Tài tử “thứ thiệt” của nghệ thuật đờn ca tài tử

04/04/2017 08:58

Theo dõi trên

Không phải vì nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mà từ thuở còn thơ ấu, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã “nhiễm” từ gia đình những điệu nhạc, lời ca của âm nhạc tài tử - cải lương. Chính vì lẽ đó, trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Á thực hiện quyển sách ảnh mang tên “ĐCTT - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” (2015).

Với tác phẩm nghệ thuật này, Nguyễn Á tiếp tục khẳng định thương hiệu là một người luôn tâm huyết với nghệ thuật nhiếp ảnh, là một tài tử “thứ thiệt” trong lòng mến mộ của bạn bè tri kỷ tri âm.



Khách tham quan triển lãm Đờn ca Tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương

Sinh trưởng trên quê hương được mệnh danh là “viên ngọc sáng” của âm nhạc cổ truyền Nam bộ (đất Thủ - Bình Dương), Nguyễn Á đam mê và yêu thích nhạc tài tử - cải lương cũng là sự hiển nhiên. Mặt khác, đối với giới nhiếp ảnh, di sản ĐCTT là đề tài rất mới. Chính vì thế mà ròng rã suốt hơn 2 năm làm việc, anh đã mất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ. Không chỉ theo sát mọi diễn biến thời sự của ĐCTT, ghi lại những khoảnh khắc được thế giới và trong nước vinh danh, Nguyễn Á có mặt trên từng cây số, bất cứ nơi đâu có hoạt động ĐCTT đều thấy sự hiện diện của anh. “Với quyển sách này, tôi không nghĩ mình làm để PR tên tuổi, mà muốn tìm hiểu, muốn khám phá loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất phương Nam vốn có nhiều điểm thú vị và độc đáo” - Nguyễn Á bộc bạch.

Đa phần giới thưởng ngoạn khi xem quyển sách ảnh “ĐCTT - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” đều có chung cảm nhận: “Nguyễn Á quá chỉn chu trong việc chọn lựa nhân vật và cách sắp xếp bố cục hình ảnh”. Anh đã đưa đến người xem không chỉ những khoảnh khắc thăng hoa của người nghệ nhân khi họ trình diễn, mà còn đưa những giây phút gợi ý cho độc giả hiểu sâu hơn về cuộc sống, về niềm đam mê và quá trình lao động nghệ thuật để có được sự ngẫu hứng “xuất thần” của người nghệ nhân. NSND Kim Cương (là nhân vật trong quyển “Tâm và Tài - Họ là ai?” của anh trước đây) không tiếc lời khen trước công trình của Nguyễn Á: “Công trình này hết sức ý nghĩa và rất cần thiết trong thời điểm này, vì hiện tại, ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi rất quý và trân trọng tài năng, đức độ của Nguyễn Á vì anh chàng nghệ sĩ này đã góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Là một nghệ sĩ có hơn 60 năm gắn bó với nghiệp ca cầm, NSƯT Ba Tu chia sẻ: “Tôi vô cùng cảm động vì từ xưa đến nay chưa có công trình nào, chưa có đơn vị nào, chưa có cá nhân nào tổ chức giới thiệu, tôn vinh những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật ĐCTT qua nhiều thế hệ như Nguyễn Á. Do đó, đóng góp của anh xứng đáng được xã hội và các nghệ nhân ĐCTT (trong đó có tôi) trân trọng và tôn vinh”. TS Mai Mỹ Duyên - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ nhận xét: “Nguyễn Á là một nghệ sĩ rất chuyên nghiệp, giàu tâm huyết. Chuyên nghiệp vì khi đã chọn đối tượng phản ánh anh sẽ dốc hết trí tuệ, tài năng, tranh thủ sự ủng hộ của mọi người để hoàn thành công việc. Tâm huyết vì niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh của anh đã vượt lên thói danh - lợi thông thường để tạo ra những tác phẩm “để đời”, gửi đến người xem những thông điệp mang nhiều ý nghĩa cuộc sống”.

Điểm đặc biệt khiến người xem ấn tượng và thú vị với quyển sách “ĐCTT - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” đó là việc nhiếp ảnh gia Nguyễn Á không chỉ tôn vinh những “cây đa cây đề”, những người có công đóng góp cho việc giới thiệu bộ môn nghệ thuật độc đáo này ra thế giới như: Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Văn Khê, Ba Tu, Viễn Châu, mà anh còn giúp độc giả biết thêm một số gương mặt trẻ đầy tài năng như: Ngọc Đặng, Kim Thanh, Mỹ Ngọc Chi,

Thanh Tuyết, Đỗ Ngọc Cần, Minh Đức, Trường Giang… và những tài tử nhí tiếp nối đầy triển vọng như: Dương Công Tuyễn, Trần Nhựt Đức, Lê Minh Khôi… Tất cả đều được Nguyễn Á khắc họa thật sinh động, giàu tính nghệ thuật.

Qua 288 trang sách in màu, song ngữ, với nhiều hình ảnh sinh động, lời viết súc tích, Nguyễn Á đã thể hiện sự trân quý di sản ĐCTT bằng cái tâm và thiện chí của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, anh đã biết cách tôn vinh nghệ thuật bằng chuyên môn của mình. Nói theo kiểu dân gian, Nguyễn Á là tay xốc vác, lặn lội khắp nơi để đãi đá tìm vàng. Vàng ở đây không chỉ là những bức ảnh đạt chất lượng nghệ thuật, mà còn là những bức ảnh đúng người, đúng việc, đúng bối cảnh. Dẫu cho “ĐCTT - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” (với ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật nhiếp ảnh) không thể phản ánh hết được cuộc đời, sự nghiệp cùng với những chí hướng lớn lao của các bậc tiền bối đã tiên phong sáng tạo, truyền dạy và phổ biến dòng âm nhạc độc đáo của vùng đất phương Nam; nhưng Nguyễn Á đã làm cho những nghệ nhân tiền bối của nghệ thuật ĐCTT yên tâm, mỉm cười hạnh phúc và tự hào vì sự trưởng thành của lớp con cháu biết quý trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.

Với ĐCTT, Nguyễn Á được xem là người “ngoại đạo”. Tuy không biết đờn ca, nhưng anh biết tôn vinh một di sản văn hóa của nhân loại qua những hình ảnh chân thực và sống động. Bằng sự chuyên nghiệp và tâm huyết của mình, anh đã làm cho những chân dung trong tập ảnh thêm lung linh và tỏa sáng. Hình tượng của họ qua ống kính của Nguyễn Á đã lay động đến nhiều cung bậc cảm xúc của người thưởng thức. Thuật ngữ “Tài tử” là dùng để chỉ những người có tài, hoạt động nghệ thuật để thỏa mãn đam mê, dung dưỡng tâm hồn, vun bồi trí tuệ. “Đối với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã trở thành một tài tử “thứ thiệt” trong lòng mến mộ của bạn bè tri kỷ tri âm” - TS.Mai Mỹ Duyên nhận định.

Vài nét về nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Tên thật của anh là Nguyễn Á, sinh năm 1968 tại Bình Dương. Gắn bó với nhiếp ảnh hơn 20 năm. Là hội viên xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Triển lãm cá nhân:

-Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh (2008);

- Họ đã sống như thế (2009);

- Tâm và Tài - Họ là ai?;

- Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam (2013);

- Hoàng Sa - Trường Sa biển đảo Việt Nam (2014),

- Đờn ca Tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương (2015).

- 11 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2016)

Giải thưởng:

Triển lãm và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế (Áo, Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc, Canada, Bồ Đào Nha, Pháp, Macao, Úc, Trung Quốc, Singapore, Ý, Mỹ…).


 Thạc sĩ Phạm Thái Bình

Nguồn: Báo Bình Dương
Bạn đang đọc bài viết "Tài tử “thứ thiệt” của nghệ thuật đờn ca tài tử" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.