính trị.

va-2562346346737-1685691548.jpg

Luận cương chính trị do Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.

Luận cương xác định tính chất của cách mạng Đông Dương lúc đầu là cách mạng tư sản dân quyền có tính chất thổ địa phản đế, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua tư bản chủ nghĩa. Xác định mâu thuẫn giai cấp diễn ra giữa một bên là thợ thuyền dân cày và các phần tử lao khổ với một bên là địa chủ phong kiến tư bản và đế quốc chủ nghĩa.

Trung Anh
Bạn đang đọc bài viết "Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.