Sân khấu kịch TP.HCM Tết 2016: Đổi món

21/01/2016 17:08

Theo dõi trên

Nếu những năm trước, kịch kinh dị, ma là những đề tài dễ “câu khách” được các sân khấu sử dụng “triệt để” thì năm nay đã khác. Đề tài phong phú, đa dạng từ hài kịch, tâm lý xã hội, giới tính, nhạc kịch... đã có sự thay đổi. “Bàn tiệc” đủ món cũ và mới đã và đang được các sân khấu bày biện… Nhưng những khó khăn về kịch bản, tập hợp diễn viên lại đang là “nỗi khổ” không của riêng sân khấu nào khi mùa Tết đến…

Vẫn nhiều “món”

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, là thời gian phục vụ và “kiếm tiền” của các sân khấu lớn nhỏ của TP.HCM. Chính vì vậy, việc lựa chọn cho mình những “món” ngon, lạ trong thực đơn đủ món vẫn là điều quan trọng nhất với các “bầu” sân khấu.

Hai sân khấu của NSND Hồng Vân là Superbolw và Phú Nhuận nếu những năm trước đây nghiêng về những vở kịch ma, kinh dị thì năm nay đã có sự đổi hướng. Kịch bản hài, tâm lý “Một cha ba mẹ” do NSND Hồng Vân làm đạo diễn là một câu chuyện xúc động về tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng, tình cảm cao quý giữa con người với con người. Cùng các vở hài “Gia đình bá đạo”, “Tiệm tóc âm dương”; “Ác nghiệt” và phần 2 vở “Xóm trọ 3D” từng ăn khách mùa Tết năm trước…

Thương hiệu kịch tâm lý xã hội của sân khấu Hoàng Thái Thanh năm nay vẫn giữ phong độ ngoài các vở “ăn khách” cũ như Nửa đời ngơ ngác, Bao giờ sông cạn... của mùa trước thì mùa kịch Tết này với hai vở “Lan và Điệp” và “Mình có quen nhau không?” lại có nhiều yếu tố mới, hấp dẫn. “Lan và Điệp” sẽ khác với phiên bản của cải lương bằng việc thổi vào đó một luồng gió mới, đặt ra cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề mới. Hoàng Thái Thanh đã quyết định kể lại câu chuyện theo cách riêng của mình. Đạo diễn Thành Hội chia sẻ: “Làm mới một tác phẩm đã in sâu vào lòng công chúng nhiều thế hệ và phản biện lại nguyên tác, mở ra một hướng mới cho số phận nhân vật, chúng tôi chấp nhận những thử thách và chờ đợi cảm xúc từ khán giả…”.

Kịch Idecaf với các vở “Thú yêu thương”; “Phép lạ”, “Tấm Cám” và “Vẻ đẹp hoàn hảo” sẽ là những lựa chọn đa dạng. Trong đó phiên bản “Tấm Cám” được dựng lại từ kịch bản của Ngày xửa ngày xưa với sự tham gia của NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh…

Một phiên bản “Tấm Cám” khác của nhóm kịch Buffalo sẽ là vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên. Với cách giải quyết tình huống, tính cách nhân vật dưới góc nhìn của những người trẻ. Tấm không cam chịu số phận mà bảo vệ tình yêu của mình… Ngoài ra, sân khấu Thế giới trẻ sẽ góp mặt vào mảng nhạc kịch với vở “Trót yêu” - đạo diễn Bùi Quốc Bảo.

Sân khấu Sao Minh Béo góp mặt với các vở tâm lý xã hội, hài kịch và kinh dị “Tình ảo”, “Cưới vợ cho chồng”; “Hồn ma phá án”… và hai vở cho thiếu nhi “Cậu bé rừng xanh”; “Nữ thần mặt trăng”… Ba sân khấu mới Trịnh Kim Chi; Hồng Hạc cũng có nhiều “món” mới. Sân khấu Trịnh Kim Chi với “Một nửa đàn bà”; “Loạn tình”; Sân khấu Hồng Hạc với 3 vở “Visa”; “Giờ của quỷ”; “Đảo lửa” đều được dựa theo các tác phẩm truyện ngắn văn học của Nguyễn Ngọc Tư, Hải Miên và Catherine Arley…
 
 
Cảnh trong vở “Tuyết Sài Gòn” của Sân khấu kịch 5B

Nỗi khổ của “bầu”

Chạy đua với phim điện ảnh, truyền hình, gameshow... đã kéo phần nhiều các diễn viên tên tuổi của sân khấu vào guồng quay này. Nhiều sân khấu rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Lo được kịch bản lại thiếu diễn viên và ngược lại. Một ông “bầu” sân khấu than “Thật khổ khi phải tập hợp diễn viên mùa này. Có được kịch bản ưng ý trên tay cũng chưa chắc thắng. Cái quan trọng không kém đó là dàn diễn viên cho vở. Không thể trách được việc họ “chạy sô” kiếm tiền. Nhưng nó lại khiến cho chúng tôi phải đau đầu, đôi khi cả êkíp không thể tập được vì thiếu diễn viên”.

Nhiều sân khấu chọn cho mình phương án tự đào tạo, bồi dưỡng những gương mặt mới thay thế. Không nhiều gương mặt “sao” nhưng Sân khấu Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Sao Minh Béo… ngoài những gương mặt thực sự yêu sân khấu, bám trụ là những diễn viên, học viên trẻ đang dần khẳng định mình.

Khó khăn chung của các sân khấu kịch của TP.HCM đang là dấu hiệu buồn. Đòi hỏi các ông, bà “bầu” sân khấu phải có hướng đi và lựa chọn đúng. Một mùa kịch Tết mới với những sự “chuyển hướng” đang cho thấy sự thay đổi không nhỏ từ chính thị hiếu của khán giả. Hài kịch, tâm lý hay nhạc kịch sẽ “lên ngôi” sẽ còn phải chờ…

Mai Linh (Báo Văn hóa)

Bạn đang đọc bài viết "Sân khấu kịch TP.HCM Tết 2016: Đổi món" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.