Đầu tháng 4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2023, với mục tiêu là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng…
Theo kế hoạch, Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với các phòng chức năng của huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, kiểm kê, sưu tầm nhạc cụ, hiện vật liên quan nghề truyền thống, ẩm thực truyền thống, vật dụng sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Khmer và Hoa. Thực hiện bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu như Lễ hội Đấu Đèn của người Hoa, trình diễn, tái hiện “tết Nguyên tiêu” của người Hoa. Đoàn Nghệ thuật Khmer, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế thừa; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer và dân tộc Hoa.
Để bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, ngành chức năng sẽ hỗ trợ đóng 4 chiếc ghe ngo, phục hồi và sưu tầm 1 chiếc ghe cà hâu độc mộc; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng di dân tái định cư mà cụ thể là xây dựng Câu lạc bộ Sân khấu rô băm huyện Trần Đề; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống các địa phương mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, thuê hoặc mua sắm thiết bị âm thanh, ánh sáng đáp ứng nhu cầu tập luyện, biểu diễn…
Năm 2022, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với nhiều kết quả đáng ghi nhận như: thực hiện 4 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp Hội Tương tế người Hoa thành phố Sóc Trăng mở lớp tổ chức truyền dạy cho học sinh; sưu tầm và vận chuyển 1 chiếc ghe ngo của chùa Som Rong về lưu giữ tại bảo tàng, đồng thời sưu tầm và lập hồ sơ sưu tầm hiện vật ghe ngo, ghe cà hâu tại 92 ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ngành chức năng cũng đã phối hợp các địa phương tổ chức sưu tầm các sản phẩm tranh trên kiếng, hỗ trợ nghệ nhân vẽ tranh duy tu phòng học truyền dạy nghề cho học sinh dân tộc Khmer, sưu tầm 15 hiện vật về sản phẩm thủ công mỹ nghệ và dụng cụ sản xuất nghề đan lát, mua sắm vật tư lắp đặt, trang trí khu vực phòng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan đát cho nghệ nhân.
Trong công tác nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc, đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nhạc cụ tàu lầu cấu cho 20 học viên; mở lớp dạy múa cho Câu lạc bộ Múa gáo dừa (dân tộc Khmer) ở huyện Châu Thành; tổ chức tập luyện, biểu diễn các trích đoạn cải lương tuồng cổ Triều Châu cho Câu lạc bộ Nghệ thuật sân khấu hát tuồng Triều Châu (dân tộc Hoa) thị xã Vĩnh Châu; lắp đặt sân khấu, đầu tư trang phục, nhạc cụ cho Câu lạc bộ Văn nghệ chùa Chén Kiểu huyện Mỹ Xuyên biểu diễn; dàn dựng 4 chương trình biểu diễn: múa rom vong, múa gáo, múa trống sa dăm, hòa tấu nhạc ngũ âm, tổ chức lớp truyền dạy hát tuồng cho 30 người; hỗ trợ thiết bị âm thanh, nhạc cụ phục vụ hoạt động cho các đội văn nghệ chùa Bốn Mặt, chùa PeangSomath, chùa Chruitimchas. Về việc bảo tồn các lễ hội truyền thống đã duy tu, tôn tạo, mua trang phục thực hiện cúng nghi lễ, lắp đặt sân khấu tại sân lễ nơi tổ chức Lễ hội Phước Biển, lễ Cầu an, lễ hội Thăk Côn…
Đồng chí Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, sở tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện tốt kế hoạch đề ra, tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư sửa chữa các nhà văn hóa ấp đặc biệt khó khăn bị hư hỏng, xuống cấp, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở xin ghi vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp năm 2024 và kể cả năm 2025 để hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đơn vị thực hiện bám sát nội dung, nhiệm vụ, chỉ tiêu của từng tiểu dự án thành phần để việc đầu tư, hỗ trợ đạt hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.