NSƯT Kim Ly Mét ra đi là mất mát lớn bởi ông là NSƯT duy nhất người dân tộc Khmer của tỉnh Kiên Giang. Ông sinh năm 1961 tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình Khmer có truyền thống yêu nghệ thuật. Ba mẹ ông từng là diễn viên đoàn nghệ thuật sân khấu dù kê ở Sóc Trăng vào những năm 50 của thế kỷ trước. Khi lớn lên 7 tuổi năng khiếu ca hát của ông đã bộc lộ, nhờ chất giọng trời phú, phong cách ấn tượng, đến năm 18 tuổi ông đã trở thành giọng đơn ca chủ lực của nhiều chương trình, các tiết mục ông thể hiện được đồng bào Khmer rất yêu thích. Sau đó ông xin vào Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh công tác.
Đến năm 1984, ông xin về công tác ở Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang, với lòng say mê lao động nghệ thuật, ông đã bắt đầu gặt hái được nhiều thành công, với bộ sưu tập huy chương vàng, bạc, đồng qua các lần tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực như: Huy chương vàng khu vực tiết mục đơn ca “Hoàng hôn trên biển” năm 1988 và hai năm sau là tiết mục “Kiên Giang mùa xuân về” (hát bằng hai thứ tiếng Việt-Khmer) năm 1992, ông đạt huy chương vàng giải khu vực với tiết mục “Ngày hội đua thuyền”; đơn ca “Nàng Vong” đạt huy chương bạc giải chuyên nghiệp...
Không chỉ thể hiện thành công những bài hát mang âm hưởng dân ca và hiện đại, ông còn dàn dựng một số tiết mục múa đạt huy chương vàng như: “Ngày hội Óoc-om-bóc”, “Hương sen ngày hội”, “Tung còn giao duyên”. Tác phẩm dàn dựng “Giã gạo”, sân khấu hóa lễ hội Óoc-om-bóc đạt giải A khu vực. Các tác phẩm “Tưng bừng ngày hội”, “Những cánh chim bên ngôi chùa tháp”, “Niềm vui bên cánh đồng” đạt huy chương đồng và bạc giải chuyên nghiệp. Vở tuồng dù kê “Nàng Kây So” ông diễn rất thành công và vở tuồng hiện đại “Dây chuyền cầu hôn” được nhiều người khen ngợi…
NSƯT Kim Ly Mét đã từng tâm sự: Là ca sĩ, khi hát một ca khúc của tác giả nào đó, trước tiên là phải hiểu nội dung bài hát nói gì, sau đó mới bắt đầu tập hát. Trong các tiết mục múa, muốn múa đẹp thì diễn viên phải hiểu nét đặc trưng cơ bản của nghệ thuật múa Khmer, từng động tác tay, chân cùng thân mình uyển chuyển với nét mặt thể hiện hồn nhiên mới đạt hiệu quả.
Nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang, nhà nghiên cứu dân gian Đào Chuông nhận xét: NSƯT Kim Ly Mét không chỉ tham gia ca hát và dàn dựng múa mà còn làm diễn viên múa dù kê trong các chương trình phục vụ của Đoàn. Điều đáng trân trọng ở NSƯT Kim Ly Mét là sự cống hiến hết sức mình vì nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer.
Năm 2007, nghệ sĩ Kim Ly Mét được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, từ Phó Đoàn rồi đến Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang, ông công tác đến tháng 6 năm 2024, được nghỉ hưu theo chế độ. Trên 40 năm gắn bó với sự nghiệp văn hóa, NSƯT Kim Ly Mét luôn sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm cho các diễn viên trẻ nối nghiệp. Khi đã lớn tuổi, với vai trò là Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang khán giả vẫn thấy NSƯT Kim Ly Mét xuất hiện trên sấu khấu thể hiện bài hát “Ngày hội đua thuyền” rất sôi động và được khán giả nhiệt tình cổ vũ.
Vào lúc 12h50 ngày 31/8/2024, NSƯT Kim Ly Mét qua đời, hưởng thọ 63 tuổi. Được an tang tại quê nhà ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.