Sự thật về nhân vật Trạng Quỳnh (Kỳ cuối)

12/01/2016 21:00

Theo dõi trên

Để tiện cho việc trông coi đền và hướng dẫn cho khách thập phương hiểu rõ về tiểu sử của cụ Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh), ông Nguyễn Quang Khánh (sinh năm 1955) trực hệ thứ 8 của cụ Cống Quỳnh đã dựng lều bên cạnh đền hành nghề cắt tóc. Những câu chuyện cười hài hước nhưng dí dỏm qua giọng kể của ông Khánh, khiến cho khách lạ cảm thấy thoải mái mỗi lúc đến với vùng đất này…



Một góc làng Quỳnh. Ảnh: Trọng Đức

Kể chuyện Trạng Quỳnh trong hiệu… cắt tóc

Để có thêm tư liệu cho bài về sự thật của nhân vật Trạng Quỳnh, phóng viên đã có một thời gian dài ở đây để được nghe và thu thập thêm các tài liệu quan trọng. Vừa cắt tóc cho khách, ông Khánh nói rành mạch về tiểu sử cụ Nguyễn Quỳnh: “Nhiều hôm du khách đến thắp hương cho cụ tui phải nói như một hướng dẫn viên du lịch đứng ra thuyết trình. Có lúc khách còn mong muốn được nghe kể chuyện, nên tui cũng phải kể. Ở đây cắt tóc tui cũng tiện cho việc trông coi ngôi đề…”, ông Khánh vừa cắt tóc cho khách rồi chia sẻ. 

Vậy nên hiệu cắt tóc (Gọi thế cho oách chứ thực ra là cái lều nhỏ) của ông Khánh luôn luôn đông người. Người đến cắt tóc cũng có mà kẻ đến nghe ông kể chuyện về Trạng Quỳnh cũng nhiều. Những câu truyện còn lưu truyền về Trạng Quỳnh cũng được lưu truyền cho lớp con trẻ sau này cũng từ quán cắt tóc này.

Được biết năm 1992, đền thờ Trạng Quỳnh được công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp Quốc gia. Cũng từ thời điểm đó, đền thờ được ngành Văn hoá - Thông tin, (Nay là Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cùng các cấp chính quyền huyện, xã đã đề ra phương châm: Dòng họ và cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Và ông Nguyễn Quang Khánh, trực hệ thứ 8 của cụ Nguyễn Quỳnh đã được dòng họ Nguyễn giao trọng trách trông nom, chăm sóc đền thờ. "Nhiều khi đang bận việc cắt tóc nhưng thấy có khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, tôi phải xin phép tạm nghỉ để giới thiệu, hướng dẫn cho khách...”, ông Khánh tâm sự.

Phòng lưu niệm của đền trưng bày hai cuốn sách truyện Trạng Quỳnh do chính nhà văn Nguyễn Đức Hiền trực hệ thứ 8 của cụ Nguyễn Quỳnh biên soạn được đánh giá cao về giá trị văn học nghệ thuật và đã được dịch ra hai thứ tiếng Anh và Pháp. 

“Xứ học” ở đất … Trạng

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoàng Lộc tự hào về sự học của thế hệ “hậu duệ”. Ông Kỳ bảo: “Gần đây xã mỗi năm bình quân có từ 25 - 30 học sinh đỗ đại học. Xã có 3 gia đình có 5 con đại học, 7 gia đình 4 con đại học, hơn 40 gia đình có 3 con đại học, còn các gia đình có 2 con đại học thì đếm “không xuể”. Từ khi nước nhà độc lập (1945) đến nay, Hoằng Lộc có 26 Tiến sĩ, 8 Giáo sư và Phó Giáo sư, 21 thạc sĩ… 

GSTS Nguyễn Xuân Đặng, người có nhiều thành tích trong đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh, có nhiều đóng góp trong xây dựng đồ án thiết kế nhiều công trình thuỷ lợi lớn của đất nước. GS Nguyễn Bính đã từng cầm súng thời kháng chiến chống Pháp, sang thời chống Mỹ trở thành cán bộ giảng dạy tại ĐH Bách khoa. Ông đã cùng một nhóm các nhà khoa học chế tạo thành công thiết bị phát xung làm vô hiệu hóa hoặc gây nổ thủy lôi có điều khiển và bom từ trường. Hay GSTS Nguyễn Xinh, người có nhiều sáng tác, công trình nghiên cứu lý luận và lịch sử âm nhạc dân tộc… TS Nguyễn Văn Hùng, TS Nguyễn Song Hoan, TS Nguyễn Thị Bạch Yến, TS Nguyễn Thị Anh Thơ… Những cái tên ấy giờ đây góp thêm những tấm gương cho thế hệ trẻ ở Hoằng Lộc. 

Dưới thời phong kiến người Hoằng Lộc còn đỗ đạt các trường khoa rất nhiều. Thống kê sơ bộ từ sổ sách thì dưới triều Lê - Mạc có gần 159 người đỗ Hương cống, Hương tiến; triều Nguyễn gần 40 người đỗ Hương cống, Cử nhân, 140 tú tài… Trong Bảng Môn Đình (Tại xã Hoằng Lộc) hiện còn có một chiếc trống đại (Còn gọi là trống Cù). 

Đây được xem là trống lớn nhất vùng. Lúc bấy giờ hễ tiếng trống vang lên nghĩa là có người “Vinh qui bái tổ”. “Có bí quyết gì đâu. Cũng lập các hội khuyến học ở thôn, họ... cũng treo thưởng, trao thưởng theo từng thành tích...

Qua trao đổi ông Kỳ cũng cho rằng: “Hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể nào sự đồng nhất giữa cụ Nguyễn Quỳnh và nhân vật Trạng Quỳnh trong dân gian nhưng dân chúng tôi vẫn xem cụ Quỳnh như là Trạng Quỳnh. Những câu chuyện về Trạng Quỳnh vẫn được lưu truyền cho lớp lớp con cháu Hoằng Lộc như một tấm gương cho sự học. Dù là ai đi nữa thì Cống Nguyễn Quỳnh vẫn được xem là người tài đức vẹn toàn, vẫn được tôn là Trạng…”.

Trong dân gian đã lưu truyền những giai thoại về những nhà khoa bảng trí thức không đỗ Trạng Nguyên. Tuy không có học vị nhưng vì tài năng và những hoạt động, hoặc trong cuộc sống của của các vị "Trạng" này có những nét đặc biệt, mang phong cách Trạng và đậm màu cổ tích nên họ được dân gian ngưỡng mộ, tôn vinh làm Trạng. Thậm chí, có cả những nhân vật mà không ai dám quyết đoán đó là những người đã sống giữa cõi nhân gian hay chỉ là những nhân vật hoàn toàn được hư cấu. Càng ngày, những mẫu chuyện, giai thoại về họ càng được dân gian sáng tác, thêm thắt khiến hình ảnh của các vị Trạng này càng trở nên gần gũi, thân thuộc với mọi người.


Trọng Đức

Bạn đang đọc bài viết "Sự thật về nhân vật Trạng Quỳnh (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.