Cũng như nhiều nơi khác, quán cà phê của chị Mỹ Chi (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) vừa tổ chức chương trình giao lưu ĐCTT chỉ vài tháng nhưng đêm nào có hát thì quán lại khá đông khách. “Vào thứ hai, tư, sáu hàng tuần, quán đều có hát ĐCTT với nhau. Chúng tôi làm điều này không phải vì muốn tăng thêm tiền cà phê mỗi khi có khách vào thưởng thức mà đơn giản chỉ vì chúng tôi mê và yêu thích ĐCTT.
Nếu ngày thường, mỗi ly cà phê giá 7.000 đồng thì hôm nào có ĐCTT giá vẫn không thay đổi. Khách nào muốn tham gia giao lưu thì đăng ký bài, chúng tôi sẽ giới thiệu lên ca. Do vậy, không chỉ thu hút được những người trung niên, mà có cả những người trẻ tuổi cùng góp vui. Đó chính là mục đích mà chúng tôi tổ chức chương trình hát với nhau – làm cho nhiều người biết đến ĐCTT” – chị Chi chia sẻ.
Ấm cúng, thân tình là những gì chúng tôi cảm nhận được khi giao lưu ĐCTT ở quán. Ở đó, mọi người thoải mái trao đổi, thảo luận về cái hay, thiếu sót để giúp nhau ngày một tiến bộ.
Vừa ca xong hai bài vọng cổ, người đàn ông nước da ngăm đen, tay chân thô kệch vội vàng rời sân khấu dắt chiếc xe đạp ra về. Hỏi ra mới biết, đó là chú út Đựng (ngụ xã Nhơn Mỹ, Chợ mới), dù hơn 50 tuổi nhưng ngày nào có ĐCTT ở thị trấn An Châu (Châu Thành), chú cũng đạp chiếc xe cà tàng, qua đò đến tham gia góp vui.
“Nhà tôi cách đây hơn 20 cây số. Dẫu không phải dân chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn dành thời gian tham gia để thỏa niềm đam mê. Tôi chỉ mới tập tành hát ĐCTT khoảng 1 năm nay nên chủ yếu hát giải trí “cây nhà lá vườn” thôi!” – chú út Đựng bộc bạch. Biết rằng phải gần 22 giờ mới về tới nhà, nhưng chú Đựng vẫn vẫy tay chào mọi người một cách vui vẻ và hẹn: “Thứ sáu tới, tôi sẽ qua nữa!”.
Gắn bó với nghệ thuật ĐCTT đã hơn 10 năm, chú Nguyễn Văn Đầy (66 tuổi, ngụ thị trấn An Châu) luôn đồng hành trong các chương trình ĐCTT của huyện. Những ngày quán chị Chi hát ĐCTT với nhau, chú đều có mặt để dẫn chương trình. “Trước đây, tôi chỉ nghe nhạc trữ tình. Từ ngày biết và làm quen với ĐCTT, không hiểu sao tôi rất thích. Tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn. Qua những lần giao lưu với người “trong nghề”, tôi đã rành hơn ĐCTT. Tôi vừa có một bài ca cổ “Hãy đến với An Giang” (tự sáng tác) được đăng trên tập san huyện Châu Thành. Đó là “trái ngọt” sau bao nhiêu năm tôi miệt mài học hỏi nghệ thuật đờn ca” – chú Đầy tâm sự.
Là chủ quán cà phê hát ĐCTT với nhau, chú Phạm Anh Nghĩa (56 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) có niềm đam mê ca cổ từ thời trai trẻ. Tự nhận bản thân chỉ biết hát chứ không hay nhưng chú Nghĩa lại là một “tay” đờn “kỳ cựu”. Chú Nghĩa thổ lộ: “Quán tôi giao lưu ĐCTT vào thứ ba, năm, bảy hàng tuần. Có đêm, chỉ có vài người đến quán nhưng tôi vẫn tổ chức hát và đờn cho họ giao lưu. Những buổi tối còn lại, hai vợ chồng tôi đến quán cà phê khác để đờn và chia sẻ kinh nghiệm”.
Có lẽ vì ảnh hưởng “máu” đờn ca của cha mà con gái chú Nghĩa (em Thiên Ý, học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) được nhiều người khen là hát ĐCTT rất hay. Cô bé đạt rất nhiều giải nhất ở các cuộc thi do trường, huyện, tỉnh tổ chức. “Ngày xưa, tôi không có điều kiện để học đờn ca một cách bày bản nên thấy con có năng khiếu vậy, tôi vui lắm. Nếu sau này, con gái chọn gắn bó với nghệ thuật ĐCTT này, tôi sẽ ủng hộ nó hết mình” – chú Đầy nói.
Ông Phan Văn Nam, Tổ phó Tổ văn hóa cơ sở (Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành) cho hay: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 CLB ĐCTT, với 150 thành viên. Riêng CLB ở huyện có 16 thành viên, duy trì sinh hoạt vào tối chủ nhật hàng tuần. Hoạt động của CLB nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời phát huy và giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bên cạnh đó, phong trào ĐCTT còn góp phần tích cực vào công tác phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"...".